ClockChủ Nhật, 16/04/2017 13:51

Vào đời

TTH - Lên hai tuổi, thằng Hòa - con anh Hai tôi vẫn chưa biết nói. Cả nhà phát hoảng, tưởng nó câm. Nhìn khuôn mặt thằng cháu bí sị, mũi dãi lòng thòng, buồn đến đuổi ruồi không bay, tôi dại miệng: “Gọi cu Khờ cho rồi”. Anh tôi bực: “Không dám khờ đâu, im im vậy chớ cái chi không biết, quậy hết cấp đó!”.

Mỗi bận tôi về, thằng bé đến khổ vì bị ba ép phải hát và kể chuyện cho chú nghe. Nhìn chú rất ngầu với bộ quân phục lại lâu lâu mới gặp nên nó sợ, nép vào ba, không chịu "biểu diễn". Bị ép quá, Hòa tìm kế trì hoãn bằng cách đưa ra yêu sách, nào là phải đứng trên ghế cao, phải có mi-crô  (là cái ống thổi lửa), có người giới thiệu rồi chậm chậm một chút để "ca sĩ" đi tiểu xong mới hát được. Thấy không lay được kiên trì của khán giả, thằng bé đành giở chiêu cuối cùng - khóc. Thế là ba cụt hứng tẽn tò, nổi đoá lên mắng con; chú nói cười giả lả, động viên mấy câu cốt lấy lại hoà khí.

Anh tôi rất lo cho việc học của Hoà. Ở quê, mở mắt ra là thấy việc nhưng Hòa chỉ mỗi việc học và học. Được cái, thằng bé khá chăm. Thả diều không, trốn học để tắm sông, tát cá cũng không; cả những buổi chiều bọn trẻ trong xóm dẫn nhau ra bãi cát trước làng đá banh đến trẹo giò, xước mặt nhưng đố nhấc được Hòa ra khỏi bàn học. Anh tôi rất hãnh diện mỗi khi Hòa được công nhận học sinh tiên tiến. Ở cái xóm bọn trẻ thích chăn trâu, giữ vịt hơn là đi học này thì việc thỉnh thoảng thằng cháu tôi rinh về tấm giấy khen cùng mười quyển vở phần thưởng đã thành "hiện tượng". “Mày cứ nhìn thằng Hòa mà học!”. Mấy bà trong xóm thường khích con như thế. Họ nghe nói rồi nói theo, quá trình "đưa tin" thêm thắt vào, chứ mấy ai biết thằng nhỏ học giỏi là giỏi thế nào. Anh Hai cũng vậy. Với trình độ hơn mù chữ một chút, anh chỉ đủ sức bày cho con làm toán lớp hai, trừ những bài có đánh dấu sao. Anh bày theo kiểu nghe thằng nhỏ đọc đề, nhẩm một hồi rồi nói luôn đáp số chứ chẳng đặt con tính dọc ngang như thầy dạy. Bởi thế, anh mới thấy con bơi giỏi trong ao làng nhưng nào lường được sức nó khi ra sông lớn.

Riêng điều này, tôi nói mà không sợ vội vàng - Hòa rất khéo tay. Những đồ thủ công do thằng nhỏ làm như cái rổ, cái gàu dai, cái cày, cái túi xách xếp đầy góc học tập. Tôi cam đoan, ai nhìn những vật dụng xinh xinh ấy đều không nỡ tiết kiệm một lời khen, kể cả lúc đang chán đời. Có lần tôi mân mê cái rổ nhỏ hơn cái mũ do đứa cháu làm, hồ hởi nói với anh Hai: “Thằng này lớn lên làm thợ thì miễn chê”. Không ngờ lời khen ấy khiến anh kém vui: “Làm thợ thì nói làm gì. Tôi dù đi ăn xin cũng nuôi nó học đại học. Đời cha dốt, tủi lắm rồi!”.

