ClockThứ Hai, 31/12/2012 17:19

Về quê

TTH - Có lần tôi nói với mấy nhân viên bán vé của Air Mekong rằng, nếu có quyền, tôi sẽ mở tuyến bay Pleiku- Huế, thay vì Pleiku- Vinh để chỉ sau vài tháng đã phá sản. Bởi nguyên số bà con người Thừa Thiên Huế ở Chư Sê thôi đã rất đông, mà dân Chư Sê thì bây giờ giàu khủng khiếp. Họ làm tiêu, cao su và cà phê, để giờ họ trở thành… "Huế kiều" từ Chư Sê. Chưa hết, còn cánh thợ vàng Điền Môn, còn các bác sĩ, giáo viên, vừa là người Huế, vừa là ra Huế học thạc sĩ, tiến sĩ… Có lần tôi từ Huế vào Đà Nẵng để bay, mà chuyến bay trớ trêu là cất cánh lúc 7 giờ sáng, thế mà 2/3 khách trên ấy là từ Huế vào.

Mới đây tôi đi xe giường nằm về quê, thì 2/3 người trên xe ấy là về giỗ làng Kế Môn (Điền Môn bây giờ, nhưng người đi xa vẫn thích gọi Kế Môn, Đại Lược, Thế Chí…). Làng tôi ngay bên cạnh Điền Môn nên câu chuyện rôm rả trên chiếc xe hiện đại cứ mặn suốt đêm khiến quãng đường như ngắn lại. 4 giờ sáng xe đến bến, một số xuống xe vẫy tắc xi về, còn lại cứ nằm yên tại chỗ, xe đưa về tận làng.

Tôi về làng lần đầu tiên năm 1975, thời ấy từ Huế phải xuống bến đò Đông Ba đi đò máy, suốt bốn năm tiếng ngột ngạt trên đò giữa mùi dầu máy, mùi thuốc rê (mà sao hồi ấy, các mệ các mụ hút thuốc nhiều thế, cứ để nguyên cả lá thế vấn sâu kèn to như ngón tay cái ngậm suốt buổi, khói nghi ngút như lò sưởi, dạo này bỏ hết rồi, may ra còn một số ông). Mùi nhang, mùi cá, mùi mắm cứ ám ảnh tôi mãi. Cậu tôi từ Hà Nội vào thăm nhà tôi, luýnh quýnh thế nào đi nhầm đò về Vinh Hiền, trong khi tuyến đò nhà tôi là Thế Chí- Đại Lược. Thế là quay lại và mất thêm một ngày vạ vật chờ đò.

 

Tôi về ăn cưới ở quê, các bà các cô các chị mặc áo dài rất đẹp nhưng đi… chân đất tay lại cầm cành lá. Thì ra nó là món chống nóng hữu hiệu khi chân đất đi trên cát lúc trưa, nóng đến bỏng chân. Thế là bước rất nhanh hoặc chạy, bao giờ nóng chân thì dừng lại vất cành lá ấy xuống và… giẫm lên. Nếu không kịp chuẩn bị lá thì vất cái nón xuống bước lên, nó sẽ thay lá làm mát chân. Bao giờ chân mát lại chạy. Cứ thế, đời này qua đời khác, con người tồn tại cùng cát cùng nắng và gió vùng Ngũ Điền Tam Giang...

Nhưng khoai vùng cát cực ngon. Những vồng khoai cao ngang ngực người để chống mùa nước lụt. Trên ấy những củ khoai bở tơi vàng xuộm ngọt lừ. Thời sinh viên, mẹ tôi hay đi mua khoai ấy về luộc rồi xắt ra phơi khô gửi cho chúng tôi chống đói. Cái câu "thuốc Phong Lai, khoai Thế Chí" là tôi được chiêm nghiệm từ đây. Rồi đọc bài thơ của Tố Hữu "Con cá chột nưa" tôi dám chắc trăm phần trăm học trò miền Bắc như tôi không biết cái chột nưa là gì. Về đây, nó là… đặc sản ở cả thời đói và bây giờ. Thời đói kém cả khoai cả chột nưa là món chống đói, cùng với canh hến, chúng luôn thường trực trong bữa ăn của các gia đình ở đây. Giờ nó cũng là đặc sản. Về làng bây giờ được ăn canh hến với chột nưa muối rồi kho cá chạch, xong tráng miệng khoai lang đất cát thì còn gì bằng. Nhưng nói thật, dù là đặc sản hấp dẫn nhưng giờ nó quá hiếm, trừ món canh hến…

Làng tôi cách Huế một cái phá rộng mênh mông. Có lẽ chả ai nghĩ sẽ có ngày có một cây cầu bắc ngang phá ấy để không phải vòng ra tận Quảng Trị qua cầu Thanh Hương mỗi khi muốn về làng bằng xe. Thế mà rồi năm vừa qua nó đã thành sự thực. Cây cầu Tam Giang xuất hiện đã kéo vùng Ngũ Điền sát với Huế hơn, mọi thứ thông thương nên những chuyến đò dọc nồng nặc mùi xăng dầu, mùi thuốc rê cá mắm… đã chỉ là ký ức.

