|
Tác phẩm “Gốm Chăm” của tác giả Hoàng Phước |
Không chỉ dừng chân ở thành phố Nha Trang, một số văn nghệ sĩ đã chịu khó đi thực tế các tỉnh lân cận, như Phan Rang, Đầm Nại (Ninh Thuận), Vạn Giã, Ninh Hòa, Vạn Ninh (Khánh Hòa), Đông Hòa, Tuy An (Phú Yên)… để đa dạng hóa việc trải nghiệm thực tế và có thêm cảm hứng sáng tác. Hai nghệ sĩ nhiếp ảnh Vĩnh Hướng (71 tuổi) và Hoàng Phước (67 tuổi) tuy tuổi đã cao song vẫn thuê xe máy đi mỗi ngày hơn 100 cây số về các cánh đồng muối, vào các làng gốm Chăm, vào các xưởng dệt, đến các cánh đồng chăn cừu, các vịnh, vũng ở Nha Trang, Phú Yên… để có những khoảnh khắc ánh sáng rất đẹp và khuôn hình nhiều ý nghĩa.
Họa sĩ Đặng Mậu Triết trong đợt trại đã hoàn thành 10 bức tranh về đề tài biển với các sê-ri “Biển tình”, “Sóng tình”, “Nhịp điệu biển”. Việc họa sĩ Đặng Mậu Triết vẽ tranh nhanh và nhiều trong các lần tham dự trại sáng tác là điều không bất ngờ, nhưng việc hoàn thành 10 tác phẩm gắn với đề tài biển thật sự đã đem đến cho đồng nghiệp ở Khánh Hòa, Ninh Thuận (cũng có 15 văn nghệ sĩ tham gia trại đợt này) thán phục. Điêu khắc gia Lê Ngọc Thái đã gò hàn suốt mấy ngày giữa nắng trưa hoàn tất 3 tác phẩm điêu khắc “Mạch sống, Khởi sinh, Hồi sinh” cũng là một sự nỗ lực đáng quý.
Nhà thơ Nguyễn Lãm Thắng đã hoàn tất bản thảo tập thơ “Cầm biển trên tay”, gồm 20 bài thật sự là một dấu ấn của Trại sáng tác Nha Trang. Một đoạn thơ trong bài “Cẩm biển trên tay” dưới đây, nghe hơi thở của tình yêu đôi lứa trong tình yêu đất nước:
“Đêm nay
Nha Trang anh và em
Mùa thu thơm nức mùi trăng mọng
Những phút giây bình yên
Và rạo rực
Ta cầm biển trên tay
Nghe sóng vỗ trong lòng”
Những dòng thơ đã khơi nguồn cảm hứng cho các nhạc sĩ sáng tạo. Nhạc sĩ Tịnh Mỹ đã phổ khá nhiều thơ của nhà thơ Lãm Thắng như “Lúa, gạo và cơm”, “Hòn Chồng chiều vắng em”, nhạc sĩ Trần Minh Đức với “Bức tranh của em” và có thêm một ca khúc về biển khơi “Biển chiều lãng đãng”…
Các nhà soạn kịch từ Hội nghệ sĩ Sân khấu có nhiều kịch bản tốt. NSND Ngọc Bình đã viết gần xong vở “Lời tự sự” về những vấn đề sau chiến tranh đến nay vẫn còn nhức nhối. Nhưng trên hết vẫn là tình người, tình dân tộc, nghĩa đồng bào… cùng dựng xây đất nước hôm nay. Nghệ sĩ Lê Sinh cũng kịp hoàn tất 2 kịch bản tuồng “Trưng Nữ Vương” và kịch bản sân khấu “Mật danh quả thanh trà” ca ngợi lòng yêu nước, ý chí độc lập dân tộc của Nhân dân ta.
Lê Tất Đính có “Gieo gió gặt bão” với thông điệp: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay là không ngừng nghỉ, không có vùng cấm. Chúng ta cần thống nhất về nhận thức, ý chí và hành động trong toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội; kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng”. Kịch bản “Gieo gió gặt bão” mượn sự tích ngày xưa để phản ánh những sự việc tiêu cực xảy ra hôm nay, là thông điệp phán xét công bằng của công lý.
Biên đạo múa Nguyễn Thị Hiền đã hoàn tất kịch bản tác phẩm múa “Một thời hoa lửa” ôn lại những năm tháng chống Mỹ hào hùng, cho hòa bình, xây dựng và phát triển đất nước hôm nay. Nhà nghiên cứu Nguyễn Thế hoàn tất công trình nghiên cứu: “Văn hóa làng Thừa Thiên Huế - góc nhìn từ lịch sử di dân”, là một gợi ý về cái nhìn lịch đại việc hình thành làng, xã ở Thừa Thiên Huế.
Nhà nghiên cứu Phan Thuận Thảo có tác phẩm “Bảo tồn hò Bả trạo trong môi trường nghi lễ ở Nam Trung Bộ”. Sau khi nêu bật các giá trị của hò Bả trạo trong nghi lễ Nam Trung Bộ, đã cảnh báo “Vấn đề đặt ra hiện nay là xu hướng đô thị hóa các làng quê Việt Nam, trong đó có các làng ven biển Nam Trung Bộ đã và đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin tâm linh tín ngưỡng của người dân địa phương. Điều đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự tồn tại của hò Bả trạo trong tương lai” và đề xuất: “Trong khi còn chưa muộn, cần duy trì môi trường diễn xướng của nó để hò Bả trạo tiếp tục được nuôi dưỡng trong niềm ước vọng về những mùa biển bình yên và no ấm”.
Với các tác phẩm sáng tác, công trình nghiên cứu được thực hiện hết sức nghiêm túc, công phu. Đây là minh chứng rõ nhất cho thấy Trại sáng tác VHNT Nha Trang năm 2024 của Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế đã hết sức thành công. Ngoài 79 tác phẩm được tổng hợp bước đầu, cũng có một số tác phẩm đang được các tác giả chỉnh sửa, hoàn thiện để có kết quả cuối cùng.
Chị Đỗ Thị Mai Hương, Giám đốc Nhà sáng tác VHNT Nha Trang đã theo dõi tiến trình sáng tạo của văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế. Chị Mai Hương rất ngạc nhiên trước sức làm việc, sáng tác của các văn nghệ sĩ, đặc biệt là cả họa sĩ Đặng Mậu Triết và các ca khúc của nhạc sĩ Tịnh Mỹ. Chị nói: “Thật vui khi chúng tôi được chứng kiến một tập thể làm việc nghiêm túc và thấy rất rõ từng tác phẩm dần hoàn thiện ngay trước mặt mình”.
Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế đang có kế hoạch chọn một số tác phẩm của đợt sáng tác lần này, tham gia tập sách kỷ niệm 50 năm VHNT sau ngày non sông thống nhất 1975 - 2025.