Trong không gian tĩnh lặng của đêm đông, trong cái se lạnh của gió, cái ẩm ướt của những cơn mưa triền miên… tôi mới cảm hết cái dư vị sâu lắng của giai điệu và ca từ.
“Mùa đông xứ Huế mùa mưa” – điều đó ai cũng biết. Mưa Huế trở thành thương hiệu, trở thành “đặc sản” của Huế. Hai nhà thơ: Lưu Trọng Lư và Nguyễn Bính là những người có công “khai sinh” dòng thơ về mưa Huế. Cho đến nay đã có hàng trăm bài thơ viết về mưa Huế. Nhà thơ Hải Bằng in hẳn một tập thơ về mưa với trên 200 bài tứ tuyệt. Phùng Quán thì muốn “tan thành cơn mưa Huế” để “xối xả xuống những nơi nào em đã đặt chân”... Mỗi nhà thơ đều có những phát hiện thú vị về mưa Huế. Ca khúc Mùa đông xứ Huế có cách nói riêng. Tác giả ca từ chọn “em” để thổ lộ tâm tình:
“Em ơi, mùa đông / Mùa đông xứ Huế / Mùa đông xứ Huế mùa mưa”.
Nhà thơ Nguyễn Bính từng than thở: “Giời mưa ở Huế sao buồn thế/ Cứ kéo dài ra suốt mấy ngày”. Buồn đến mức: “Thuốc lào hút mãi người ra khói/ Thơ đọc suông tình hết cả hay”. Không ít du khách ngại đến Huế trong mùa mưa. Tôi có quen một cô sinh viên quê ở Hà Tây vào học khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Huế. Năm thứ nhất, dầm trong mùa mưa xứ Huế, cô rất buồn, nhớ nhà da diết. Nhưng đến năm thứ hai thì cô đã quen dần với những cơn mưa Huế dai dẳng. Năm thứ ba cô thích thú cùng bạn bè đi chơi mưa… Bây giờ, khi đã xa Huế cô nhớ mưa Huế đến nao lòng. Tôi từng viết tặng cô mấy câu thơ sau: Bây giờ ai đã xa ai/ Còn đây xứ Huế với bài hát xưa/ Còn đây lối phố chiều mưa/ Và đêm se lạnh ai đưa ai về… (Xứ Huế chiều mưa).
Đúng như tác giả ca từ Mùa đông xứ Huế triết lý: “Rằng ví trời không mưa / Huế không mưa đâu còn cảnh Huế”
Đây là cách nói thậm xưng, tương tự như: “Nếu như chẳng có dòng Hương/ Câu thơ xứ Huế giữa đường đánh rơi” của nhạc sĩ Huy Tập. Cách nói thậm xưng này có tác dụng gây ấn tượng mạnh. Cảnh Huế trong mưa có vẻ đẹp huyền ảo: “Ở đây sương khói mờ nhân ảnh/ Ai biết tình ai có đầm đà…” (Hàn Mặc Tử). Từ đó, tác giả ca từ Mùa đông xứ Huế khái quát:
“ Huế là mưa/ Huế là thanh/ Huế là dịu…”
Tác giả kiệm chữ đến mức tối đa. Chỉ cần một chữ “mưa”, một chữ “thanh”, một chữ “dịu” mà thâu tóm hết hồn cốt cảnh và người Huế. Như thấu hiểu tâm trạng của những người chưa thật hiểu về vẻ đẹp rất đặc trưng của mưa Huế và mùa đông xứ Huế, tác giả nhắn gửi:
“Ai ở Huế xin chớ vội vàng xa Huế / Đến nơi mô rồi cũng nhớ Huế ngẩn ngơ / Ai ở Huế xin chớ vội vàng xa Huế / Đến nơi mô rồi cũng thấy Huế đẹp như một bài thơ.”
Những bài thơ, những ca khúc viết về mùa đông, viết về mưa thường gợi nỗi buồn (như Đêm đông của Nguyễn Văn Thương, Giời mưa ở Huế của Nguyễn Bính). Nhưng lời và giai điệu Mùa đông xứ Huế không hề gợn chút buồn, mà ngược lại toát lên niềm tự hào về vẻ đẹp “không nơi nào có được” của xứ Huế mộng mơ. Điệp ngữ “đến nơi mô” góp phần làm tăng thêm chất Huế của ca khúc.
Tôi được biết ca khúc Mùa đông xứ Huế là của nhạc sĩ Trần Đức, phổ thơ Dương Anh Đằng. Ca khúc này cũng từng được ca sĩ Trọng Thủy trình diễn trên VTV3, từng đoạt giải B của UBND TP. Huế và Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế năm 1995. Nhạc sĩ Trần Đức tốt nghiệp cao học chuyên ngành Lý luận tại Nhạc viện Hà Nội, nguyên Chủ nhiệm Khoa Nhạc họa Trường cao đẳng Sư phạm Huế. Tác giả bài thơ Mùa đông xứ Huế là Dương Anh Đằng tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Vinh, nguyên Trưởng phòng Tổ chức Trường cao đẳng Sư phạm Huế. Tác giả Dương Anh Đằng sáng tác bài thơ Mùa đông xứ Huế vào năm 1991, trong thời điểm anh định chuyển vào Nam công tác nhưng vẻ đẹp của mưa Huế và mùa đông xứ Huế đã níu kéo anh ở lại. Bài thơ đã được đưa vào tập Mưa bay mùa hạ (NXB Thuận Hóa, 1995), đó là tập thơ đầu tay của anh. Anh tặng tập thơ này cho nhạc sĩ Trần Đức và nhạc sĩ Trần Đức đã chọn Mùa đông xứ Huế để phổ nhạc. Không biết thơ chắp cánh cho nhạc hay nhạc chắp cánh cho thơ? Có lẽ thơ và nhạc đã chắp cánh cho nhau.
Cảm ơn nhạc sĩ Trần Đức, cảm ơn tác giả Dương Anh Đằng đã góp cho xứ Huế một tuyệt phẩm để mọi người càng hiểu Huế hơn, càng yêu Huế hơn.
Mai Văn Hoan