ClockThứ Tư, 06/12/2023 16:33

Trăn trở về không gian trưng bày tác phẩm thuộc Bảo tàng mỹ thuật Huế

TTH.VN - Bảo tàng Mỹ thuật Huế với tuổi đời còn non trẻ nhưng với vị thế tên gọi và sự vươn lên không ngừng trong những năm qua đã góp phần phong phú, sống động đời sống mỹ thuật Cố đô.

Ra mắt bộ sưu tập tranh quý của họa sĩ Huế Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tặng tranh quý cho Bảo tàng Mỹ thuật HuếGiữ tranh quý cho Huế

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ (phải) tặng hoa chúc mừng nhân kỷ niệm 5 năm thành lập Bảo tàng Mỹ thuật Huế 

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ đã chia sẻ như trên tại hội thảo khoa học “Đề cương không gian trưng bày tác phẩm mỹ thuật thuộc Bảo tàng mỹ thuật Huế” diễn ra vào sáng 6/12 tại thành phố Huế. Sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 5 năm thành lập Bảo tàng Mỹ thuật Huế (2018-2023).

Đến dự, có nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, Nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Nguyên Trưởng ban Tư tưởng – Văn hoá Trung ương cùng đại diện các cơ quan trong và ngoài tỉnh, đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu, họa sĩ…

5 năm thành lập và 20 năm thai nghén

Bảo tàng Mỹ thuật Huế được thành lập vào cuối năm 2018 bao gồm 3 không gian trưng bày: Không gian trưng bày Nghệ thuật Lê Bá Đảng, Không gian trưng bày Nghệ thuật Điềm Phùng Thị (cùng nằm trên trục đường Lê Lợi, TP. Huế) và Không gian trưng bày tác phẩm mỹ thuật (đến nay vẫn chưa có trụ sở).

Phát biểu tại hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ cho rằng, trong đời sống văn hóa văn nghệ, bảo tàng mỹ thuật là một trong những thiết chế không thể thiếu vắng trong hệ thống bảo tàng. Điều này lại càng được khẳng định hơn với Huế, vùng đất đậm trầm tích văn hóa đặc sắc của Việt Nam.

Từng theo sát quá trình hình thành và phát triển bảo tàng, ông Thọ nhận định, 5 năm – một hành trình quá ngắn với bảo tàng mỹ thuật. Nhưng để có được danh xưng đó là quãng đường 20 năm thai nghén, ấp ủ và mong đợi của bao thế hệ những người làm mỹ thuật và yêu mỹ thuật Huế.

Mỹ thuật cung đình Huế nói riêng và mỹ thuật Huế với những giá trị đặc sắc được tích tụ, giao thoa trong dòng chảy văn hóa Việt Nam đã trở thành bản sắc của vùng đất Cố đô. Hành trình mỹ thuật hàng trăm năm đang được tích lũy, hội tụ từ những bàn tay, trí tuệ và ý chí của bao thế hệ người làm bảo tàng để thế hệ hôm nay được chiêm ngưỡng, tự hào về giá trị của những tác phẩm mỹ thuật. 

Theo ông Thọ, mô hình Bảo tàng Mỹ thuật Huế sẽ được định hướng sưu tập và trưng bày đáp ứng mô hình bảo tàng mỹ thuật của thế giới nhưng những giá trị riêng có của mỹ thuật Huế từ dân gian, tín ngưỡng tôn giáo đến cung đình sẽ là những nét đặc sắc riêng có của bảo tàng mỹ thuật Cố đô. Mỗi hiện vật của bảo tàng sẽ là một câu chuyện kể về văn hóa, thiên nhiên và con người của vùng đất này qua những bàn tay tài hoa từ các thế hệ.

 “Với những gì có được hôm nay, chúng ta luôn trân trọng sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ làm công tác bảo tàng trong những ngày đầu thành lập. Cũng như tri ân những tấm lòng của các tổ chức, cá nhân đã hiến tặng những tác phẩm mỹ thuật làm phong phú, sang trọng thêm không gian bảo tàng”, ông Thọ nhấn mạnh và kỳ vọng sẽ tiếp tục đón nhận nhiều hơn nữa những nghĩa cử của tổ chức, cá nhân dành cho mỹ thuật Huế.

Trăn trở về Không gian trưng bày tác phẩm mỹ thuật

Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, việc không có không gian trưng bày tác phẩm mỹ thuật dẫn tới rất nhiều khó khăn và chưa thể đảm bảo thực hiện đầy đủ chức năng nhiệm vụ được giao trên lĩnh vực sưu tầm, trưng bày và quảng bá giá trị văn hóa nghệ thuật của Cố đô Huế nói riêng, của các dân tộc Việt Nam nói chung.

Những tác phẩm mỹ thuật bảo tàng đã sưu tầm trong thời gian qua chỉ được lưu kho, bảo quản nên không thể phục vụ nhu cầu thưởng lãm, nghiên cứu, tìm hiểu của công chúng, du khách và những người đam mê, yêu thích nghệ thuật nhằm phát huy giá trị nghệ thuật các tác phẩm. Điều này cũng mang lại sự băn khoăn, trăn trở của công chúng, nghệ sĩ có tâm huyết, yêu mến nghệ thuật.