Những tiếng sau của anh đột ngột nhỏ đi khiến tôi lặng trong niềm thương. Ba mẹ tôi sinh được bảy người, anh là đầu, tôi là út, giữa là năm chị. Ba tôi mất sớm nên công to việc lớn trong nhà đều qua tay anh. Anh thất học như một điều khó tránh. Hẳn vì thế giờ anh khao khát được thấy con biến ước mơ của mình thành hiện  thực. Tôi bảo: “Làm thợ cũng tốt thôi. Giờ anh không nghe báo chí ta thán nghịch cảnh thừa thầy thiếu thợ sao?”. Anh Hai vặn lại: “Anh hỏi chú, bảng vàng gia phả tộc mình ghi tên người học nhiều biết rộng để đời sau noi theo hay ghi tên những kẻ ăn no vác nặng như anh cho tốn chữ?”. Tôi cứng họng, cười. Chẳng là, cùng với ghi tên tuổi các thế hệ, gia phả dòng họ tôi có mục ghi tên người học hành đỗ đạt xưa nay. Có lần nhìn vào danh sách trân trọng ấy của gia tộc, mắt anh Hai sáng lên, ghé tai tôi nói nhỏ: “Thằng cháu của chú nhất định phải có tên trong bảng vàng này”. Tôi đâu dám cản ngăn kỳ vọng thấy con hơn cha của anh nhưng lo anh ngộ nhận khả năng của cháu, vô tình bắt thằng nhỏ chịu áp lực hệt như cầu thủ trên sân thì tội nghiệp cho nó. Và nói dại, sau này nó thi đại học, rủi “đậu phải cành mềm” thì vỡ mộng cả chùm, phỏng ích gì?

Nhà cách trường cấp ba thị xã mười cây số nhưng khi Hòa vào lớp 10, anh Hai thuê nhà cho nó trọ gần trường, khỏi phải sáng đi trưa về như chúng bạn. Hằng tuần, nắng cũng như như, lúc nông nhàn hay khi việc đồng áng ngập đầu, anh đều đặn lóc cóc đạp xe xuống thị xã tiếp tế cho con. Hình như không gian sống của thằng bé chỉ có trường học và cái gác xép nóng hầm hập nơi nhà trọ. Dù đêm đêm nghe tiếng sóng biển rì rầm sau rặng dương liễu ven thị xã nhưng hẳn nó chưa một lần biết vị mặn của biển và chắc hững hờ lắm mỗi khi nhìn hoa phượng. Bởi hè đến, thôi học chính khoá thì Hòa đã có ngay chương trình học thêm, học nâng cao do ba sắp sẵn. Có phải do học nhiều hay không mà thằng nhỏ mắc chứng đau đầu. Thôi thì thuốc bổ óc, bổ máu tấp vào nhưng mỗi lần chú cháu gặp nhau, nó lắc lắc đầu, mặt nhăn nhó, trông thương không chịu được. Học đến quên đời thế kia, không khéo tâm thần thì chết! Vả lại, kiến thức sách vở đâu phải là tất cả; nếu chỉ dừng lại đó, sau này vào đời nhìn cái gì cũng ngơ ngơ như con gà công nghiệp thì hỏng. Nghĩ thế, tôi lựa lời khuyên anh Hai. Anh giãy nảy: “Chú nói hay nhỉ, học nhiều quá cũng không tốt nghĩa là sao!?”. Tôi giải thích nhưng anh khoát tay lia lịa. Như không muốn tranh luận, anh chuyển đề tài: “Theo chú nên cho cháu thi trường nào?”. “Để cháu tự chọn, anh ạ”. “Tự chọn thế nào được, ta phải định hướng cho nó chứ”. Thế là mặc lời khuyên của tôi và cũng khác với mong muốn của Hòa, anh bảo con thi vào đại học y hoặc sư phạm. Theo anh, đó là những nghề cao quý, được người đời tôn là thầy. Quả không sai nhưng nếu chỉ vì muốn đạt danh hiệu ấy mà không nghĩ đến điều khác thì khập khiễng quá.

