UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban tổ chức Festival Huế 2022 - Nguyễn Thanh Bình
Theo UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức Festival Huế 2022 - Nguyễn Thanh Bình, đây là kỳ festival đầu tiên được tổ chức theo hình thức bốn mùa. Khi tổ chức theo hình thức này, thương hiệu của Festival Huế sẽ phải tiếp tục phát huy hơn nữa, dựa trên cơ sở tiếp cận, đáp ứng thị hiếu của công chúng và du khách gần xa.
Festival Huế 2022 được tổ chức trong bối cảnh sau dịch bệnh và theo hình thức bốn mùa nên sẽ có những thay đổi như thế nào, thưa ông?
Một đặc điểm dễ nhận thấy của Festival Huế qua 10 lần tổ chức trước đây đó là trong phạm vi thời gian rất ngắn. Hầu như tất cả sự phong phú, tinh túy về di sản văn hóa - nghệ thuật, nghệ thuật sống, sinh hoạt cộng đồng, đời sống tâm linh, ngành nghề truyền thống của cư dân bản địa, từ cung đình cho đến dân gian, từ bác học đến bình dân; từ cổ điển cho đến đương đại đều cùng góp mặt, phô diễn với du khách thập phương.
Các tiết mục trong đêm khai màn (Ảnh chụp trong đêm tổng duyệt 23/6)
Cách làm này chứng minh sự phong phú, đa dạng của văn hóa Huế, tạo sức hút rất tốt cho giai đoạn đầu, trong quá trình khẳng định vị thế và xây dựng thương hiệu cho Festival Huế. Tuy vậy, việc có quá nhiều loại hình sinh hoạt văn hóa được tổ chức đồng thời trong một thời gian ngắn của festival, thường được ví von là quá nhiều “món ăn” trong một bữa “đại tiệc”, gây không ít khó khăn, thậm chí quá tải trong công tác tổ chức, cũng như không thuận lợi cho việc thưởng ngoạn của công chúng. Trong khi đó, thời gian còn lại trong năm không có nhiều hoạt động có thể thu hút du khách, vì vậy ngành du lịch cũng không được hưởng lợi khi lượng khách chỉ tập trung trong thời gian ngắn.
Do đó, việc sắp xếp lại một số hoạt động vào các thời điểm khác nhau trong năm một mặt vừa giảm tải cho tuần lễ cao điểm, vừa tạo điều kiện giới thiệu rõ nét hơn các lễ hội mang sắc thái riêng của văn hóa Huế; cũng như tạo thêm sản phẩm du lịch lễ hội phục vụ du khách và công chúng.
Nhìn vào tổng thể chương trình Festival Huế 2022, sẽ thấy số lượng chương trình ít hơn các kỳ trước đây, với 8 chương trình chính và hơn 30 hoạt động đồng hành, hưởng ứng. Mật độ và cơ cấu phân bổ các chương trình như vậy vẫn khá dày dặn, nhờ đó Ban tổ chức có điều kiện tập trung chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, trau chuốt từng chi tiết đảm bảo chất lượng cho các chương trình.
Vì sao năm nay Ban tổ chức không dùng chương trình khai mạc mà là chương trình khai màn; chương trình sẽ có những thông điệp như thế nào, thưa ông?
Khác với các kỳ festival trước, Festival Huế 2022 là chuỗi các hoạt động được tổ chức xuyên suốt quanh năm, mở đầu bằng chương trình công bố lịch trình Festival Huế 2022 gắn với Lễ Ban sóc diễn ra ngày 1/1, kết thúc bằng chương trình Countdown ngày 31/12/2022. Vì vậy, với yêu cầu đổi mới hình thức tổ chức, Ban tổ chức đã xây dựng chương trình khai màn, là chương trình nghệ thuật mở màn cho chuỗi hoạt động festival nghệ thuật đã được định vị của Huế được tổ chức với hình thức mới, kết hợp đêm khai màn với lễ hội Áo dài đặc trưng của các kỳ Festival Huế thành một chương trình ca múa nhạc và áo dài khai màn cho tuần Festival Huế 2022.
Mô phỏng sân khấu đêm khai màn Festival Huế 2022
Chương trình khai màn được Ban tổ chức đầu tư nhiều công sức, tiểu ban nội dung, hội đồng kỹ thuật đã làm việc liên tục. Đây là một chương trình nghệ thuật diễn xướng tổng hợp, chất lượng cao gắn với ứng dụng các kỹ thuật và công nghệ biểu diễn tiên tiến, đa sắc màu, phô diễn tinh hoa của các loại hình nghệ thuật truyền thống và nghệ thuật đương đại. Chọn lọc tiết mục của các lực lượng nghệ thuật quốc tế và trong nước, các nghệ sĩ và nhóm nghệ sĩ chất lượng cao, nhà thiết kế, người mẫu chuyên nghiệp và diễn viên quần chúng. Chương trình thể hiện nét tươi mới, vừa kế thừa tinh hoa của các kỳ festival trước, vừa là sân chơi nghệ thuật cho các nghệ sĩ trẻ. Chương trình còn thể hiện ước mong vươn tới phát triển đi lên của Thừa Thiên Huế, với hình tượng chim phượng hoàng và cây ngô đồng xuyên suốt chương trình.
