Triển lãm giới thiệu về Hoàng đế Thiệu Trị (1841 - 1847) với những tác phẩm văn hóa - thi ca, thể hiện qua Thần kinh nhị thập cảnh (chùm thơ xếp hạng và vịnh 20 thắng cảnh của đất thần kinh) nổi tiếng kèm theo hình ảnh minh họa của một số thắng cảnh vẫn còn đến ngày nay; một số tác phẩm thơ ngự chế được chạm khắc ở điện Long An - cũng là một bộ phận của di sản tư liệu Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Triển lãm còn giới thiệu về hoàng đế Thiệu Trị với những dấu ấn trong phong cách trang trí mỹ thuật cung đình, thể hiện qua nhóm đồ sứ ký kiểu và đồ pháp lam với những hình thức trang trí đặc trưng hình thành phong cách riêng của thời Thiệu Trị.
Năm 2019, Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia tại Huế thiết thực kỷ niệm 100 năm L’Art à Huế (1919 - 2019), 20 năm thành lập Phân viện (1999 - 2019) với hai công trình sách quan trọng, thấm đẫm bao công sức và đặc biệt là một tình yêu Huế thường trực: Nghệ thuật và nghệ nhân vùng Kinh thành Huế (tháng 10) và Mỹ thuật Nguyễn (tháng 11).
Chia sẻ về tác phẩm “Mỹ thuật Nguyễn” của Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông (Tao Đàn thư quán, Nxb. Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh), TS. Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng Viện văn hóa Nghệ thuật Quốc gia tại Huế, viết: Ấp ủ, tâm huyết mấy mươi năm, từ chuyên ngành dân tộc học, thầy (ông Nguyễn Hữu Thông) đi sâu vào mỹ thuật với nhiều công trình có giá trị như Mỹ thuật thời Nguyễn trên đất Huế, Mỹ thuật Huế nhìn từ góc độ ý nghĩa và biểu tượng trang trí, Mỹ thuật thời chúa Nguyễn qua di sản lăng mộ...
Ban Tổ chức (BTC) Festival Huế 2020 cũng vừa thông tin về bộ hình ảnh đồ họa bốn linh vật trong nghệ thuật cung đình Huế: Long, Ly, Quy, Phụng sẽ xuất hiện xuyên suốt trên tất cả các sản phẩm truyền thông tại Festival Huế lần thứ XI. Hình ảnh long mã vốn đã gắn liền với logo
Festival Huế từ năm 2000 sẽ là hình ảnh chủ đạo trên poster chính thức của Festival Huế 2020. Màu sắc chủ đạo của poster là màu tím đặc trưng gắn liền với Huế - vừa trang nhã, thơ mộng, vừa sâu sắc và suy tư - pha một chút rực rỡ của không khí lễ hội để tông màu ngả sang tím xanh, kết hợp với màu vàng hoàng kim làm điểm nhấn, tạo sự sang trọng. Tổng thể màu sắc là dung hoà các yếu tố truyền thống và hiện đại của một thành phố giàu di sản, vươn mình hội nhập.
Mỹ thuật được hiểu là nghệ thuật nghiên cứu quy luật và phương pháp thể hiện cái đẹp bằng đường nét, màu sắc, hình khối. Mỹ thuật Huế thực chất là mỹ thuật cung đình triều Nguyễn ở kinh đô (cung điện, đền đài, lăng tẩm…) và mỹ thuật dân gian với những công trình xây dựng của làng, xã (đình, chùa, nhà thờ họ, tranh tượng dân gian và đồ mỹ nghệ).
Từ những sự kiện có vẻ như mang tính riêng lẻ như cuộc triển lãm về “Hoàng đế Thiệu Trị với đời sống văn hóa - mỹ thuật cung đình Huế”, xuất bản các tập sách nghiên cứu như “Mỹ thuật Nguyễn” hay những hoạt động sáng tạo gắn với các sản phẩm truyền thông tại Festival Huế cho thấy, giá trị lớn lao, quyết tâm tìm hiểu và khát khao kế thừa những giá trị sáng tạo mang tính truyền thống đặc sắc của mỹ thuật Huế trong các hoạt động văn hóa nghệ thuật đương đại.
Đan Duy