***

Ngày Hòa thi đại học, anh Hai đưa cháu ra nhà tôi. Tôi bảo, mấy khi đến thành phố trực thuộc trung ương, chú sẽ đưa cháu đi chơi thoả thích rồi tới trường coi số báo danh. Nói thế bởi tôi muốn thằng bé được xả hơi trước khi “quyết đấu”. Nhưng anh tôi không chịu. Hơn thế, người phờ phạc sau chuyến xe đò từ quê ra, vừa vô nhà, anh đã kịp tìm chỗ ôn luyện cho thằng nhỏ. Uống chưa xong ly nước, anh lật đật đi thu dọn bàn học của con tôi (cháu đang nghỉ hè) để lấy chỗ học cho Hòa. Đến bữa, vợ tôi dọn ra, định gọi Hòa xuống ăn cơm nhưng anh ngăn: “Thím để tôi bưng lên cho cháu”. Nhìn anh rón rén bưng mâm cơm đặt trước mặt con, niềm thương lấn át điều áy náy tôi muốn nói với anh. Cả đêm dường như anh không ngủ. Thức dậy khi đèn cao áp ngoài đường còn sáng trưng, tôi đã thấy anh ăn mặc chỉnh tề ngồi nơi phòng khách. Tôi muốn đưa cháu đi thi nhưng anh bảo: “Anh ở nhà, yên sao được”. Cha con đi được lúc, anh hộc tốc quay về, hớt hải: “Nó quên thẻ dự thi!”. Tôi lấy xe máy chở anh phóng đi.

Hòa rớt, rớt cả hai trường đại học. Anh Hai buồn, buồn đến nỗi Hòa phát sợ, day dứt đau khổ vì nghĩ mình có lỗi. Nó tìm đến chú, nước mắt thấm trong từng lời: “Chắc ba cháu ốm mất!”. Tôi tức tốc về quê. Thấy tôi, anh Hai chỉ khẽ khàng “Chú về đó à” rồi ngồi thừ ra. Học tài thi phận, thua keo này ta bày keo khác, tôi động viên anh bằng những câu sáo mòn xưa cũ ấy.

Nguôi buồn, anh tôi lại lo việc học của con. Anh bảo Hòa xuống thị xã, tìm lò luyện thi nào ngon nhất ghi tên vào, tốn mấy cũng bán lúa bán heo “theo với bạn với đời cho tới ngày kết quả”. Thằng bé lại chuẩn bị quần áo sách vở theo ba trực chỉ hướng thị xã. Đông qua, xuân hết, hè về, mùa thi đại học lại tới. Nhưng niềm hy vọng phập phồng của anh tôi bỗng tan tành. Sát ngày thi, Hòa lăn đùng ra ốm, ốm kịch liệt phải vào viện. Đến  nước ấy, anh chỉ còn ngửa mặt kêu trời. Anh gọi tôi về, nói gọn một câu: “Anh giao cháu cho chú”.

Hòa sống với gia đình tôi từ đó. Ngoài sách vở, hầu như nó chẳng làm gì, có chăng cắm nồi cơm mỗi khi chú thím đi làm về trễ. Nhưng thằng nhỏ không còn chuyên tâm vào việc học. Bằng chứng là nó thường qua nhà ông Tính ở cạnh chơi. Ông Tính quê Hà Tây, nơi có nghề khảm trai nổi tiếng; đến thành phố này lập nghiệp cũng bằng nghề ấy. Ngoài bố con ông, còn hơn mười thanh niên ăn làm trong nhà. Chắc thằng nhỏ phải lòng con bé nào trong đám thợ siêng năng, hay cười bên ấy? Tốt thôi, dù có quyền công dân đã mấy năm nhưng Hòa cứ vùi đầu vào sách vở nên chuyện yêu đương chắc chưa có gì. Nhiều hôm từ nhà ông Tính về, nét mặt Hòa phấn khởi lắm. Thấy chú, nó phủi bụi trên áo rồi lẳng lặng vào buồng tắm. Rụt rè, Hòa nói sau một bữa cơm tối:

- Cháu không thi đại học nữa chú ạ.

- Tại sao?

- Sức học của cháu khó đậu. Nếu đậu, ba mẹ tập trung lo cho cháu, còn các em nữa…

Sau phút ngỡ ngàng, tôi bình tâm. Không nỡ trách suy nghĩ ấy của đứa cháu đã trưởng thành, tôi nói:

- Vào được đại học là rất quý nhưng cháu nghĩ thế cũng phải. Không thi đại học, cháu định làm gì?

- Cháu theo ông Tính học nghề khảm trai.

