ClockThứ Năm, 01/04/2021 20:00

Trịnh Công Sơn thường làm việc khi mọi người đã ngon giấc

TTH.VN - Nhà văn, dịch giả Bửu Ý đã hồi tưởng như thế nhân 20 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi ông trở về Gác Trịnh...

Những kỷ vật lần đầu tiên được công bố sau 20 năm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công SơnTái hiện chân thật tinh thần và phong cách nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong “Em và Trịnh”Triển lãm tranh “Trịnh & những âm ba” sẽ khai mạc vào chiều 1/4

Nhà văn, dịch giả Bửu Ý bên trong căn Gác Trịnh - nơi người bạn thân và ông từng có nhiều kỉ niệm đẹp

Cơn giông chỉ vừa đủ lắc rắc vài giọt mưa không làm nản đôi chân của nhà văn, dịch giả Bửu Ý dù ông đã có tuổi. Bước chậm rãi lên căn Gác Trịnh ở tầng 2 chung cư Nguyễn Trường Tộ, TP. Huế, tất cả những ký ức như thước phim quay ùa về trong tâm trí bởi chính nơi này hơn 50 năm về trước, nhà văn đã có rất nhiều kỉ niệm với không chỉ người nhạc sĩ tài hoa mà còn với các thành viên trong gia đình, cũng như bạn bè văn nghệ.

Căn gác này chính là nơi ở của gia đình Trịnh Công Sơn từ đầu thập niên 1960 đến cuối thập niên 1970. Đây chính là nơi ra đời rất nhiều bản tình ca bất hủ… Căn nhà này sau đó thành nơi ở của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, cũng là một người bạn của Trịnh Công Sơn.

Đi lướt qua từng gian phòng, có lúc chậm lại, nhìn quanh mọi thức bên trong căn gác, nhà văn Bửu Ý trầm ngâm. Những ký ức lần lượt được ông kể lại, cứ ngỡ như vừa hôm qua. “Mọi người có lẽ không tưởng tượng được đâu. Thử nhìn mà xem, từ trước ra sau, chừng ấy không gian nhưng có rất nhiều người cùng sống. Mẹ của Sơn, ba người con trai, năm người con gái và một em bé 15 tuổi lo chuyện nấu nướng”, nhà văn Bửu Ý nhớ như in.

Nhưng đâu chỉ có chừng đó, chính ở trong căn gác này, không khi nào là không có bạn bè của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Và nhà văn Bửu Ý tự nhận mình là người có mặt thường xuyên, có khi ở lại cả tháng trường. 

Hành lang xưa vẫn còn đó, gian trước, gian giữa và gian sau của căn gác vẫn không thay đổi là bao. Nhà văn Bửu Ý bước từng bước chân đi một cách thân thuộc, chỉ từng góc bên trong các gian, kể về “tiểu sử” đầy thân thương.

“Hành lang là nơi mà Trịnh Công Sơn thường đi ra, đi vào và ngôi trên cái thớt gỗ to đặt sát trụ cột – nhà văn Bửu Ý đưa đôi bàn tay ôm vòng về phía trước để mô tả - Ở đó, anh ngồi rất gọn và nhìn qua phía bên kia sông, nơi có những ngôi nhà và chờ bóng dáng của Diễm hay là Dao Ánh”.

Một góc tưởng niệm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở Gác Trịnh - nơi ông từng có thời gian sống, làm việc ở Huế

Còn gian trước, đó là nơi đặt bộ salon và bốn ghế lớn, chính giữa có đặt bàn thờ. Góc nhỏ này cũng là nơi mà Trịnh Công Sơn, Bửu Ý cùng một vài người bạn khác hay lui tới như Ngô Kha, Đinh Cường, Bửu Chỉ, Dương Đình San, Hoàng Đăng Nhuận, Trịnh Cung, Hoàng Phủ Ngọc Tường… cùng nhiều sinh viên thường xuyên “đàm đạo”.

Ấn tượng nhất với nhà văn Bửu Ý có lẽ là gian giữa của căn gác. Ông bảo: “Nó kì lạ lắm, phải nhìn mới cảm nhận được”! Bởi gian này khá nhỏ, nhưng đêm về vẫn có thể xếp đầy đủ chỗ không chỉ các thành viên trong gia đình nhạc sĩ mà bạn bè có thể cùng ngủ. “Người mẹ và năm người em gái nằm trên một cái giường. Không thể nằm một chiều, cho nên có người nằm xuôi và có người phải nằm ngang dưới chân những người nằm xuôi. Cạnh giường nữ ấy, là nơi đặt một tấm ri. Đó chính là nơi 3 người nam của gia đình và vài người bạn đặt lưng”, nhà văn Bửu Ý kể một cách chi tiết.

