Bộ Địa chí tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung và việc biên soạn Địa chí Thừa Thiên Huế - Phần Văn hóa (2 tập) của tỉnh nói riêng chẳng những thuộc chương trình trọng điểm mà lãnh đạo tỉnh đã vạch ra, mà còn là một yêu cầu quan trọng, cấp bách không thể thiếu của địa phương.
Địa chí Thừa Thiên Huế - phần văn hóa. Ản: MH
Sách Địa chí Thừa Thiên Huế - Phần Văn hóa gồm có 2 tập, được thực hiện từ tháng 6 năm 2014 – trong đó có 18 nhà nghiên cứu phối hợp tham gia thực hiện đề tài. Sách do Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành năm 2020. Trong lời nói đầu, ông Phan Ngọc Thọ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khiêm tốn giới thiệu sách Địa chí Thừa Thiên Huế - Phần Văn hóa (2 tập) như sau: “Việc biên soạn một công trình khảo cứu với quy mô như thế trong điều kiện thực hiện còn nhiều hạn chế nên thật khó tránh khỏi sự thiếu sót. Trong lần xuất bản đầu tiên này, chúng tôi rất mong nhận được sự góp ý chân thành của các nhà khoa học, của bạn đọc khắp gần xa để bổ sung, sửa chữa hoàn chỉnh cho lần tái bản sau” (1).
Với tinh thần đó, sau khi đọc sách Địa chí Thừa Thiên Huế - Phần Văn hóa (Tập 2), chúng tôi phát hiện thấy có sai sót, nhầm lẫn trong một số trang sách. Cụ thể:
- Trang 33: “Báo Viên Âm, số 1 ra ngày 1/5/1933” là không chính xác. Báo Viên Âm, số 1 ra ngày 1/12/1933.
- Trang 100: Báo “Lực lượng, tiếng nói của Lực lượng sinh viên học sinh tranh đấu Huế, do Vĩnh Kha, Chủ tịch Tổng hội sinh viên Huế, Chủ tịch Lực lượng chủ trương, ra đời tháng 9/1964”. Thực ra, theo măng sét của tờ báo Lực lượng mà chúng tôi lưu giữ ghi rõ: Lực lượng – Cơ quan ngôn luận của lực lượng học sinh sinh viên tranh đấu.
Quản nhiệm: Thái Thị Kim Lan
Thư ký tòa soạn: Trần Xuân Kiêm
Tòa soạn: Trường Đại học Văn khoa Huế (báo Lực lượng, ra ngày 27/9/1964)
- Cùng trang 100: “Báo Dân, tiếng nói của Lực lượng Giáo chức tranh đấu Huế, số 1 ra ngày 2/9/1964 do Trần Ngọc Anh, Chủ tịch Lực lượng kiêm chủ bút” là không chính xác. Theo măng sét của báo Dân ghi rõ: Dân – cơ quan tranh đấu của lực lượng giáo chức Thừa Thiên.
Quản nhiệm: Trần Ngọc Anh
Tòa soạn: 1A Hoàng Hoa Thám, Huế
- Trang 105: “Nối tay, đặc san của Đại học Luật khoa Huế do Khối Báo chí Đại học Luật khoa chủ biên”, chi tiết này thiếu chính xác. Theo chúng tôi nên giới thiệu đầy đủ như sau:
Báo Nối Tay: Do ban đại diện Trường đại học Luật khoa Huế chủ trương và khối báo chí thực hiện.
Ra tháng 3/1970.
Khổ báo: 20x25cm, in ronéo, dày 72 trang.
Báo Nối Tay đã được giới thiệu trên tạp chí Bách Khoa, số 324, 1/7/1970.
- Trang 113: “Tháng 8/1975, Đài Truyền hình Huế được khôi phục và phát sóng trở lại” là không chính xác. Để biết rõ ngày phát sóng, chúng tôi trích một đoạn có đề cập đến ngày phát sóng của Đài Truyền hình Huế trong Luận án thạc sĩ báo chí của nhà báo Văn Công Toàn (Nhà báo Văn Công Toàn, nguyên Giám đốc Đài Truyền hình Huế): “… Buổi phát sóng đầu tiên được thực hiện vào ngày 2/9/1975” (2).
- Riêng trang 124-125: “Nghiên cứu Huế. Tập một năm 1999… tập 2 ra năm 2001, tập 3 năm 2002, tập 4 năm 2002, tập 5 năm 2003, tập 6 năm 2008, tập 7 năm 2010, tập 8 năm 2012. Mỗi tập bình quân trên 400 trang, lần lượt công bố các bài viết có giá trị của Lê Thanh Minh Châu, Nguyễn Hữu Đính, Nguyễn Hữu Châu Phan…”. Tuy nhiên, tra cứu 8 tập của Nghiên cứu Huế thì không có tên tác giả Lê Thanh Minh Châu trong ấn phẩm ấy. Có lẽ nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa là thành viên viết về đề tài này trong sách Địa chí Thừa Thiên Huế nhầm lẫn chăng?
Trước đây, năm 2014, chúng tôi đăng bài viết “Góp thêm tư liệu cho sách Lịch sử báo chí Huế” (3); nội dung bài viết có đính chính, bổ sung một số sai sót, nhầm lẫn trong sách ấy. Năm 2020, sách Địa chí Thừa Thiên Huế - Phần Văn hóa (Tập 2) đã ra mắt bạn đọc, nhưng ở trang 125 thì tác giả viết về đề tài này cũng có sự nhầm lẫn tương tự (không sửa chữa và để nguyên văn như vậy).
Với niềm tin vững chắc vào nhiệt tâm khoa học của các tác giả, chắc chắn sách Địa chí Thừa Thiên Huế - Phần Văn hóa (2 tập) khi tái bản sẽ được chỉnh sửa những thiếu sót và bổ sung để bộ sách ngày càng hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, ngoài phần sai sót kể trên, “Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục xuất bản in và phát hành (Bộ Thông tin – Truyền thông), cho biết ngày 11/11//2021, NXB Thuận Hóa có đề nghị rút bộ sách Địa chí Thừa Thiên Huế - Phần Văn hóa (2 tập) ra khỏi danh sách nhận giải thưởng. Lý do là còn có những ý kiến khác nhau về vấn đề bản quyền” (4).
HỒ VĨNH
(1) Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, Địa chí Thừa Thiên Huế - Phần Văn hóa (Tập 2), NXB Thuận Hóa, Huế, 2020, tr.6.
(2) Văn Công Toàn, Vấn đề văn hóa - du lịch trên sóng Truyền hình Huế thời kỳ đổi mới (1986-1999), Luận án Thạc sĩ: Khoa học xã hội và nhân văn - Chuyên ngành: Báo chí, Phân viện Báo chí và Tuyên truyền, Hà Nội, 2000, tr.42.
(3) Hồ Vĩnh, “Góp thêm tư liệu cho sách Lịch sử báo chí Huế”, báo Thừa Thiên Huế, 18/2/2014, tr.4.
(4) Trinh Nguyễn, “Một tác phẩm bị rút khỏi danh sách trao giải”, báo Thanh Niên, 13/11/2021, tr.19.