ClockThứ Tư, 27/09/2017 07:20

Nhạc Trịnh hòa quyện với ca Huế

TTH.VN - Ca từ của Trịnh Công Sơn, thi từ của Nguyễn Duy vang lên, hòa quyện cùng cổ nhạc là nét độc đáo mà chương trình giao lưu âm nhạc và nghệ thuật “Vọng Cố đô” mang đến cho khán giả tối qua (26/9).

Chương trình có sự tham gia của các nghệ nhân, nghệ sĩ tên tuổi của Việt Nam

Hòa quyện

“Vọng Cố đô” là chương trình nghệ thuật kết hợp nhạc cổ truyền và thơ - ca đương đại, có chủ đề về Huế, với mục đích tôn vinh những giá trị văn hóa Việt Nam xưa và nay. Đó là Nhã nhạc Cung đình Huế, là âm nhạc cổ truyền có lịch sử lâu đời của Đồng bằng Bắc bộ: Hát chèo, hát ca trù, hát chầu văn, hát xẩm. Đặc biệt, với chương trình này, thanh âm của nhạc xưa được hòa quyện và lồng điệu cho ca từ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và thi từ của nhà thơ Nguyễn Duy, hai giá trị đương đại của văn hóa Việt Nam. Nỗi nhớ vọng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong những ca từ được lồng vào âm điệu của ca nhạc Huế. Lời khấn vọng đầy nỗi niềm của nhà thơ Nguyễn Duy trong bài thơ “Khóc vua Duy Tân” nặng lòng với Huế trong giao tình đàn phách của Cung Bắc - Điệu Nam. Một chương trình cô đọng được thể hiện bởi những nghệ sĩ, nghệ nhân của nhóm Đông Kinh cổ nhạc và CLB Phú Xuân.  

"Diễm xưa" vang lên trong tiếng đàn bầu, đàn nhị

Chương trình tiếp tục mang đến cho khán giả những ngạc nhiên khác. Qua giọng hát của NSƯT Kiều Oanh (nhóm Đông Kinh cổ nhạc), ca khúc “Biết đâu nguồn cội” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được hòa quyện, lồng điệu với ca Huế theo âm điệu của “Hò mái nhì” và “Tương tư khúc”, ca khúc “Ở trọ” được chuyển điệu theo hát vè Huế. Nghe lạ nhưng vẫn rất hòa quyện khi ca từ của Trịnh vang lên theo làn điệu ca Huế.

NSƯT Kiều Oanh hát "Ở trọ", "Biết đâu nguồn cội" theo làn điệu ca Huế

Nhiều bài thơ của nhà thơ Nguyễn Duy viết về Huế: Đi ngang Thành Nội, Giấc Huế, Nhớ bạn (tặng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường), Nét và hình (tặng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn), Tưởng niệm - Khóc vua Duy Tân... nhịp nhàng rót vào lòng người theo những giọng hát, tiếng đàn được liệt vào khuôn vàng thước ngọc của NSND Thanh Hoài, NSND Xuân Hoạch, NSND Minh Gái, NSƯT Thuý Ngần của nhóm Đông Kinh cổ nhạc Hà Nội cùng tiếng đọc thơ đầy cảm xúc của chính tác giả. Thơ Nguyễn Duy được hát theo làn điệu của chèo, chầu văn, hát xẩm, hát văn và hầu đồng như là sự tiếp biến văn hóa của âm nhạc cổ truyền và thi ca đương đại. Khán giả còn được nghe những bài bản cổ “Tương tư khúc” và “Nam ai, Nam bình” đúng điệu qua giọng ca của nghệ nhân ca Huế Thanh Tâm.

Thể nghiệm thú vị

Với chương trình “Vọng Cố đô”, những người tổ chức gồm gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và nhà thơ Nguyễn Duy mong muốn được hiểu như một cuộc giao lưu văn hóa được xây dựng bằng những tâm tình hướng vọng về đất Thần Kinh. Chương trình là đêm hội văn hóa Việt trên đất Cố đô, là cuộc gặp gỡ giao lưu giữa thi - ca của ngày nay với âm nhạc của ngày xưa, giữa thanh âm của nhạc Huế với sắc màu của ca Bắc. Nhà thơ Nguyễn Duy tâm sự: “Thơ của tôi được nhóm Đông Kinh cổ nhạc diễn từ cách đây 3 năm và rất thành công. Tôi rất vui và cảm động vì những bài thơ của mình gần gũi với dân ca, ca dao và bây giờ được phổ vào nhạc cổ truyền, được công chúng đón nhận hào hứng”.

Khán giả còn được nghe ca Huế chính hiệu qua giọng hát của nghệ nhân lão luyện Thanh Tâm

Với âm nhạc của Trịnh Công Sơn là sự thử nghiệm đầy thú vị nằm trong chuỗi chương trình đa dạng hóa nhạc Trịnh Công Sơn mà gia đình nhạc sĩ muốn thực hiện. Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh cho hay: “Gia đình muốn tiếp tục thử nghiệm ca từ của anh Sơn trong các thể loại âm nhạc khác nhau. Trước đây, sự kết hợp nhạc Trịnh với nhạc cổ điển phương Tây qua tiếng đàn piano của Tuấn Mạnh, saxophone của Trần Mạnh Tuấn, An Trần đã rất thành công. Âm nhạc của anh Sơn đã được đưa ra thế giới và bây giờ, chúng tôi muốn đưa nhạc của anh trở về với nguồn cội khi thử nghiệm ca từ Trịnh Công Sơn trên âm điệu ca Huế”.

