ClockThứ Tư, 08/04/2015 18:29

Từ những mầm xanh

TTH - Mỗi lần có dịp về quê, tôi thường quan sát khu vườn. Có nhiều cây sau hàng chục năm xa cách vẫn uy nghi đứng đó, kể cả khóm hồng hoa đã nhạt đi cái màu tươi rói của thiếu nữ xuân thì. Lạ nhất là cây mít nằm ngang sau hồi nhà, nó vẫn đâm chồi trổ lá. Tôi có một cách gọi khác với những mầm xanh ấy: Nỗi Nhớ. Cây dẫu bị đốn song vẫn tiết bằng hết nhựa còn lại trong thân mà sống, sống đến khô queo kỳ thôi. Là vì nó nhớ. Nhớ cái không gian được vươn cành tỏa bóng, nhớ những cây cối trong vườn, nhớ người thường tưới nước vào những ngày nắng hạ, nhớ những quả mình đẻ đau, nhớ đất trời cỏ lạ... Nỗi nhớ giúp nó duy trì sự sống, là tín hiệu diệu kỳ nhắc nhở những sinh mệnh vô tri giữa bất tuyệt dòng đời.

Một bụi trầu xanh um hái được cả gánh, một ngày chợt vàng nhẵn, rồi thảy lá đều rụng trơ thân. Một ao sen hồng rực, tàn thu réo rũ! Vẫn có ai đó chờ ao khô lội xuống đào củ sen làm thuốc, chế biến đồ ăn. Cây sen mong manh là thế lại dâng cho đời dưỡng chất từ gốc lẫn ngọn; hoa dâng hương cho những ai đang nhiếp tâm thiền định, dâng cho đời sự tinh triết của sắc màu. Rồi chừng như, khi tất cả tưởng lụi tàn dưới lớp bùn bệch bạc, những mầm sen mới lại đâm chồi để viết tiếp nỗi nhớ về cõi thanh cao thuần khiết. Đời thực vật thật đáng để con người cúi mình tạ ơn. Một vị chân tu từng nói: “Lúc quý vị tu lên tầng trên, thì cỏ cây hoa lá cũng hân hoan chào đón. Thiển nghĩ cây cỏ, mệnh sinh là cống hiến. Đời thực vật khác với loài động vật là không kêu van oán thán, bởi chúng đạt đến triết lý cống hiến”.

Tôi trước hết là một nông dân, lên phố bao năm vẫn bùn đất chiêm trũng bám đầy trí nhớ. Không thể không mang ơn cây lúa. Thương những chiều đỏ ối hoàng hôn chạy băng băng trên cánh đồng đã gặt, cái cảm giác gốc lúa nhột nhạt dưới gan bàn chân còn mãi. Thương những lần dầm chân trong bùn nhổ mạ để mẹ kịp cấy. Ruộng biền ở mép sông, nước lúc nào cũng quá gối. Lúc gặt xong không ai bứt toóc nên thời gian sau tự nhiên chúng lại mọc “nhánh”, trổ lúa chét. Đó âu cũng là nỗi nhớ cuối cùng, sự dâng hiến tận cùng của một vòng đời cây lúa. Lũ chúng tôi thường đi mót thứ lúa bảy phần dẹp ấy về cho vịt ăn... Hồi còn sinh viên “quà” cha mẹ gửi vào là những bao gạo. Tính tiền không nhiều, nhưng cứ nghĩ đến nỗi cực nhọc mình từng lầm lũi trên đồng ruộng thuở nào mới thấm thía bát cơm nấu từ gạo quê nhà. Thường thì cái khổ phải quên đi, vậy mà sống ở thành phố, tôi lại nhớ bữa ăn mặn chát soi chung mấy khuôn mặt quanh ngọn đèn dầu thuở ấy. Nhiều lần chạy xe về vùng ven tìm lại bức tranh quê, sao xa lạ quá chừng. Máy móc đã thay trâu bò, đỡ đần nhiều công sức của nông dân, lẽ ra phải vui mới phải. Những giống gạo xưa làng tôi gieo trồng, nay hỏi ra không người nhớ.
Ngồi ở ngôi nhà cũ, nhìn ra vườn hoa dại ngút ngàn lốm đốm nở, tôi ngỡ mùa xuân còn đương độ. Sự nở của hoa đều chung ý nguyện khoe sắc tiết mật, để cuộc đời vợi bớt muộn phiền. Rất nhiều cội mai thân bị cưa, vẫn gượng đâm lên những mầm xanh mởn. Sự nhẫn nại tuyệt vời ấy tôi chỉ thấy ở các bậc thiền sư đã hoàn toàn quay về với tự tánh, một phen buông xả thân vô thường hư huyễn...
Đâu có chất nào vĩnh viễn mất đi. Đời thực vật lặng lẽ sống trọn đời dâng hiến. Thân gỗ mục một ngày vô tình mọc nấm mà trước lúc hái, ta có thể ngắm chúng như một loài hoa vốn dĩ là dòng hồi ức từ luân kiếp. Tôi, cũng chính là nỗi nhớ thẳm sâu nhất của đời mẹ.
NHỤY NGUYÊN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyển địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown Huế 2025

UBND TP. Huế vừa thông báo thay đổi địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown - Chào năm mới 2025 (Countdown Huế 2025 - Một Kỷ nguyên mới), đồng thời thông báo Countdown Huế 2025 sẽ là điểm cầu trực tiếp trên sóng VTV chào đón năm mới 2025 cùng với các điểm cầu Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh - Hải Phòng.

Chuyển địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown Huế 2025
Món quà đêm giáng sinh

Trên đường không khí Nô-en rộn ràng, những cây thông Nô-en được trang trí bắt mắt, các cửa hàng, cửa hiệu bày bán nhiều món quà giáng sinh có màu sắc sặc sỡ. Nghĩ đến những món quà Nô-en, Phương lại nhớ đến câu hỏi ban nãy của Trà: “Phương ơi, Nô-en năm nay cậu muốn được ông già Nô-en tặng quà gì nào?”. Hôm nào bố Trà cũng đến trường đón Trà. Phương dõi mắt nhìn theo bóng hai bố con Trà nhỏ dần trên đường mà thoáng thấy chạnh lòng, giá mà Phương cũng được bố đưa đón đi học mỗi ngày như Trà.

Món quà đêm giáng sinh
Đăk Glei, còn vọng “Tiếng hát đi đày”

Bây giờ, rừng Ngọc Linh xanh ngắt vẫn um tùm bóng cây che trên di tích lịch sử quốc gia nổi tiếng: Ngục Đăk Glei. Hơn 70 năm trước, nhà thơ Tố Hữu viết bài thơ “Tiếng hát đi đày” ở ngay Đăk Glei tháng Giêng năm 1942: “…Đường lên xứ lạ Kông Tum/ Quanh quanh đèo chật, trùng trùng núi cao”. Bài thơ ấy đến nay còn vọng...

Đăk Glei, còn vọng “Tiếng hát đi đày”
Người trẻ khắc họa bản sắc dân tộc

“Tôi muốn mỗi tác phẩm của mình không chỉ đẹp, mà còn phải kể được câu chuyện của người Cơ Tu, về cuộc sống, tín ngưỡng và những giá trị truyền thống mà cha ông để lại” - Phạm Văn Vệ, một chàng trai 26 tuổi với đam mê khắc họa bản sắc dân tộc qua từng đường nét gỗ chạm, chia sẻ.

Người trẻ khắc họa bản sắc dân tộc

TIN MỚI

Return to top