Trình diễn áo dài chất liệu gấm
Áo dài hòa vào đời sống
Diễn ra bên bờ sông Hương tại phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, chương trình khai mạc mở đầu bằng bộ sưu tập “Bóng dáng Kinh kỳ” của nhà thiết kế (NTK) Quang Hòa. Với ý tưởng tái hiện cảnh nhập cung của mệnh phụ vào cung dự tiệc, NTK Quang Hòa mang đến hình ảnh đoàn rước trong trang phục áo Nhật Bình và áo dài ngũ thân nam, nữ truyền thống, trải qua các giai đoạn lịch sử để hồi sinh như ngày nay.
NTK Trần Thiện Khánh mang đến chương trình bộ sưu tập “Tứ phủ” được lấy cảm hứng từ nghi thức thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam Phủ của người Việt đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trên nền ý tưởng của nghi thức tín ngưỡng này, những họa tiết núi non, sông hồ, đền đài, danh thắng triều Nguyễn được thể hiện tỉ mỉ và tinh tế trên các loại chất liệu: gấm, lụa, tơ tằm.
Trên nền nhạc ca khúc “Về với Huế”, NTK Viết Bảo giới thiệu đến công chúng bộ sưu tập “Việt Nam - Bản hùng ca” lấy ý tưởng từ dòng tranh cổ động. Các mẫu thiết kế chuyển tải thông điệp lớn lao câu chuyện về văn hóa lịch sử, những hình ảnh về quê hương đất nước, về các bậc vĩ nhân và cuộc kháng chiến hào hùng bảo vệ đất nước, khích lệ tinh thần thi đua, lao động sản xuất… Chương trình còn tái hiện hình ảnh sinh hoạt đời thường của người dân trong tà áo dài với tiết mục múa, hoạt cảnh “Hồn quê”.
Góp mặt với Huế trong Ngày hội Áo dài, những nghệ nhân đến từ CLB Đình làng Việt mang đến chương trình những mẫu thiết kế áo dài ngũ thân. Bộ sưu tập “Trở về Cố đô” của thương hiệu Năm Tuyền là kết quả phối hợp của Đình làng Việt với nghệ nhân Phạm Văn Tuyền đến từ TP. Hồ Chí Minh. Những mẫu áo dài Thu Đông, áo dài cưới, áo dài công sở là tiếng lòng của các thành viên CLB Đình làng Việt tri ân Huế - miền đất sản sinh áo dài Việt Nam. Trên con đường tìm về bản sắc Việt, các thành viên CLB Đình làng Việt, đặc biệt là nghệ nhân Phạm Văn Tuyền đang nỗ lực nghiên cứu may, mặc nhằm đưa trang phục áo dài truyền thống vào đời sống hiện nay.
Bước khởi đầu để xây dựng hồ sơ di sản
Là hoạt động khởi đầu để từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Huế trở thành Kinh đô Áo dài, Kinh đô Ẩm thực, Ngày hội Áo dài và Lễ hội Ẩm thực Huế 2020 hướng đến việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy vị trí, vai trò áo dài truyền thống, ẩm thực trong đời sống văn hóa Huế từ xưa đến nay, tôn vinh những nghệ nhân may, nghệ nhân ẩm thực là những người ngày đêm gìn giữ và phát huy các giá trị di sản.
Lễ hội là bước khởi đầu và động thái cụ thể trong tiến trình xây dựng hồ sơ công nhận áo dài Huế là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tiến tới đệ trình UNESCO vinh danh là di sản văn hóa thế giới
Ông Nguyễn Thanh Bình, UVTVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức Ngày hội Áo dài và Ẩm thực Huế nhấn mạnh, ngày hội là bước khởi đầu và động thái cụ thể trong tiến trình xây dựng hồ sơ công nhận áo dài Huế và ẩm thực Huế là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tiến tới đệ trình UNESCO vinh danh là di sản văn hóa thế giới. Ngày hội là dịp để khẳng định Huế là cái nôi, nơi khởi nguồn của áo dài Việt Nam, nơi còn lưu giữ những giá trị tinh túy của ẩm thực cung đình và dân gian, góp phần xây dựng thành công thương hiệu Huế - Kinh đô Áo dài, Kinh đô Ẩm thực Việt Nam.
Ông Bình cho biết, tỉnh sẽ định kỳ tổ chức các hoạt động nhằm tôn vinh truyền thống áo dài Huế, áo dài Việt Nam, ẩm thực Huế... Đây là một trong những nội dung góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, với nội dung trọng tâm xây dựng Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế.
Cáp Anh Tài, ca sĩ đến từ TP. Hồ Chí Minh tỏ ra bất ngờ: “Lâu nay, biết Cố đô Huế là cái nôi của áo dài nhưng tôi vẫn bất ngờ khi đến Huế tham gia ngày hội. Tôi được biết xuất xứ của chiếc áo dài ngũ thân, thấy nét tinh tế trong từng tà áo, hoa văn, họa tiết; sự công phu, tỉ mỉ trong từng đường kim, mũi chỉ để tạo nên vẻ đẹp của chiếc áo dài. Tôi nghĩ, Huế nên thường xuyên tổ chức ngày hội áo dài, sẽ là điểm nhấn độc đáo để thu hút du khách”.
Tham gia ngày hội, nhà nghiên cứu Đinh Hồng Cường, Phó Chủ nhiệm Trung tâm Hỗ trợ phát triển áo dài ngũ thân truyền thống Đình làng Việt chia sẻ: “Đến thời điểm này, người Việt chúng ta cần nhận diện được bộ trang phục mà tổ tiên chúng ta đã gìn giữ hàng trăm năm. Ngày hôm nay, Huế đã thành công khi đưa áo dài, trong đó có áo dài ngũ thân nam đi vào đời sống đương đại”.
Lễ hội Ẩm thực Huế 2020 gồm 60 gian hàng ẩm thực của các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh, giới thiệu tinh hoa ẩm thực dân gian, truyền thống, cung đình, ẩm thực chay… phục vụ người dân và du khách từ ngày 18 đến 23/12. Ngoài ra, lễ hội còn trình diễn, giới thiệu các món ăn độc đáo do Trường cao đẳng Du lịch và Trung tâm đào tạo Reach Huế thực hiện. |
Một số hình ảnh tại ngày hội áo dài:
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình phát biểu khai mạc ngày hội
Mở đầu là bộ sưu tập "Bóng dáng Kinh kỳ" của NTK Quang Hòa
Không ít người nghĩ rằng, mặc áo dài sẽ vướng víu trong sinh hoạt, nhưng sau màn trình diễn những động tác võ thuật, ắt hẳn nhiều người sẽ thay đổi suy nghĩ
Bộ sưu tập áo dài ngũ thân truyền thống "Trở về Cố đô" của thương hiệu Năm Tuyền
Một mẫu áo dài ngũ thân thu đông của thương hiệu Năm Tuyền
Qua những thiết kế độc đáo nhưng vẫn giữ được hồn cốt truyền thống dân tộc, áo dài ngũ thân còn thích hợp với người nước ngoài
Bộ sưu tập "Tứ phủ" của NTK Trần Thiện Khánh lấy cảm hứng từ Nghi thức thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ
Không chỉ với người lớn, áo dài còn là trang phục rất đẹp đối với lứa tuổi thiếu nhi...
Áo dài Việt Nam còn là trang phục thích hợp với lứa tuổi học sinh
Trang Hiền - Hàn Đăng (thực hiện)