Ca Huế đang được gìn giữ và phát huy giá trị ở không gian ca Huế thính phòng
Nhiều thuận lợi
Theo kế hoạch, quy trình xây dựng hồ sơ gồm nhiều bước nhằm xây dựng bộ tài liệu toàn diện về nghệ thuật ca Huế, như: Hoàn thiện bộ tài liệu báo cáo kiểm kê về di sản nghệ thuật ca Huế theo quy cách của UNESCO; sưu tầm các tài liệu, hiện vật, các tài liệu xuất bản, tài liệu chép tay, các thư tịch liên quan đến di sản ca Huế ở trong và ngoài nước; khảo sát, điền dã ghi âm, ghi hình các hình thức trình diễn nghệ thuật ca Huế để xây dựng các sản phẩm nghe nhìn; xây dựng bản đồ điện tử, xuất bản bộ sách tài liệu về nghệ thuật ca Huế (song ngữ Việt - Anh) cũng như xây dựng chương trình hành động để bảo tồn và phát huy giá trị di sản...
Một hội thảo khoa học quốc tế về “Nghệ thuật ca Huế và những hình thức nghệ thuật diễn xướng tương đồng trên thế giới” sẽ được tổ chức nhằm xác định tính độc đáo, nhân văn, tính đối thoại nhân loại và bản chất văn hóa của nghệ thuật ca Huế. Đồng thời, tìm tiếng nói đồng thuận của các nhà khoa học trong và ngoài nước ủng hộ hồ sơ.
Để thông qua hồ sơ di sản nghệ thuật ca Huế trước khi trình các cấp phê duyệt, Sở Văn hóa và Thể thao sẽ tổ chức hội nghị lấy ý kiến các cơ quan quản lý, nhà nghiên cứu, các câu lạc bộ ca Huế, nghệ nhân, nghệ sĩ; cũng như qua nhiều lần trình hồ sơ cho các cấp phê duyệt, đóng góp ý kiến để tiến hành chỉnh sửa và bổ sung.
Việc xây dựng hồ sơ di sản ca Huế đệ trình UNESCO là tin vui đối với các nghệ nhân, nghệ sĩ ca Huế
TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho hay, việc xây dựng hồ sơ ca Huế đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại có khá nhiều thuận lợi, bởi di sản này đã được công nhận là di sản phi vật thể cấp quốc gia. Hồ sơ tư liệu về ca Huế rất phong phú, nếu được đầu tư xây dựng tốt sẽ có tính thuyết phục rất cao. Một thuận lợi nữa là đội ngũ các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý của Huế nói riêng và Việt Nam nói chung có nhiều kinh nghiệm xây dựng hồ sơ, do đã thực hiện thành công không ít hồ sơ di sản trước đó. Điều khó khăn là Việt Nam đang có khá nhiều di sản nằm trong kế hoạch đề cử với UNESCO, do đó hồ sơ ca Huế có lẽ phải vài năm nữa mới có thể đệ trình.
Xứng đáng là di sản nhân loại
Ca Huế là một di sản văn hóa độc đáo của Cố đô Huế, có lịch sử ra đời, phát triển đã hàng trăm năm, gắn liền với văn hóa quý tộc, văn hóa thượng lưu của Huế khi vùng đất này đóng vai trò là Kinh đô của đất nước dưới thời quân chủ. TS. Phan Thanh Hải khẳng định: “Xét trên nhiều bình diện, ca Huế có giá trị tiêu biểu, nổi bật không chỉ ở trong phạm vi quốc gia hay khu vực. Ca Huế hoàn toàn xứng đáng được xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.
Nếu thành công trong việc trình và bảo vệ hồ sơ để ca Huế được UNESCO vinh danh là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại thì cái được là rất lớn. Huế không chỉ có thêm một di sản mang tầm vóc thế giới, góp phần nâng cao vị thế vùng đất, quảng bá thương hiệu về du lịch, mà còn rất có lợi và phù hợp với định hướng xây dựng Thừa Thiên Huế thành đô thị di sản đặc thù, thành phố di sản cấp quốc gia đầu tiên của Việt Nam.
Thông tin Sở Văn hóa và Thể thao đang lập kế hoạch xây dựng bộ hồ sơ “Nghệ thuật ca Huế” trình UNESCO đề nghị công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại khiến các nghệ nhân, nghệ sĩ vui mừng. Nhà thơ Võ Quê, Chủ nhiệm CLB Ca Huế, chia sẻ: “Ca Huế được thế giới công nhận là di sản nhân loại là niềm mong mỏi từ lâu của các nghệ nhân, nghệ sĩ, trong đó có tôi. Việc tỉnh có chủ trương xây dựng hồ sơ di sản ca Huế đệ trình UNESCO là tin rất vui, càng củng cố thêm niềm tin của văn nghệ sĩ. Tôi hy vọng, điều này sớm thành hiện thực”.
Nhà thơ Võ Quê cũng lưu ý, bên cạnh những thành công của nghệ thuật ca Huế thì những “hạt sạn” của hoạt động ca Huế trên sông Hương là nỗi lo. Vì vậy, cùng lúc làm hồ sơ di sản phải chấn chỉnh ca Huế trên sông Hương. Để ca Huế được UNESCO công nhận, phải xây dựng hồ sơ thật tốt, đủ mạnh bằng những hình ảnh của các nghệ nhân, những sân khấu trình diễn, những nơi đang truyền dạy ca Huế... Ca Huế đang được đưa vào học đường, điều này cần được bổ sung vào hồ sơ để thế giới biết rằng, ca Huế là loại hình nghệ thuật bác học và được đưa vào hệ thống giáo dục.
Hiện nay, Sở Văn hóa và Thể thao đã tham mưu với UBND tỉnh chính thức đăng ký với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kế hoạch xây dựng hồ sơ ca Huế để trình UNESCO. Sở cũng đang tích cực chỉ đạo Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch tổng thể để bảo tồn và phát huy di sản ca Huế một cách bền vững. Trước mắt, triển khai chương trình tập huấn chuyên môn và tổ chức kiểm tra, thẩm định lại trình độ kỹ năng của đội ngũ ca sĩ, nhạc công đang hoạt động trong lĩnh vực này.
Sở Văn hóa và Thể thao đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo đưa ca Huế vào trường học. Những kết quả khả quan ban đầu của chương trình này là bước chuẩn bị cho tương lai để ca Huế lan tỏa vào cộng đồng. Đồng thời, chuẩn bị xuất bản một công trình nghiên cứu về ca Huế trên cơ sở các bài viết, ý kiến của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, nhà quản lý cũng như phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan và TP. Huế tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh hoạt động ca Huế trên sông Hương và phát triển ca Huế thính phòng.
Bài, ảnh: MINH HIỀN