Tôi gặp ông Tính. “Thằng nhỏ sáng ý, khéo tay lại chăm - người thợ già nhìn tôi cười, chân thành: Nếu chú không chê nghề vất vả này thì cho nó theo tôi; đảm bảo hai năm sau nó vượt hẳn đám thợ trong nhà này”. Nhìn những sản phẩm khảm trai, số đã hoàn thành, số còn dở dang xếp đầy trên hiên, tôi lân la hỏi ông Tính về thu nhập. Theo ông, với nghề thủ công này, người thợ sống khoẻ; nếu sản xuất số nhiều, thu sẽ khá hơn. Tôi hơi yên tâm.

“Làm thợ thì hơn gì đi cày, cái tôi mong là tấm bằng đại học, chú hiểu không?”. Chưa nghe tôi nói hết, anh Hai gạt ngang. Anh xoay người, ngồi nghiêng, không thèm nhìn tôi, vẻ đau khổ và bực tức hiện rõ trên mặt. Đầu anh chúi xuống, trông thật thảm hại, Bất ngờ anh vung tay, chém gió, quát lớn giữa trời: “Dẹp hết, về cày ruộng!”. Không lạ tính anh, lại đã lường trước nên tôi ngồi lì chịu trận. Hòa đã co giò biến ngay xuống nhà dưới để ba khỏi ngứa mắt khi nhìn thằng con mang lại cho ông ê chề thất vọng.

***

Sau ba năm vừa học vừa làm với ông Tính, Hòa về quê mang theo nghề khảm trai. Lúc đầu nó lủi thủi làm một mình, sau phải kêu thêm người, thêm nhiều người. Chiều ý con muốn mở rộng cơ sở sản xuất, anh tôi đốn bạch đàn, chặt tre, mua tôn dựng lán ngay trong nhà vườn nhà. Hòa chỉ huy hai mươi lính, chia ra các công đoạn vẽ hình, tạo mẫu, đục gỗ, cắt dán trai, lau chùi đánh bóng. Tiếng lành đồn xa, các chủ sản xuất đồ gỗ trên thị xã nườm nượp đánh xe chở mặt bàn, mặt tủ, ghế đến chỗ Hòa làm đẹp trước khi xuất xưởng. Ở làng thuần nông này, giờ có thêm tiếng máy bào, máy cưa bên tiếng heo kêu gà gáy, nghe thật thích.

Hòa hay gọi điện thoại cho tôi khoe chuyện làm ăn. Nói mất tiền nhưng mỗi lần cầm điện thoại là nó cà kê như nói chuyện bên bàn rượu khiến tôi xót cả ruột. Chốc chốc tôi lại nhắc cúp máy nhưng nó cười vang: “Chú không phải lo!”. Quả là làm ra tiền nên giọng tự tin hẳn.

Vẫn là thầy nhưng không phải thầy thuốc hay thầy giáo như anh Hai hằng mong, giờ Hòa là thầy của những người thợ. Điều còn lại anh tôi không bằng lòng về con là đã ngấp nghé tuổi ba mươi nhưng nó chưa chịu lấy vợ. Nghe ba giục, nó chỉ cười cười, không lắc cũng chẳng gật. Anh tôi nói dỗi, giọng dỗi yêu hệt như của đàn bà: “Thôi, kệ mày!”.

LƯƠNG MẪN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bạn vong niên

Khách đến đúng lúc ông đang giận con, buồn bực cứ trào lên khiến người như bốc hỏa.

Bạn vong niên
Với tình yêu

Ra trường, Dung bay thẳng; nghe nói cô xuôi về phương Nam; tìm được việc làm ở thành phố to nhất nước.

Với tình yêu
“Hướng thượng”

Nhóm quyền lực của công ty thường ăn nhậu với giám đốc đâu hay từ đây họ phải chia sẻ khẩu vị chua cay của sếp. Một phần tất yếu trong bữa ăn của sếp là ớt, ông ăn ớt rau ráu như nhai dưa chuột.

“Hướng thượng”
Vào đời...

Dẫu sao mũ cử nhân cũng đã tung lên rồi, hy vọng cũng đã trao đi, mấy người trẻ lại bước vào ngôi trường mới của chính mình, cái mà lâu nay họ vẫn gọi là trường đời.

Vào đời
Ngày xưa chưa xa

Hà là tên quán cà phê nép mình dưới bóng xà cừ và cũng là tên cô chủ quán tuổi ngoài đôi mươi.

Ngày xưa chưa xa
Return to top