Festival Huế là lễ hội tiên phong trong cả nước để văn hóa, nghệ thuật truyền thống, đương đại của Việt Nam và quốc tế gặp gỡ, giao thoa. Năm nay, số lượng đoàn nghệ thuật tham gia giảm đáng kể so với mọi năm, liệu chăng vai trò này của Festival Huế giảm đi, thưa ông?
Phải thú thật dịch bệnh đã ảnh hưởng nhiều đến công tác chuẩn bị của Ban tổ chức. Nhiều đoàn nghệ thuật rất mong muốn đến Huế, nhưng không thể. Như đoàn cà kheo từ nước Bỉ đã sẵn sàng nhưng cuối cùng cũng không sang được; hay đoàn nghệ thuật múa truyền thống của Sri Lanka cũng gặp phải tình huống tương tự.
Thương hiệu cũng là đặc trưng riêng của Festival Huế là nơi mà văn hóa, nghệ thuật truyền thống trên khắp thế giới và trong nước cùng hội tụ và giao thoa. Vì vậy, năm nay, Ban tổ chức quyết tâm để duy trì tính quốc tế, kết hợp với những nét tươi mới hướng đến cộng đồng, khán giả trẻ. Mục tiêu khi tổ chức Festival Huế gắn với bốn mùa kích cầu, tăng khả năng phát triển kinh tế từ du lịch, nên lễ hội sẽ được điều chỉnh, có những nét tươi mới đáp ứng được những thay đổi về nhu cầu, xu hướng mới của công chúng và khách du lịch… Đó là định hướng, mục tiêu mà Festival phải hướng đến.
Festival bốn mùa trên thực tế là cách tiếp cận mới. Các lễ hội đã diễn ra quanh năm thời gian qua nay được hệ thống, xâu chuỗi lại, hướng đến thành sản phẩm để phát triển du lịch. Festival bốn mùa được tổ chức là để làm tăng, tô đậm thêm cho thương hiệu Festival Huế, dựa trên trên cơ sở tiếp cận sao cho phù hợp, đáp ứng thị yếu và nhu cầu mới của công chúng và du khách gần xa.
Các đoàn nghệ thuật quốc tế sẽ có mặt trong tuần lễ trọng điểm của Festival Huế 2022, gồm Ban nhạc Kid Francescoli (Pháp), nghệ sĩ Konoba (Vùng Wallonie-Bruxelles, Bỉ), ban nhạc Gute Gute (Israel), Nhóm nghệ sĩ Groove Nagô & Viet Bambas (Brazil), nhóm España te quiero (Tây Ban Nha), đoàn ca múa nhạc dân gian Belogorie (Nga)… Về trong nước, vẫn có sự hội tụ nét tinh hoa văn hóa di sản của các vùng miền. Trong bối cảnh đó, để có tính giao thoa văn hóa, đặc biệt trong đêm khai màn sẽ có những tiết mục đan xen. Các chương trình, hoạt động trong khuôn khổ tuần festival được lắp ghép hài hòa, phù hợp với thực tế.
Bốn năm Festival Huế mới được tổ chức, ở góc độ vừa là Trưởng Ban tổ chức, vừa là lãnh đạo tỉnh, xin ông có thể chia sẻ những mục tiêu, cũng như định hướng cho Festival Huế trong tương lai?
Để có thể đưa Festival Huế phát triển vững chắc lên một tầm cao mới, với những định hướng lâu dài, những mục tiêu và yêu cầu cụ thể cho từng thời kỳ, trước mắt, Ban tổ chức Festival Huế đã xây dựng mô hình mới cho Festival Huế vào năm 2022 mang tính dài hơi theo hướng tổ chức Festival trải dài cả bốn mùa trong năm, tăng cường xã hội hóa, người dân làm chủ, nhằm góp phần tăng tính hấp dẫn của điểm đến đối với du khách trong nước và quốc tế.
Tổ chức các chuỗi hoạt động lễ hội trải dài trong năm nhằm tôn vinh, quảng bá những nét văn hóa đặc thù của vùng đất, khai thác thế mạnh về danh thắng, du lịch tâm linh. Festival Huế sẽ thúc đẩy việc tạo ra các hình thái dịch vụ, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, thu hút du khách, phát triển kinh tế - xã hội, để Huế thực sự là thành phố festival đặc trưng của Việt Nam theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 143/2007/QĐ-TTg góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm văn hóa lớn, đặc sắc, của cả nước, khu vực Đông Nam Á.
Xin cảm ơn ông!
Đức Quang (thực hiện)