Câu trả lời mà tôi nhận được khi tìm hiểu về điều gì đó cho sự lựa chọn này thường là để biết, để xem nó thế nào. Một vài người khác bảo, dù chưa biết thực hư tác dụng của trà đối với việc hỗ trợ điều trị cao huyết áp, đau đầu, đau tim, hồi hộp, mất ngủ, thanh nhiệt, giảm độc, mát gan, đẹp da, giảm cholestorol... ra sao nhưng cái vị ngòn ngọt xem ra cũng thú vị, hay nhất là đêm về không bị mất ngủ như trà mạn hay cà phê.
Để tạo sự mới mẻ, cũng là một cách ủng hộ và giới thiệu sản phẩm mới của Huế, dịp Festival Huế 2014, chúng tôi đã chọn trà vả để tặng các đồng nghiệp đến từ các tỉnh. Thoạt tiên tôi cũng nghĩ, mọi người ngạc nhiên vì họ vừa dùng xong vài món chế biến từ vả - một loại cây dân dã và phổ biến vùng Huế, sau đó lại được cầm trên tay những sản phẩm trông không kém phần sang trọng và bắt mắt, lại rất Huế và chỉ thế mà thôi. Nhưng những cuộc gọi và trò chuyện sau đó đã làm tôi phải nghĩ lại khi được mọi người chia sẻ về cảm giác lúc dùng trà vả. Đó là một cảm giác hoàn toàn khác, với những dư vị rất riêng. Trong những cách thể hiện khác nhau, bạn tôi đã nói về sự mộc mạc và lành nguyên của hương vị, về cách mà họ đã “uống” một tinh thần Huế như thế nào. Tôi cũng nghĩ là các bạn mình đã rất thật khi bảo, lần sau, nếu có thể, mang cho mình một ít trà vả.
Lần vào TP. Hồ Chí Minh mới đây để dự gặp mặt Hội đồng hương Thừa Thiên Huế, có một gói quà đã làm tôi hết sức bất ngờ khi được tặng. Đó là bộ compo dầu tràm với chức năng khác nhau. Khác với các sản phẩm còn được bán thô, hoặc đã được đóng chai và xây dựng nhãn hiệu đang được bán tại quê nhà, các sản phẩm dầu tràm cung đình được đầu tư và trông cũng không kém phần sang trọng. Hỏi ra mới biết, ông chủ trẻ của nhãn hàng này đã mất nhiều năm lận đận với nhiều ngành nghề khác nhau, cuối cùng đã đứng chân và mở rộng được hệ thống đại lý ở nhiều nơi bằng chính nguồn nguyên liệu từ quê hương Lộc Thủy (Phú Lộc) của mình.
Không chỉ trà vả Lộc Mai hay dầu tràm cung đình, thời gian gần đây, có nhiều sản phẩm Huế đã bắt đầu xuất hiện và mang đến sự khác biệt trong đời sống, chẳng hạn như đèn xếp Huế của Castudio, mô hình kiến trúc xếp giấy “để mang Huế đi khắp nơi trên thế giới” của KTS trẻ Lê Ngọc Tuấn Anh và các bạn... Tôi cũng nhớ sự bền bỉ đến cùng của họa sĩ Phan Hải Bằng và các cộng sự của anh trong việc sáng tạo ra chất liệu mới và các sản phẩm của Trúc Chỉ. Từ những phác thảo ban đầu, hiện Trúc Chỉ đã được nhiều người, ở nhiều nơi biết đến và lựa chọn cho không gian trang trí hay cho sản phẩm quà tặng của mình...
Không có thành công nào là dễ dàng, nhất là khi phải tìm được điều khác biệt để chen chân vào thị trường quá đa dạng về chủng loại và mẫu mã. Nhưng tôi vẫn thấy vui khi biết họ - những người đã đeo đuổi ước mơ về những sản phẩm từ Huế và về Huế, dẫu vẫn nhớ cách mà Mai Quốc Bảo chay vay chia sẻ về những dự định và cả những khó khăn của mình trong việc đưa trà vả vào sản xuất ổn định, từ việc làm thế nào chủ động được nguyên liệu đến nguồn vốn để đầu tư cho máy móc hôm gặp nhau trên phòng chờ bay ở Tân Sơn Nhất... Nhưng tôi tin Bảo, cũng như tin vào những “tinh thần Huế” khác khi Bảo nói “em lỡ mê rồi, nên sẽ theo nó đến cùng thôi”.
Nguyễn An Lê