Cũng chính trong gian giữa này, có một cái bàn nhỏ và đó là nơi mà đêm đêm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thức giấc để lặng lẽ làm việc. Nhà văn Bửu Ý nhớ lại: “Sơn thường làm việc vào 2-3h sáng, khi mọi người đã ngon giấc. Bằng cái đèn vừa đủ chùm ánh sáng, Sơn ngồi một mình và viết vào giấy, hoàn toàn không ai biết”. Và gian sau cùng là nơi những người phụ nữ trong gia đình sinh hoạt.

Kể những kỉ niệm này, người bạn thân của nhạc sĩ tài hoa nói rằng không phải để phô trương, khoe khoang mà để mọi người thấy được và hiểu rằng vật chất hay công việc đôi khi ở ý chí của con người, chứ không lệ thuộc vào không gian, nhà to cửa rộng. Và trong cái ý chí đó, vai trò của người chủ nhà – mẹ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có ý nghĩa vô cùng to lớn. Đó là người mẹ tảo tần, nuôi tám đứa con, quá sức khó khăn vào thời điểm đó.

Nhà văn Bửu Ý chia sẻ thêm, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, cùng ông và nhiều người bạn thân chơi với nhau để nhắc nhở nhau làm việc. Mỗi người một chuyên môn, giúp nhau cùng phát triển. Để cũng chính nơi đó, những tên tuổi vang danh rồi lan toả đi khắp nơi. “Trịnh Công Sơn tài hoà âm nhạc, Đinh Cường thành danh với hội hoạ, Hoàng Phủ Ngọc Tường làm thơ, dạy học và viết phê bình. Trịnh Cung vừa kiêm làm thơ vừa hội hoạ, Ngô Kha là luật gia rất giỏi lý luận, còn tôi thì ngoài dạy học còn tham gia viết tiểu luận, dịch thuật…”, ông Bửu Ý kể về nhóm bạn từng hội ngộ trong căn gác đã “đặt nền móng” tình bạn.

Bài, ảnh: PHAN THÀNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đêm nhạc Trịnh Công Sơn “Khúc ca hòa bình”

Tối 13/7, tiếp tục Lễ hội Vì hòa bình 2024, tại Công viên Fidel, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị diễn ra chương trình đặc biệt đêm nhạc Trịnh Công Sơn với chủ đề “Khúc ca hòa bình”, được Đài Phát thanh Truyền hình Quảng Trị phối hợp với gia đình Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Công ty CLC Global thực hiện.

Đêm nhạc Trịnh Công Sơn “Khúc ca hòa bình”
Đêm nhạc Trịnh đầy cảm xúc trong mưa

Mặc cho cơn mưa nặng hạt trong suốt thời gian diễn ra đêm nhạc Trịnh Công Sơn nhưng khán giả đã không ngần ngại nán lại sân khấu, theo dõi đến những tiết mục cuối cùng.

Đêm nhạc Trịnh đầy cảm xúc trong mưa
Điểm trường mang tên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Ngoài tượng Trịnh Công Sơn bên bờ sông Hương, Thừa Thiên Huế có thêm một công trình mang tên người nhạc sĩ tài hoa: Điểm trường Trịnh Công Sơn tại xã Thượng Long, huyện Nam Đông vừa được khánh thành hôm 24/4.

Điểm trường mang tên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Khánh thành điểm trường Trịnh Công Sơn

Sáng 24/4, UBND huyện Nam Đông phối hợp với gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tổ chức lễ khánh thành điểm trường Trịnh Công Sơn. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ đã đến dự.

Khánh thành điểm trường Trịnh Công Sơn
Ngồi xuống đây với Trịnh

Chiều xuống, phố Huế đượm nắng vàng tươi, miên man sông, miên man hoa thơm cỏ ngọt, mây trời xanh. Thả bộ dạo bước quanh những con đường ven dòng Hương, bắt gặp từng góc nhỏ loang loáng ánh sáng mặt trời, như vừa đủ để lấp lánh trên môi mắt biết cười của đôi bạn nữ sinh vừa tan lớp, đang thủ thỉ bên kia chiếc ghế đá trong công viên Trịnh Công Sơn.

Ngồi xuống đây với Trịnh

TIN MỚI

công ty nấu tiệc tại nhà chất lượngCơ hội mua nệm giá tốt chính hãng
Return to top