NSND Xuân Hoạch thể hiện xẩm ngọng

Đây cũng là lần đầu tiên, ca từ của Trịnh Công Sơn được lồng điệu với ca Huế. Để tạo ra sự hòa quyện ấy, những người làm chương trình rất vất vả. Không muốn phá ca từ của Trịnh Công Sơn, những người thực hiện phải tính toán từng chữ một, từng cái ngắt hơi, nhấn nhá, luyến láy... Anh Đàm Quang Minh, một người rất am hiểu âm nhạc truyền thống của Việt Nam và là người kết nối các câu chuyện âm nhạc trong chương trình này trải lòng: “Đây là một thử nghiệm thể hiện tấm lòng của gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đối với Huế. Chúng tôi chỉ dám đưa ca từ của nhạc sĩ vào âm điệu của ca Huế để tạo ra sắc thái mới. Việc chọn ca khúc nào phù hợp với âm điệu ca Huế rất khó khăn, phải nhờ những nghệ nhân ca Huế am hiểu. Không có kỹ thuật, kỹ năng hay kỹ xảo ở đây vì chúng tôi không muốn làm như thế với nhạc Trịnh, chúng tôi chỉ nhắc lại câu chuyện của truyền thống qua một vài ca từ của Trịnh. Đây cũng là tấm lòng của chúng tôi đối với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và chỉ biết diễn cảm một câu chuyện của nhạc sĩ bằng cây đàn của dân tộc”.

Thơ Nguyễn Duy được thể hiện theo lối hát hầu đồng

Trước khi chương trình diễn ra một tiếng, các nghệ sĩ vẫn còn luyện tập. NSƯT Kiều Oanh chia sẻ, chị khá hồi hộp khi thể hiện nhạc Trịnh trên âm điệu ca Huế: “Ca khúc “Ở trọ” và “Biết đâu nguồn cội” đã được phối theo nhạc mới, giờ áp vào các làn điệu Huế là một thử thách. Thử thách hơn nữa khi tôi là người Bắc, trong khi ở Huế lại có nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ hát ca Huế hay, đúng chất Huế. Vì tình yêu với Huế và đã được mẹ tôi vốn là một nghệ sĩ hát ca Huế truyền dạy nên tôi mạnh dạn thử nghiệm để mang hơi thở mới đến cho chương trình”.

Là chương trình thử nghiệm nên khán giả khá chọn lọc chỉ với 250 ghế ngồi, có những khán giả từ Hà Nội vào, ở TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng ra. Nếu phản hồi của khán giả tốt, những người tổ chức kỳ vọng sẽ tiếp tục thử nghiệm rộng hơn. Nhà văn Tô Nhuận Vỹ nhận xét: “Lần đầu tiên, một chương trình như thế này được tổ chức tại Huế, với sự tham gia của các nghệ sĩ hàng đầu của Việt Nam, tôi nghĩ không hề đơn giản. Sự kết hợp ca từ Trịnh Công Sơn với ca Huế là sự thể nghiệm đáng quý, lần đầu nghe thấy lạ nhưng vẫn có cái hay, độc đáo riêng. Có thể có điểm cần điều chỉnh nhưng là sự thể nghiệm đáng hoan nghênh. Những chương trình âm nhạc như thế này cũng là dịp để lưu giữ những giá trị truyền thống của dân tộc”.  

Bài, ảnh: Trang Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trăn trở quản lý ca Huế trên sông Hương

Thương hiệu ca Huế trên sông Hương nhìn chung đáp ứng được nhu cầu thưởng ngoạn của du khách thông thường. Trải nghiệm ca Huế trên sông Hương tạo được những ấn tượng khó phai, khiến văn hóa Huế thẩm thấu sâu hơn vào tâm hồn du khách phương xa. Dịch vụ ca Huế trên sông Hương dù vấp phải những ý kiến trái chiều, nhưng vẫn tiếp diễn đến hôm nay với tư cách là một sản phẩm du lịch độc đáo, giúp kéo dài thời gian lưu trú của du khách, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người dân Huế, đóng góp vào sự phát triển của kinh tế du lịch tại địa phương.

Trăn trở quản lý ca Huế trên sông Hương
Sai sai, ngược ngược…

Tuần vừa rồi, tôi có dịp trở lại thành phố Đà Lạt, được thưởng thức đêm cồng chiêng dưới chân núi Langbiang huyền thoại - một trong những hoạt động được đánh giá là hấp dẫn nhất về đêm tại thành phố ngàn hoa.

Sai sai, ngược ngược…
Ca Huế trên sông Hương: "Cha chung không ai khóc"

Nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng ca Huế bát nháo như hiện nay là sự phân tán quản lý với quá nhiều cơ quan và đơn vị cùng tham gia, dẫn đến tình trạng “cha chung không ai khóc”.

Ca Huế trên sông Hương  Cha chung không ai khóc
Vẫn chuyện ca Huế trên sông Hương

Đã đến lúc cần cân đo đong đếm giữa bài toán kinh tế mà ca Huế trên sông Hương đem lại với việc bảo tồn, gìn giữ một di sản độc nhất, vô nhị như ca Huế.

Vẫn chuyện ca Huế trên sông Hương

TIN MỚI

Return to top