Tác phẩm của những họa sĩ tên tuổi xứ Huế được Bảo tàng Mỹ thuật Huế sưu tập lần đầu tiên giới thiệu đến công chúng 

Dù vậy tại hội thảo, nhiều đại biểu cũng đã thảo luận những vấn đề như định hướng, quan điểm xây dựng nội dung trưng bày; phương án và giải pháp thực hiện; ứng dụng khoa học kỹ thuật trong các hoạt động trưng bày, bảo quản, lưu trữ và phát huy giá trị các bộ sưu tập…

TS. họa sĩ Nguyễn Thiện Đức, Chủ tịch hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế nói rằng, thông thường, không gian và nội dung trưng bày là điều kiện cơ bản cần có để quyết định việc đưa ra một giải pháp trưng bày phù hợp và tối ưu. Tuy nhiên, Bảo tàng Mỹ thuật Huế đến nay vẫn chưa có trụ sở, không gian trưng bày chính thức, vì vậy muốn bàn về giải pháp thì có thể giả định một không gian “lý tưởng” theo lý thuyết để tiếp tục câu chuyện trưng bày.

Định hướng nội dung trưng bày của Bảo tàng Mỹ thuật Huế, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa (Nguyên Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin) cho rằng, nên tập trung vào mấy trục chính nhưng có tính hệ thống đó là mỹ thuật đương đại, mỹ thuật cung đình Huế, mỹ thuật Huế thời cổ đại, mỹ thuật dân gian Huế và mỹ thuật ứng dụng Huế.

Nói thêm về sưu tập tác phẩm, ông Hoa đề xuất, cần đầu tư in lại toàn bộ 154 bức tranh Lễ phục triều đình An Nam của Lê Văn Nhân, 145 bức tranh Kim Vân Kiều tân truyện, 530 bức tranh Lục Vân Tiên tân truyện của Lê Đức Trạch thì Bảo tàng Mỹ thuật Huế đã có ngay 829 bức tranh độc đáo dưới thời vua Thành Thái. Ngoài ra, có thể tuyển chọn và đề xuất với UBND tỉnh đưa các tác phẩm điêu khắc có giá trị ở công viên và hồ Thủy Tiên, Thuận An về Bảo tàng Mỹ thuật Huế thì chúng ta có ngay một bộ sưu tập tác phẩm điêu khắc.

 

Dịp này, Bảo tàng Mỹ thuật Huế cũng cho ra mắt logo của bảo tàng. Theo đó, logo là một chỉnh thể được tạo nên từ những hình kỷ hà gắn kết có hệ thống, tạo hiệu quả thị giác hai chiều và ba chiều độc đáo. Logo được thiết kế sáng tạo khoảng không gian âm - dương tạo chữ H (Huế) điểm mô típ nhận diện đặc sắc và chữ H nằm giữa chữ MT (mỹ thuật), nhằm thể hiện ý niệm về tư duy sáng tạo Huế - Trung tâm mỹ thuật miền Trung. Ý nghĩa logo thể hiện giá trị cốt lõi về tinh thần trân trọng các giá trị, trân trọng các ý tưởng sáng tạo, trân trọng cảm nhận đa góc nhìn, và mỹ thuật Huế luôn đậm bản sắc nhân văn hướng đến giá trị chân - thiện - mỹ.

NHẬT MINH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Triển khai 932 nhiệm vụ khoa học và công nghệ đạt chất lượng cao

Sáng 21/12, Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế (ĐHH) tổ chức hội thảo tổng kết khoa học và công nghệ (KHCN) giai đoạn 2019-2024 và xây dựng chiến lược phát triển nhiệm kỳ 2025-2030. Đến dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành liên quan và các nhà khoa học, lãnh đạo Trường đại học Y - Dược, ĐHH.

Triển khai 932 nhiệm vụ khoa học và công nghệ đạt chất lượng cao
“Quản lý sinh cảnh bền vững”

Đó là chủ đề của hội thảo quốc tế "Quản lý sinh cảnh bền vững" do Trường đại học Nông lâm, Đại học Huế tổ chức khai mạc ngày 2/12.

“Quản lý sinh cảnh bền vững”
Xã hội và văn hóa ở châu Á trong thời kỳ công nghệ số

Đó là chủ đề của hội thảo khoa học quốc tế LSCAC 2024 - Ngôn ngữ, Xã hội, Văn hóa trong bối cảnh châu Á diễn ra từ ngày 22 - 24/11 tại TP. Huế, do Trường cao đẳng Huế phối hợp với Trường đại học Quốc gia Malang (Indonesia), Đại học Hyderabad (Ấn Độ), Đại học Mahasarakham (Thái Lan), Viện Nhân học Văn hoá (Hà Nội) và Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật Đông Bắc (Thái Lan) tổ chức.

Xã hội và văn hóa ở châu Á trong thời kỳ công nghệ số

TIN MỚI

Return to top