Rất ít sinh viên theo học
Năm học này, Học viện Âm nhạc Huế (HVAN) có 150 chỉ tiêu hệ đại học chính quy. Trong đợt thi tuyển lần 1, học viện chỉ có 37 thí sinh đăng ký dự thi và tuyển được 29 chỉ tiêu. Cụ thể, ngành âm nhạc học không có thí sinh nào, biểu diễn nhạc cụ truyền thống 2, sáng tác âm nhạc 1, biểu diễn nhạc cụ Tây phương 15 và thanh nhạc là 11; trong đó có 24 em đã đăng ký nhập học. Hiện học viện có 18 thí sinh nộp hồ sơ đợt 2.
Các chuyên ngành đào tạo âm nhạc truyền thống ở Học viện Âm nhạc Huế ngày càng hiếm sinh viên
Có thể nói, việc tuyển sinh ở HVAN giảm theo hình sin. Khoa Giao hưởng, Khoa Sáng tác lý luận chỉ huy, Khoa Âm nhạc truyền thống và Khoa Di sản trở thành chuyên ngành hiếm khi rất ít sinh viên theo học. Ở HVAN, chỉ còn piano và thanh nhạc là có sinh viên nhưng cũng không bằng những năm trước đây. Học sinh cũng “rơi rụng” dần qua từng năm, nhất là hệ trung cấp trong khi đây là nguồn tuyển sinh cho hệ đại học.
Theo ông Hoàng Thanh Sơn, Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc Huế, số lượng thí sinh dự thi quá ít khiến chất lượng đầu vào cũng bị ảnh hưởng: “Đầu vào quá ít nên chất lượng thí sinh không thể cao được, chúng tôi không có thí sinh để lựa chọn. Số lượng cũng không đủ thì đừng nói đến chất lượng”.
HVAN đã rất chú trọng công tác tuyển sinh bằng cách tổ chức nhiều đợt tuyển sinh tại các huyện, thị trong tỉnh thông qua hoạt động của đoàn thanh niên nhưng hiệu quả không đáng kể. HVAN cũng đã mở rộng tuyển sinh ra các tỉnh Bình Dương, Bình Định, Bình Phước và cũng có lượng thí sinh theo học, tuy nhiên đây chỉ là thí sinh học hệ liên thông chứ không phải chính quy.
Ông Mai Anh, Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Âm nhạc Huế lo ngại: “Công tác tuyển sinh trung cấp của học viện cũng sụt giảm, ít người theo học dù đã có giấy báo trúng tuyển. Nguồn tuyển là học sinh trung cấp từ các trường đào tạo nghệ thuật chuyên nghiệp trong khu vực miền Trung cũng sụt giảm vì việc tuyển sinh của các cơ sở đào tạo này gặp rất nhiều khó khăn”. Ngay cả nguồn đào tạo liên kết với các địa phương trong toàn quốc cũng dần thu hẹp vì nguồn tuyển ít.
Muốn thu hút phải có đầu ra
Công tác tuyển sinh ngày càng khó là bức tranh toàn cảnh chung của các trường VHNT trên toàn quốc. Nguyên nhân chính là do đầu ra quá khó khăn, khó xin được việc làm trong thời điểm cả nước đang thực hiện tinh giản biên chế. Không thấy tương lai, rất ít học sinh, sinh viên dám dấn thân theo âm nhạc dù có đam mê.
Thời gian học kéo dài cũng là một trở lực khiến nhiều người có năng khiếu bỏ cuộc. Ngoài năng khiếu, việc theo âm nhạc chuyên nghiệp đòi hỏi thời gian học tập, rèn luyện khá dài, ít nhất mất 8 năm mới học xong bằng đại học. Ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Học viện Âm nhạc Huế cho rằng: “Do cải cách giáo dục trong khối văn hóa nghệ thuật quá chậm. Đào tạo thì quá dài, phải khổ luyện rất vất vả, thời gian sử dụng quá ngắn, xin việc lại quá khó, ít chế độ đãi ngộ là lý do chính khiến ít bạn trẻ mặn mà. Đoàn nghệ thuật nào cũng yêu cầu diễn viên phải trẻ, đẹp nhưng học dài thế thì làm sao trẻ được”.
Ông Nguyễn Việt Đức cho biết thêm: “Đối với ngành nghệ thuật, thương hiệu của giáo viên rất quan trọng. Học viện Âm nhạc Huế mới thành lập, thương hiệu của đội ngũ chưa "dày". Cơ sở vật chất quá nghèo nàn, nhạc cụ cũng không chuyên nghiệp cũng là những lực cản rất lớn trong việc thu hút người học. Nếu cơ sở vật chất khang trang, các nhạc cụ hiện đại, phụ huynh thấy một môi trường đào tạo đạt chuẩn mới gửi con em vào học”.
Tuyển sinh không đủ, công tác đào tạo của học viện gặp rất nhiều khó khăn. Ông Sơn cho biết: “Học sinh, sinh viên quá ít, giảng viên không có học trò để dạy nên thiếu giờ chuẩn. Nguồn thu tự chủ từ học phí phục vụ cho công tác chi thường xuyên không đáng là bao, học viện rất khó khăn, nhất là không có nguồn để trả lương cho cán bộ, giáo viên hợp đồng”.
HVAN đang tính tới việc tinh gọn bộ máy, kể cả sáp nhập các khoa, phòng, giảm biên chế. Nếu thiếu giờ giảng, phải bố trí giảng viên làm thêm công việc khác để đủ giờ chuẩn theo quy định. Đồng thời, có thể tổ chức tuyển sinh nhiều đợt trong năm, thành lập tổ tuyển sinh lưu động, giao đoàn thanh niên của trường tổ chức các hoạt động tình nguyện kết hợp với tuyển sinh tại chỗ... Theo ông Nguyễn Việt Đức, bản thân học viện cũng phải phấn đấu xây dựng cơ sở vật chất, nhạc cụ, trang thiết bị hiện đại, xây dựng thương hiệu giảng viên, chương trình, giáo trình phải cải tiến và cập nhật với thế giới mới thu hút được người học.
Quan trọng nhất là phải giải quyết được đầu ra, điều này chỉ có thể chờ đợi chủ trương lớn từ Chính phủ để thu hút được thí sinh đến với các chuyên ngành nghệ thuật.
Trang Hiền