Kiến trúc nguyên vẹn ở chiếc cổng phía chân cầu Lương Y
Giá trị đặc biệt
Cổng thứ nhất nằm bên phải cầu Lương Y, được xây theo hình thức cổng vòm xuyên thành dày khoảng 60cm, rộng 80cm, cao 100cm, phía dưới là những tảng đá xanh còn nguyên vẹn. Cổng được phát hiện sau khi các hộ dân sống trên Thượng Thành giải tỏa di dời đến nơi ở mới.
Cổng thứ hai nằm bên trái cầu Lương Y, ở phía sau nhà một hộ dân chưa được giải tỏa. Hiện cổng thành bị bịt kín bởi lớp bờ lô do người dân xây dựng cách đây nhiều năm trước.
Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, đây là cửa bên phải và cửa bên trái của Đông thành Thủy quan, nơi đóng quân của lính bảo vệ Đông thành Thủy quan. Phòng Nghiên cứu Khoa học thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã nghiên cứu tư liệu trong cuốn “Kinh thành Huế: Địa danh” năm 1933 của tác giả Léopold Michel Cadière ghi ở vị trí 121 là cửa trái và cửa phải của Đông thành Thủy quan. Khả năng sau năm 1885 thất thủ kinh đô, năm 1886 Pháp vào chiếm đồn Mang Cá nên không còn sử dụng nữa, nên Cadière ghi chú trong “Kinh thành Huế địa danh” là "đã bị bít lại".
Trước giả thiết cho rằng hai chiếc cổng này là nơi đặt đại bác phòng thủ Đông thành Thủy quan, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho rằng, đây không thể là nơi đặt đài pháo. “So sánh với các pháo nhãn và tính khoảng cách khá cao từ mặt đất, cấu trúc của hai chiếc cổng này không phải để đặt pháo. Hơn nữa, kiến trúc của chúng được đánh giá là tuyệt đẹp, không ai xây dựng đài pháo đẹp như vậy”, ông Hoa nhận định.
Nghiên cứu vị trí, kiến trúc của hai chiếc cổng này, ông Hoa đánh giá chúng có giá trị khá đặc biệt, bổ sung thông tin có liên quan đến hệ thống phòng thủ của Kinh thành Huế, đặc biệt là hệ thống phòng thủ tại Đông thành Thủy quan. Nó cho thấy, dù là hai cửa sông nhưng Đông thành Thủy quan và Tây thành Thủy quan khác nhau hoàn toàn. Ở Tây thành Thủy quan hoàn toàn không có một hệ thống cửa thông từ bên trong thành ra bên ngoài thành ở quy mô rất gọn, vừa đủ cho 1-2 người chen từ trong thành ra ngoài thành để kiểm soát.
Ông Hoa cho hay: “Đối với Kinh thành Huế, phía Đông rất quan trọng, tiếp cận với đường từ sông Hương ra đến cửa biển Thuận An. Vì vậy, triều Nguyễn từ thời Gia Long khi lập Kinh thành Huế, ngay phía Đông Bắc đã lập thêm thành thứ hai gắn liền với Kinh thành, gọi là Trấn Bình Đài (khu vực Mang Cá) mang chức năng giống như một căn cứ quân sự để phòng thủ về phía Đông, quan sát việc di chuyển tàu thuyền ở dưới sông Hương, đề phòng và chống trả sự xâm nhập về đường sông”.
Qua cổng ra ngoài thành là đường phòng lộ tiếp giáp với sông Ngự Hà và Hộ thành hào
Với hai chiếc cổng này, toàn bộ thư tịch của triều Nguyễn hầu như chưa đề cập đến. Ngay cả nhà nghiên cứu Phan Thuận An nhiều năm nghiên cứu, khảo sát thực địa và sau đó viết cuốn “Kinh thành Huế” cũng không đề cập đến hai chiếc cổng này. Trong “Kinh thành Huế: Địa danh” của Cadière cho thấy ông đã biết đến hai chiếc cổng này nhưng không mô tả nhiều. Một thông tin quan trọng từ tác phẩm của Cadière cho thấy, ở vị trí số 120 có ghi chú thông tin về đội “Long Võ Hữu Vệ”, tức là có một đơn vị quân đội đóng ngay tại Đông thành Thủy quan tên là Long Võ Hữu Vệ. Có ý kiến cho rằng, sử sách không đề cập đến hai chiếc cổng này do đây là bí mật quân sự.
TS. Trần Đình Hằng, Phân Viện Trưởng Phân Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế lưu ý: “Cần đặt ra nhiều giả thiết, hướng tiếp cận trong tổng thể tường thành - hệ thống cổng thành. Đặc biệt, không thể tách rời việc kiểm soát an ninh cũng như xuất nhập hàng hóa, vật hạng vào ra bằng đường thủy rất quan trọng của Đông thành Thủy quan. Một cái chốt, đồn hay trạm kiểm soát là hoàn toàn có thể nghĩ đến, để rồi cần được chứng minh bằng công năng, sử liệu...”
Điểm nhấn độc đáo trong tour Thượng thành
Ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho hay, hai cổng bên trái và bên phải của Đông thành Thủy quan được trung tâm phát hiện từ trước và đã thu thập hồ sơ, tư liệu, nghiên cứu. Trung tâm đã khảo sát Thượng thành để kiểm tra hệ thống lô cốt và các công trình trên Thượng thành từ cách đây 2 năm. Đầu năm 2020, Phòng Nghiên cứu Khoa học thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tiếp tục khảo sát lại hệ thống Thượng thành để hệ thống hóa các tên pháo đài và kho đạn, các cống thoát nước trên Thượng thành sau khi người dân đã di chuyển đến khu quy hoạch. Song song với việc khảo sát, trung tâm đã làm biển cắm để chú ý các vị trí cần thận trọng khi thu dọn hạ giải.
Hiện nay, dự án di dời hộ dân trên Thượng thành đã hoàn thiện dần và trả lại kiến trúc của Kinh thành, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang nghiên cứu, tập hợp tư liệu và xây dựng hồ sơ để phục hồi Thượng thành và hệ thống phòng thủ 24 pháo đài, các kho đạn, hệ thống thoát nước rất độc đáo trên Thượng thành. Song song với việc phục hồi, trung tâm tiến hành khảo sát xây dựng sản phẩm du lịch bền vững trên nền tảng hệ thống Ngự Hà và di sản Kinh thành Huế.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa tin rằng, trên Thượng thành còn nhiều điều bí mật cần phải tiếp tục khám phá. Ông đề xuất, sau khi di dời dân cư, cần khôi phục di tích Kinh thành Huế thành tuyến du lịch hấp dẫn. Trong đó, Đông thành Thủy quan thực sự là một địa điểm có thể tạo ra sức hấp dẫn cho du khách khám phá trên tuyến Thượng thành, hoặc di chuyển bằng thuyền vào sông Ngự Hà nếu biết gợi lại không gian lịch sử, văn hóa qua việc tổ chức, trưng bày các hiện vật từ thời Nguyễn.
Đến nay, tư liệu về hai chiếc cổng này trong sử sách không nhiều nên cần được nghiên cứu thêm để biết rõ chức năng, vai trò cũng như giá trị của chúng trong hệ thống phòng thủ của Kinh thành Huế.
Bài, ảnh: Minh Hiền