ClockThứ Tư, 14/06/2017 13:51

Lưu giữ dân ca, dân vũ

TTH - Giữa không gian văn hóa ở các bản làng A Lưới, các nghệ nhân miệt mài trao truyền những làn điệu dân ca, dân vũ cho học viên là đồng bào Pa Kô, Cơ Tu, Tà Ôi...

Bảo tồn

Ngày nào cũng thế, khi mặt trời vừa xuống núi, thanh thiếu niên xã Hồng Trung (A Lưới) lại đến trụ sở UBND xã để học dân ca, dân vũ cổ của dân tộc mình. Lớp học do các nghệ nhân “gạo cội” trên địa bàn xã đứng ra truyền dạy miễn phí.

 Những tiết mục dân ca, dân vũ là nét đẹp trong các buổi sinh hoạt cộng đồng ở vùng cao

Khoảng sân rộng của trụ sở xã bỗng chốc rộn rã tiếng hát, điệu múa hòa quyện trong âm thanh của các nhạc cụ truyền thống. Các bài dân ca theo làn điệu ru i con, ru a cay, tâng ơi, xiềng... được nghệ nhân Hồ Văn Hạnh (72 tuổi), 1 trong 9 nghệ nhân tham gia truyền dạy cho lớp học. Cạnh đó, nghệ nhân Hồ Văn Xếp (72 tuổi) truyền thụ các “ngón nghề” để sử dụng cồng, chiêng, khèn bè, abel, tỉ mẩn chỉ bảo cho dân bản từ phần lời cho đến nghệ thuật thể hiện. Ở khoảng sân khác, các nghệ nhân Quỳnh Lương (67 tuổi), Lê Văn Yên (72 tuổi), miệt mài thị phạm các điệu múa ri răm, poon, ẹo, ra dóoc…

Nghề nhân Hồ Văn Hạnh chia sẻ: “Thực tế là các làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào nơi đây đang ngày càng mai một. Là người yêu nghề, tâm huyết với các giá trị văn hóa nên tôi tham gia truyền dạy ở lớp học này để góp phần “níu” lại nét văn hóa xa xưa của dân tộc mình”.

Với học viên, việc được tiếp cận với nét văn hóa truyền thống giúp họ nhận thức rõ hơn trong việc bảo tồn kho tàng văn hóa dân gian của dân tộc. Theo anh Hồ Văn Minh, cán bộ Phòng Văn hóa Thông tin huyện A Lưới cũng là học viên thì dưới sự chỉ dạy nhiệt tình, bài bản và dễ hiểu của các nghệ nhân, anh và các bạn trẻ rất dễ tiếp thu các bài hát, điệu nhạc, điệu múa cổ của dân tộc mình. Sau vài đêm tham gia lớp học, nhiều người đã có thể hát được những làn điệu, thể hiện được những động tác múa cơ bản.

“Chúng tôi đã sắp nằm xuống với đại ngàn nên phải tranh thủ truyền lại nét tinh túy của dân tộc mình cho lớp trẻ. Thấy chúng đam mê học hỏi chúng tôi vui lắm, quên hết mệt nhọc”­, nghệ nhân Lê Văn Yên phấn khởi.

Trăn trở

Trong Đề án “Bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới”, các lớp truyền dạy dân ca, dân nhạc, dân vũ cổ cho đồng bào Pa Cô, Cơ Tu, Tà Ôi là một trong những hoạt động trọng điểm. Điều này xuất phát từ thực trạng các nghệ nhân am tường nghệ thuật truyền thống ngày càng khan hiếm, trong khi dân bản thì lãng quên nét văn hóa của cha ông để lại. Về phần mình, dẫu là những người tâm huyết, nhưng những nghệ nhân nơi miền rẻo cao vẫn còn lắm trăn trở. "Bởi nhiều lý do, học viên tham gia những lớp học vẫn không thường xuyên, một số học viên dù tâm huyết nhưng không có năng khiếu nên việc truyền dạy gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, kinh phí bồi dưỡng còn thấp nên một số người không mặn mà trong việc dạy và học”, nghệ nhân Hồ Văn Hạnh trầm tư.

Bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện cho biết, dù còn những khó khăn nhất định, nhưng bằng nỗ lực, đến nay đã có 9 lớp truyền dạy được mở, lồng ghép trong các hoạt động sinh hoạt cộng đồng. Tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện A Lưới đều có đội văn nghệ dân gian. Riêng xã Hồng Trung, mỗi thôn duy trì 1 đội ngũ phục vụ các ngày lễ hội văn hóa ...

“Từ những lớp truyền dạy này, các nhân tố điển hình, tiết mục chất lượng được phát hiện để tham gia các cuộc thi Liên hoan dân ca khu vực Bắc Trung Bộ. Từ đó, các học viên càng phấn khởi bởi họ có sân chơi để phát huy khả năng của mình. Ngoài ra, nhờ có sự giao lưu nên chất lượng dân ca, dân vũ trong huyện được nâng cao, công tác bảo tồn và gìn giữ văn hóa dân tộc được thực hiện hiệu quả”, bà Thêm chia sẻ.

Thanh Hằng – Thu Thủy

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dân vũ cần được phát huy trong trường học

Dân vũ là một hoạt động tập thể lành mạnh, mang tính văn hóa sâu sắc. Đây là loại hình nghệ thuật có sự lan tỏa rộng và kết nối nhanh, rất thích hợp với phong trào thanh niên trường học.

Dân vũ cần được phát huy trong trường học
Người lưu giữ hồn quê

Đó là người bà con của tôi, hơn tôi đúng một giáp - chú Th. Học hết tiểu học trường làng, về Bao Vinh thi đệ thất (tức lớp 6 ngày nay) bị rớt...

Người lưu giữ hồn quê
Tìm cách lưu giữ tác phẩm mỹ thuật giá trị cho Huế

Hiện vật là ngôn ngữ của bảo tàng, là cơ sở cho mọi hoạt động của bảo tàng. Không có hiện vật thì không có bảo tàng, không có trưng bày bảo tàng và các hoạt động khác của bảo tàng. Hiện vật vừa là trung tâm, vừa là điểm xuất phát của bảo tàng. Ngoài phát huy hai bộ sưu tập của họa sư Lê Bá Đảng và điêu khắc gia Điềm Phùng Thị, một trong nhiệm vụ quan trọng của bảo tàng sau khi được thành lập đó là hình thành bộ sưu tập tác phẩm mỹ thuật.

Tìm cách lưu giữ tác phẩm mỹ thuật giá trị cho Huế
Return to top