Được làm một “Đại sứ yêu thương”, thể hiện qua những ý tưởng táo bạo, những ước mơ chân thành và vô vàn những cảm xúc tận đáy lòng con trẻ là mong muốn tốt nhất mà những người lớn có thể gửi gắm, tin tưởng để cải thiện phần nào về thực trạng vấn đề bạo lực hiện nay. Tôi nghĩ rằng, cuộc thi nhỏ này đã góp phần tăng cường nhận thức của học sinh về vấn đề quyền trẻ em, cách hiểu, cách nghĩ về bạo lực và yêu thương, trang bị cho các em “chìa khóa tinh thần” để mở ra những điều còn bỏ ngỏ. Thú vị làm sao khi một sân chơi nhỏ này được mở ra, tạo một diễn đàn để các em cất lên tiếng nói của mình một cách trong trẻo, hồn nhiên nhất. Qua đó, người lớn có cơ hội lắng nghe nguyện vọng, yêu cầu của trẻ em để có cái nhìn toàn cảnh về vấn đề bạo lực và tìm ra giải pháp tốt nhất, hiệu quả nhất để chấm dứt hoặc làm giảm đi tình trạng này.
1.738 bức thư của các em học sinh đến từ các trường THCS trên địa bàn thị xã Hương Thủy gửi về ban tổ chức là một thành công lớn của cuộc thi. Những lá thư viết tay mộc mạc, chân sơ thể hiện nhiều cảm nhận, suy nghĩ trên nhiều góc nhìn khác nhau, đã tạo nên sự phong phú và là minh chứng rõ nét nhất thể hiện sự hiểu biết, thái độ quan tâm của các em với vấn nạn bạo lực hiện nay. 24 bức thư được chọn lọc để đưa vào cuốn sách nhỏ này, là những bài viết có nội dung chất lượng, bám sát chủ đề, văn phong, biểu đạt cảm xúc tốt. Các bức thư đã đại diện được cho tiếng nói trẻ em lên án về vấn đề bạo lực, nạn bạo hành trẻ em và những suy nghĩ thẳng thắn, chân thật khiến người lớn phải thán phục.
Với suy nghĩ ngộ nghĩnh, em Dương Thị Thùy Trâm đã viết: “Một xã hội không có bạo lực đối với trẻ em sẽ là chiếc nôi êm ái ru các em ngủ ngon và khôn lớn thành người”. Em đã viết câu nói ấy trong bức thư “Người lớn ơi, hãy nghe con nói” để nhắc nhở về ước mơ nhỏ bé, vời xa nhưng là ước mơ chân thật của bao nhiêu em nhỏ đang chật vật sống trong ước mơ bé bỏng, tưởng tượng.
Bức thư “Thiên đường của những trái tim dịu dàng”, Dương Thị Diễm Nguyên đã bàn về bạo lực rằng: “Tuổi thơ mỗi người đều đáng quý, nhưng hãy tự nghĩ xem một đứa trẻ là nạn nhân của bạo lực thì có tuổi thơ thật bất hạnh và khủng khiếp. Tuổi thơ đó như đang cầm roi da đánh mạnh vào hiện tại, vào suy nghĩ của những trẻ em đó”.
Hay “Thế giới ngập tràn tình thân cho Lọ Lem”, Lê Thị Huyền Thanh đã gửi gắm lời mình qua những bức thư kỳ diệu: “Mong ngày mai tất cả tuổi thơ được ngủ bình yên trong giấc mơ hồng”. Bên cạnh đó là những lá thư đầy tính sáng tạo, đầu tư về mặt tư liệu, ngôn ngữ như của các em: Nguyễn Ngọc Thi Thơ, Nguyễn Thị Khánh Ly, Lê Ngọc Hân, Phan Thị Ánh Ngọc. Sự táo bạo về mặt ý tưởng, truyền cảm hứng sâu sắc đến người tiếp nhận như lá thư của các em Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, Võ Thị Mỹ Phước, Thái Thùy Trang, Lê Thái Băng Châu, Trần Châu Anh…
Trở thành “Đại sứ yêu thương”, các em học sinh đã nói lên những suy nghĩ tha thiết của mình về nạn bạo hành và việc xóa bỏ bạo lực ra khỏi cuộc sống của trẻ em có ý nghĩa hơn lúc nào hết. Bạo lực là phi nhân, bạo lực là phản văn hóa, bạo lực chống lại lương tri của loài người. Bạo lực vi phạm nghiêm trọng các giá trị luân lý, đạo đức. Cổ súy cho bạo lực là sự hóa hoang, đi ngược tiến hóa của nhân loại.
Triết gia Thomas Carlyle (1795 - 1881) đã đúc kết lại tư tưởng phổ quát về đạo đức con người: “Trái tim yêu thương là điểm bắt đầu của mọi tri thức”. Cũng như Đức Phật dạy con người về lòng từ bi, Đức Thiên Chúa khuyên răn về lòng bác ái… chính là sự đề cao giá trị của tình người. Yêu thương là tự do, là cởi mở, là chân thành vì yêu thương không bao giờ là đủ, không bao giờ lãng phí. Một trái tim biết yêu thương là khởi nguồn của một lý trí biết phân biệt lẽ phải và ham cầu học hỏi tri thức. Một xã hội lấy tình yêu thương làm trọng là một xã hội hòa bình, tiến bộ, văn minh. Hãy để trẻ em lớn lên trong vòng tay yêu thương, sẻ chia, để những giấc mơ hồng dưới mái nhà yêu thương luôn là sự thật.
(Đọc cuốn sách “Đại sứ yêu thương”,
NXB Thuận Hóa, 2018)
LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG