ClockThứ Năm, 26/08/2010 14:54

Vẫn nồng nàn những năm tháng ấy…

TTH - Sau chiến tranh, tôi “ra quân” về sinh sống ở Huế cuối năm 1976. Những ngày ở chiến trường Miền Đông Nam Bộ tôi làm phóng viên bản tin Trung đoàn 141, Sư đoàn 7, thỉnh thoảng có làm thơ đăng báo Văn nghệ giải phóng, tờ tin Thanh Niên (lúc vào Sài Gòn), nhưng chỉ đăng được vài ba bài. Về Huế bỗng dưng tôi làm được nhiều thơ hơn. Hình như Huế có cái gì đó luôn lay thức hồn người.

Ở đây nhìn lên gặp mây núi, nhìn xuống gặp sông biển, hơi hướng đầy nữ tính, đi một bước là đền đài lăng tẩm. Huế là không gian cổ tích lãng đãng. Tôi làm thơ thâu đêm, làm thơ cả khi họp, cả trong giờ làm việc ở cơ quan. Lúc nào trong cặp cũng có cuốn sổ nháp thơ. Tôi chép chùm thơ gửi cho Tạp chí Văn Nghệ Bình Trị Thiên. Tôi biết bạn cùng lớp cấp 3 Lệ Thuỷ với tôi ngày xưa như Hải Kỳ, Lâm Mỹ Dạ… đang là nhà thơ ở Bình Trị Thiên, nên tôi bỏ chữ Khôi tên thật đi, lấy bút danh là Ngô Minh để gây bất ngờ cho bạn bè. Tháng sau, tạp chí của Hội đăng chùm thơ của tôi. Từ đó tôi đăng thơ liên tục trên Tạp chí Văn nghệ Bình Trị Thiên và Báo Dân, Tạp chí Văn nghệ Quân đội…

Đầu năm 1978, tôi được kết nạp vô Hội. Đây là lần đầu tiên tôi biết có một Hội Văn nghệ của tỉnh gồm nhiều phân hội văn học, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh... Tôi đến Hội chơi, gặp các nhà văn, nhà thơ gạo cội mà lâu nay tôi chỉ say mê họ qua tác phẩm như Thanh Hải, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Khoa Điềm, Mai Văn Tấn, Xuân Hoàng, Hải Bằng, Lương An, Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Khắc Phê, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Quang Hà, Hà Khánh Linh, Trần Nhật Thu, Trần Vàng Sao…
 

Giới thiệu thơ Bảo Cường, một hoạt động của Hội Văn học Nghệ thuật Huế. Ảnh: Tuệ Ninh.
 
Thuở học trò, tôi bao giờ cũng tưởng tượng nhà văn, nhà thơ phải là những người cao lớn, sang trọng, khó gần. Nhưng khi gặp hoá ra các anh chị đều cười nói, đùa giỡn, nâng ly vui vẻ gần gũi lắm. Ngoài chị Hà Khánh Linh lúc nào cũng ăn bận, đi đứng đài các, lịch lãm, còn lại các anh đều quần áo cán bộ lùi xùi, ngồi với nhau là chuyện tiếu lâm nổ như ngô rang. Anh Thanh Hải thấp nhỏ, lúc nào cũng cười hiền hậu, nhưng đọc thơ thì sang sảng. Nguyễn Khoa Điềm luôn lặng lẽ như đang nghĩ điều gì, uống rượu thì ít người qua được. Xuân Hoàng thì gặp ai cũng cười hả hả, đọc thơ mới rồi véo vào đùi hỏi: “Hay không, mới không?”. Anh Mai Văn Tấn lúc nào cũng ngồi làm việc nghiêm chỉnh ở bàn.
 
Tôi còn nhớ năm 1982, Hội tổ chức trại viết ở Cửa Tùng, anh Mai Văn Tấn làm Trại trưởng. Trại viên là Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Khắc Thạch, Nguyễn Khoa Điềm, Hoàng Sông Hương, Bửu Chỉ, Trần Hoàn, Văn Lợi, Ngô Minh... Trại viên ở nhà dân. Anh Mai Văn Tấn đến giờ là đánh kẻng ăn cơm, như là kẻng hợp tác xã gọi ngư dân đi biển. Tôi hay lang thang với rượu, nên bị anh khiển trách mấy lần. Nhà thơ Hải Bằng hay mắng mỏ người này, người khác, ngồi với anh là nghe kể chuyện tếu và đọc thơ tứ tuyệt. Có lần tôi dẫn Mai Văn Hoan sang thăm nhà thơ Hải Bằng ở đường Nguyễn Chí Diễu, trong khuôn viên công ty phát hành sách. Lúc này Hoan mới được Ty Giáo dục điều từ Trường Cao đẳng Sư phạm ở Đồng Hới vô Huế dạy chuyên văn ở Trường Quốc Học. Anh Hải Bằng pha trà rồi đọc cho chúng tôi nghe ba bài tứ tuyệt mới viết đêm qua. Đọc xong anh hỏi: “Hai cậu nghe có được không”, tôi chưa kịp khen thì Mai Văn Hoan đã thật thà nhận xét theo phong cách giáo viên dạy văn: “Bài đầu có câu được, còn hai bài sau thì…”. Nhà thơ Hải Bằng đỏ mặt, rồi khóc: “Lãnh đạo trù dập tao rồi, bây giờ tụi bay còn trù dập tao nữa, hu, hu…”. Hai thằng sợ quá, tìm cách chuồn.Nhưng hôm sau gặp ông, ông lại cười rồi hỏi: “Bay không thấy mặt tao có gì khác à?”. Chúng tôi ngơ ngác. Hải Bằng nhăn răng khoe: “Bệnh viện Trung ương Huế vừa lắp cho tau hàm răng giả. Bay không biết nụ cười của Hải Bằng bây giờ là nụ cười quốc doanh à?”.
 
Mùa thu năm 1978, lần đầu tiên tôi được dự Đại hội thành lập Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên lần thứ nhất. Sáng tôi đến hội trường của Đại học Huế bây giờ, số 3-Lê Lợi, thấy một người gầy, đeo kính cận, mặc bộ quần áo đen, ngồi ở chiếc bàn ở cửa ra vào để ghi danh sách để báo cơm và thu tem gạo. Những người ở các huyện đến đại hội hai ngày phải nộp ngày 4,5 lạng tem gạo, còn ăn ngủ thì ở Nhà khách tỉnh (2-Lê Lợi). Anh em ở Huế thì về ăn ngủ ở nhà. Anh Xuân Hoàng khoác vai tôi bảo: “Người ngồi thu tem gạo ấy là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đó!”. Trời đất ơi, một nhạc sĩ nổi tiếng thế mà làm công việc hành chính bình dị thế ư ! Hồi chiến đấu ở Miền Đông, anh em thanh niên từ Sài Gòn lên R (R là vùng căn cứ của Chính phủ Cách mạng Lâm thời, ở rừng Tây Ninh) anh nào cũng mê nhạc Trịnh Công Sơn, suốt ngày hát Diễm xưa, Hạ trắng, Da vàng, Rừng xưa, Xuân hoang, Nguồn cội, Quỳnh Hương, Bống Bống, Địa đàng... Họ tập cho chúng tôi hát. Tôi cứ nghĩ rằng nhạc sĩ họ Trịnh ở Sài Gòn, bây giờ mới hay anh ở Huế, ngồi ngay trước mặt tôi đây, sướng thật. Sinh hoạt Hội dần dần tôi quen thêm những tên tuổi nổi tiếng khác như hoạ sĩ Bửu Chỉ, hoạ sĩ Trương Bé, Trần Thức, Thái Ngọc San, Võ Quê… Mỗi người một vẻ, họ đã trở thành trụ cột vững vàng cho Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế ba mươi lăm năm qua.
 

Có bữa sáng tôi qua Hội ở 26-Lê Lợi chơi thấy các anh đang chuẩn bị đi tăng gia trồng sắn ở Bình Điền. Hồi đó cả nước đói, phải ăn bo bo. Nên năm nào tỉnh cũng ra chỉ thị bắt các cơ quan cũng phải đi tăng gia. Các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, hoạ sĩ nổi tiếng bây giờ xếp bút nghiên, vác dao cuốc đạp xe lên núi vỡ đất trồng màu chống đói. Bên cơ quan tôi, Sở Thương mại, đi tăng gia ở Quán Ngang (Quảng Trị) có ô tô chở đi, bới theo bánh mì kẹp thịt, có cả bia, còn các anh phải bới gạo mắm rau khoai đi để nấu ăn. Thời đó nói là tăng gia chống đói nhưng vì không phải nông dân chuyên nghiệp nên một sào sắn chỉ thu hoạch được chục cân sắn củ nhỏ xíu, chia nhau mỗi người vài lạng. Đói vẫn hoàn đói. Chao ôi, nhìn các anh mà thương quá và yêu quá hình ảnh văn nghệ sĩ một thời!
 
Mới đó mà đã 33 năm rồi, đã qua sáu bảy kỳ đại hội nữa rồi. Thế hệ hội viên trẻ Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên những kỳ đại hội đầu tiên ấy bây giờ mỗi người đi một phương, có người đã mất, nhiều người trong số họ đã trở thành những cây bút sung sức của đất nước như Lâm Thị Mỹ Dạ, Trần Thuỳ Mai, Nguyễn Quang Lập, Hải Kỳ, Tôn Nữ Thu Thuỷ, Mai Linh, Nguyễn Hữu Quý, Nguyễn Khắc Thạch... Tôi nhớ mãi chuyến Hội Văn nghệ cử Thái Ngọc San, Trần Thuỳ Mai, Nguyễn Quang Lập và tôi đi Đại hội nhà văn trẻ toàn quốc lần thứ 3 năm 1985. Đoàn do nhà thơ Xuân Hoàng dẫn đầu. Ra đến Cày (Hà Tĩnh), đoàn dừng để ăn phở bò. Bát phở ở đây toàn thịt bò, phở rất ít. Tôi hỏi chủ quán: “Sao nhiều thịt bò thế này?”. Họ bảo bởi vì ở đây thịt bò rẻ mà phở thì đắt. Sau Đại hội, ở các nhà văn trẻ phía nam được đi tham quan Nhà máy thủy điện Hòa Bình đang xây dựng. Trên xe, Nguyễn Quang Lập kể chuyện tếu làm mọi người cười nghiêng ngả. Đại loại những chuyện như nhà văn Huế ngu ngơ lặn lội vô Sài Gòn mua thuốc bổ cho vợ uống để vợ “múp” rờ cho mát tay, lại mua phải thuốc tăng trọng lợn... Tay tài xế cười ngắc ngư. Không nhịn được cười, nó kêu lên: “Đừng tếu nữa các bác ơi, đường đèo núi, em mà lạng tay lái là xe xuống vực đấy!”.
 
Nhờ được giới thiệu thơ trên Tạp chí Sông Hương, nhờ Hội thường tổ các “Đêm thơ” của người này, người khác, với sự tham gia nhận xét góp ý của những cây bút nổi tiếng, nên các thế hệ nhà thơ ở Huế vẫn “chạy tiếp sức” dẻo dai, bền bỉ. Huế vẫn là vùng thơ được bạn đọc cả nước nể trọng, yêu mến. Tôi hàng ngày vẫn làm thơ, viết ký đam mê xông xáo như thời trai trẻ. Đối với Hội tôi vẫn nồng nàn như những năm tháng ấy...
 
Ngô Minh
 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

Chiều 25/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa
“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ
Return to top