 

Ở xa thi thoảng thấy ti vi chiếu về làng mình, tôi hay nói với các con, làng mình có 2 đặc sản là mai và "con đường hạnh phúc". Là cái con đường bê tông chạy qua làng mà mỗi cặp uyên ương trước khi cưới phải góp mấy mét ấy mà rồi thành một con đường rất đẹp với hai bên là hàng dừa trĩu quả. Con đường này có trước khi con đường nhựa nối từ Phò Trạch về bọc thẳng lên Huế qua cầu Tam Giang, nó là niềm tự hào của dân làng nên thỉnh thoảng, các đồng nghiệp truyền hình lại "chiếu cố" chiếu lên để tôi tiếp tục tự hào với các con mình. Còn mai thì quả thật tôi không biết là làng có nghề từ hồi nào. Cũng một hôm xem VTV2 thấy chiếu hẳn một phóng sự về làng mai Điền Hòa, tôi mới biết các ông nông dân làng mình lại có con mắt nghệ thuật và có tay nghề thượng thặng thế. Nó vừa là thú vui tao nhã, nhưng quan trọng hơn, nó giúp dân làm giàu. Mỗi cây mai bét ra cũng vài triệu, cao hơn, có những cây mai khủng hàng mấy chục đến cả trăm triệu. Thì cứ vất ở sân thế, đến kỳ thì bón phân tuốt lá uốn thân… đến một tết nào đó, có người vào hỏi mua, được giá thì bán, không lại để chơi. Đi nhà nào cũng có mấy chậu mai dành Tết…

Về quê, thú nhất của tôi là chiều chiều đi trên con đường làng xi măng ấy, mặt ngoảnh ra cánh đồng, tùy mùa mà hít thở hoặc là mùi lúa đơm đòng ngây ngây hương sữa, hoặc là cái nồng nàn của rơm của rạ mùa gặt. Hoặc rợn ngợp xanh màu lúa con gái. Những chú cò đứng một chân giữa ngút ngàn xanh làm tăng thêm vẻ yên bình làng quê, làm mình thư thái hẳn, bao nhiêu cái ngột ngạt bức bối phố phường về đây tan biến hết. Thấy mình trẻ ra, thấy mình xanh như ruộng mạ, tơ mảnh như lá lúa ngậm sương và mình cũng như những cơn gió dập dờn tạo sóng trên cánh đồng đang lên vàng mùa ươm nắng. Chiều như một bức tranh tuyệt tác của họa sĩ vĩ đại mang tên thiên nhiên có sự góp sức, góp mồ hôi của những người nông dân nghệ sĩ quê tôi…

 Hôm nọ mẹ tôi mất ở quê. Bà là người Ninh Bình nhưng khi về hưu thì đã theo chồng về cái làng Thế Chí Tây ấy ở mấy chục năm cho đến khi mất với cái tuổi thượng thọ 92. Nhà văn Nguyễn Quang Vinh từ Quảng Bình lái xe chạy vào viếng, về đã viết trên blog như thế này về quê tôi:

"Từ huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế), chạy gần 20 cây số, vào sâu hun hút, đi qua nhiều mảnh làng rất nên thơ, hướng về phía biển thì tới làng của Văn Công Hùng. Ông này ở gần làng với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, với nhà thơ Tố Hữu. Đường làng nông thôn thế này đẹp quá. Đôi khi con đường vụt qua trảng cát trắng, ngơ ngác chú dê đang gặm cỏ nhìn xe mình. Nhà Văn Công Hùng dưới cây dừa kia, ở đó, người mẹ 92 tuổi của anh đang yên nghỉ. Trước mặt nhà là con sông nhỏ, nước trong vắt chảy qua những trảng cát. Làng đẹp quá, sinh ra ở đây, vùng quê sông nước, gần biển, gần sông, gần cát, không nên người mới lạ"... 

Và vừa rồi tôi lại về làng. Đường nhựa phẳng lỳ chạy giữa cát, sông, phá và ruộng. Từ Huế về xe chạy hơn bốn mươi phút. Nhà có việc, khách rất đông từ trong nam ngoài bắc, nếu không có con đường ấy, không hiểu điều gì sẽ xảy ra?

Các con đò lặc lè người phành phạch chạy ngày xưa chở khách giờ thành đò du lịch đưa khách đi tour đầm phá. Đi với mục đích về nhà thấy nó tù túng chậm chạp bao nhiêu thì giờ ngồi đò du lịch ngắm cảnh thư thái thú vị bấy nhiêu. Cũng con đò ấy, tôi đã ngồi với hai tâm thế khác nhau và thấy quả là nó khác nhau một trời một vực.

Nhưng lại vẫn thấy một cái gì đấy thiêu thiếu.

Hình như là cái hồn làng.

