Tôi về lại với Huế sau những chuyến đi xa háo hức tuổi trẻ, lắng nghe những thiết tha cuồng si của ngày xưa bằng những giai điệu quen thuộc như tiếng đàn guitar của người đó trong tiết học chuyên đề. Có bận, tuổi trẻ buồn tình ngẩn ngơ, tôi đạp xe qua Đập Đá, thẳng đường Nguyễn Sinh Cung về ngồi yên lặng trong một góc nhỏ của người bạn quen chỉ để được phép thả mình chơi vơi cùng những giai điệu của Trịnh.
Trong hình dung cũ kỹ của tôi, ngày ấy từng tập tành nếm thử ly rượu đắng chát, nhâm nhi từng giọt “mây che trên đầu và nắng trên vai...” du dương, chẳng ngoài mục đích nào hòng thỏa mãn những mê đắm với giai điệu của tuổi trẻ. Nhưng cũng có khi, trong bước chân lang thang đến một thành phố khác, tôi đã nghe thấy “một cõi đi về” chầm chậm day dứt vì chứng kiến cuộc tạ từ hai cõi bằng những lời nhạc này theo đoàn người nào đó xa xôi về phía tiễn đưa.
Không vội vàng gì, khi ngồi xuống đây và hãy cứ ngồi xuống đây, giữa những luống màu sắc trong công viên xanh màu xanh của Huế, có một bức tượng điêu khắc đá hình ảnh người đàn ông đeo kính trầm tư dáng vẻ phiêu lãng cuối trời mây bên dòng Hương vừa được khánh thành một ngày đẹp tháng trước. Tôi đã và đang ngồi xuống cùng những giấc mơ tuổi trẻ của chính mình, ngẫm nghĩ cuộc chơi của người đàn ông ấy từ tháng năm ảo mộng với đời bằng dòng nhạc lạ lẫm phiêu linh, như một kiểu siêu thoát trong những ca từ sóng sánh như mặt nước trên sông. Và tôi biết, dẫu cố gắng giấu biệt mộng mê tuổi trẻ, những ca từ đó vẫn song song đi bên đời tôi từng phút giây hiển hiện.
Tôi lại nghĩ đến một cô gái khác, tôi vẫn thường gọi là Moon, trong một lần để môi mắt hồng lên, thơm men tuổi trẻ, Moon đứng trước lan can ký túc xá sư phạm ngước nhìn trăng lặng lẽ hát. Những ca từ của Trịnh sâu hun hút như vũ trụ. Bóng con người dưới trăng. Bóng một cô gái trẻ nhiều mộng ước dưới trăng bất giác trở nên nhỏ bé, đơn độc kỳ lạ. Tôi để yên cho ca từ ấy, giai điệu ấy được cất lên: “Ôi những dòng sông nhỏ, lời hẹn thề là những cơn mê”, theo gió và trăng.
Cũng vào một đêm nào đó, theo hình dung của chiều dài trí nhớ, tôi đã thấy một hoạt cảnh rất thú vị, người đàn ông Huế hơn sáu mươi trong nhà tôi, vừa nghe Trịnh vừa nghêu ngao hát theo, tay thì thoăn thoắt với nếp, với đậu, với lạt gói bánh khi mùa qua xuân đến. Chẳng biết, liệu ông có còn mơ màng về tháng năm tuổi trẻ? Tôi thử yên lặng lắng nghe lại một chút bằng hoài niệm của mình vào lúc này, rồi nhận ra rằng, những ca từ cũ kỹ kia vẫn còn sức lay động thăm thẳm giấc mơ vừa gần, vừa xa của tôi.
Ngồi xuống bậc thềm trắng giữa chiều loang sắc nắng, khi mặt trời vừa chớm chớm trên bóng cây. Bên cạnh tôi là bức tượng đá màu nâu trầm tư trong khuôn viên nhỏ nằm trên con đường Trịnh Công Sơn. Tôi nhận diện đủ để thấy một chân dung của Trịnh rất thật, rất đời, và rất Người trong cõi hoang vu vũ trụ. Hệt như cách Trịnh đã tồn tại, đã cống hiến, cách mà Trịnh rời bỏ kiếp sống này vô tình hay hữu ý vào ngày 1/4 vậy.