Ruộng ít dần cho việc giãn dân, cho các khu nhà mới khang trang và đẹp, rất đẹp theo kiểu thành phố. Những cây rơm biểu hiện của sức sống nông thôn như vắng bóng vì các nhà đã dùng bếp gas là chủ yếu. Các con đường xương cá vào các ngõ xóm được mở rộng, lát bê tông, nhưng cũng vì thế mà vắng bóng những hàng tre rũ xuống ao trưa nắng. Mở rộng nhiều thứ nhưng cũng hao khuyết nhiều thứ. Bao giờ cũng thế, giữa văn minh và văn hóa là một cuộc vật vã để cả hai cùng song song tồn tại. Truyền thống và hiện tại luôn dành cho con người những dấu hỏi để xử lý cho sự phát triển một cách bền vững. Mà ở đây là vai trò của người lãnh đạo, người vạch ra chính sách. Sự tăng trưởng nóng đã để cho chúng ta nhiều bài học. Bản thân người nông dân cũng rất tự hào về sự đổi đời nhanh chóng của họ, về cuộc sống hiện đại của họ, nhưng không phải không có tiếng thở dài khi mà đường làng cứ phẳng lỳ như phố. Nông thôn quê tôi bây giờ ít còn khói lam chiều vì gas thay rơm hoặc củi. Không còn hoa xoan tím ngát bờ ao cũng như những hàng tre xào xạc gió ban trưa. Làng có sân cầu lông và có hội cầu lông, sáng sáng mọi người í ới đeo vợt đi đánh, quần sooc áo thun trắng toát. Cũng sáng sáng rậm rịch người ba ta đi bộ. Nó là văn minh, là sự phát triển cao của làng, nhưng nó cũng chứng tỏ một điều là ở làng giờ rất ít việc. Người tăng nhưng ruộng đất không tăng. Thanh niên và đàn ông bỏ quê đi kiếm ăn, làng chỉ còn người già và trẻ em và chỉ đông, chỉ nhộn nhịp mỗi khi giỗ chạp, tết về…

Tết làng, may là vẫn còn lề xưa thói cũ, vẫn còn những tập tục đẹp để truyền thống làng được dịp phô bày. Vẫn áo dài khăn đóng cúng đủ ba ngày, vẫn đưa nhau lên nhà thờ họ nhận anh em bà con, vẫn đi thăm mộ rồi đi thăm bà con hàng xóm. Và vẫn có một ngày cho những trò chơi tập thể mà nhộn nhịp nhất là chơi đu ở ngay sân UBND xã. Tôi đã vài lần dự những cuộc đu và hội truyền thống như thế, thấy như sâu xa cả một mảng hồn quê thức dậy. Và mới thấy mình vẫn may mắn là còn một làng quê để nhớ để thương để xa xót, để về, để trên hành trình mưu sinh dằng dặc, có một góc làng vẫn thao thức khôn nguôi, cho mình những phút giây trong trẻo và giữ mình trước những cạm bẫy vô lường...

(Bài Tết)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyển địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown Huế 2025

UBND TP. Huế vừa thông báo thay đổi địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown - Chào năm mới 2025 (Countdown Huế 2025 - Một Kỷ nguyên mới), đồng thời thông báo Countdown Huế 2025 sẽ là điểm cầu trực tiếp trên sóng VTV chào đón năm mới 2025 cùng với các điểm cầu Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh - Hải Phòng.

Chuyển địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown Huế 2025
Món quà đêm giáng sinh

Trên đường không khí Nô-en rộn ràng, những cây thông Nô-en được trang trí bắt mắt, các cửa hàng, cửa hiệu bày bán nhiều món quà giáng sinh có màu sắc sặc sỡ. Nghĩ đến những món quà Nô-en, Phương lại nhớ đến câu hỏi ban nãy của Trà: “Phương ơi, Nô-en năm nay cậu muốn được ông già Nô-en tặng quà gì nào?”. Hôm nào bố Trà cũng đến trường đón Trà. Phương dõi mắt nhìn theo bóng hai bố con Trà nhỏ dần trên đường mà thoáng thấy chạnh lòng, giá mà Phương cũng được bố đưa đón đi học mỗi ngày như Trà.

Món quà đêm giáng sinh
Đăk Glei, còn vọng “Tiếng hát đi đày”

Bây giờ, rừng Ngọc Linh xanh ngắt vẫn um tùm bóng cây che trên di tích lịch sử quốc gia nổi tiếng: Ngục Đăk Glei. Hơn 70 năm trước, nhà thơ Tố Hữu viết bài thơ “Tiếng hát đi đày” ở ngay Đăk Glei tháng Giêng năm 1942: “…Đường lên xứ lạ Kông Tum/ Quanh quanh đèo chật, trùng trùng núi cao”. Bài thơ ấy đến nay còn vọng...

Đăk Glei, còn vọng “Tiếng hát đi đày”
Người trẻ khắc họa bản sắc dân tộc

“Tôi muốn mỗi tác phẩm của mình không chỉ đẹp, mà còn phải kể được câu chuyện của người Cơ Tu, về cuộc sống, tín ngưỡng và những giá trị truyền thống mà cha ông để lại” - Phạm Văn Vệ, một chàng trai 26 tuổi với đam mê khắc họa bản sắc dân tộc qua từng đường nét gỗ chạm, chia sẻ.

Người trẻ khắc họa bản sắc dân tộc
Return to top