ClockThứ Ba, 26/03/2013 11:08

Vào Huế ngày giải phóng

TTH - Theo đoàn văn nghệ sĩ được lệnh vào Huế trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, đại tá – Nhạc sĩ Huy Thục vẫn nhớ như in những ngày sống trong không khí chiến thắng của người dân Huế…

Ban đầu, mũi quân của ông theo kế hoạch sẽ lên Tây Nguyên. Đoàn của ông gồm nhạc sĩ Huy Thục, nhạc sĩ Lê Lan, biên đạo múa Kim Tiến, nhà viết kịch Nguyễn Vượng… Nhưng đến ngày 22/3/1975, lệnh trên chỉ đạo: “Chuyến xe chở đoàn Huy Thục phải đổi hướng, tham gia giải phóng Huế!”. Đến Huế tối 25/3, một hàng xe dài mắc kẹt tại cầu An Lỗ vì phải đợi nước ở ngầm hạ thấp xe mới qua an toàn (do cầu chính bị sập, công binh phải làm một chiếc ngầm gần đó để xe lội qua sông). Mọi người nằm chờ trong tư thế sẵn sàng cầm súng nếu địch phản công nhưng rất may, tình huống này không xảy ra (trước đó, ta đã đánh và tiêu diệt hơn một đại đội thuỷ quân lục chiến trên đường Lại Bằng - An Lỗ khiến địch phải tháo chạy - NV). Tướng Đồng Sĩ Nguyên lúc này xắn tay trực tiếp chỉ đạo công việc đường mới thông suốt. Đúng ngày 26-3, đoàn xe tiến vào Huế, nhân dân và sinh viên Huế vây quanh, chào mừng bộ đội giải phóng. Ở bờ Nam cầu Trường Tiền, thanh niên tình nguyện còn góp gạo thổi cơm chung với các chiến sĩ trong không khí vui tươi, phấn khởi. 

Tiến vào Huế ngày 26/3. Ảnh: tư liệu lịch sử

 

“Văn nghệ sĩ chúng tôi sà xuống, chơi với anh em sinh viên. Các bạn hát hò rôm rả lắm, trong đó có bài Giải phóng miền Nam, Tiến vào Sài Gòn, Bác đang cùng chúng cháu hành quân… Nghe một ca khúc của mình sáng tác, tôi xúc động quá liền hỏi: Tại sao các em thuộc “Bác đang cùng chúng cháu hành quân”? Những gương mặt trẻ đáp lời: Dạ, chúng em nghe lén và học theo đài miền Bắc khi Bác Hồ mất. Sau đó, đoàn văn nghệ sĩ miền Bắc từ hai mũi gặp lại nhau (một mũi gồm nhạc sĩ và nhà biên kịch như đã nói ở trên; một mũi gồm các nhà văn Nguyễn Khải, Xuân Sách, Lê Lựu… ). Chúng tôi đi trên đường phố, nhân dân khắp nơi đổ ra đường reo vang mừng chiến thắng”, đại tá Huy Thục kể.
 
Trong hoàn cảnh bị địch kìm kẹp nhưng đồng bào vẫn nghe truyện, nhạc qua đài miền Bắc. Lúc ông viết “Tiếng hát trên đường quê hương”, sợ lộ điểm đánh, nhạc sĩ phải lấy tên là Lê Anh Chiến (tên con trai N. S Huy Thục – NV). Bài hát mở đầu: “Ai đã đến, miền quê em Quảng Trị, Thừa Thiên; qua đường Chín, tình Gio Linh lắng trong giọng hò”… mọi người hát xong cứ ngỡ Lê Anh Chiến là người vùng Trị Thiên, nghe ông giải thích đó là ca khúc của một nhạc sĩ đến từ Hà Nội, mọi người mới ngớ ra. Theo lời đại tá Huy Thục, chiến dịch giải phóng Huế diễn ra rất nhanh, ông không thể viết kịp ca khúc cổ vũ. Thoáng qua đầu mình, ông nhớ ngay đến những người lính thông tin, bởi muốn giải phóng Huế thì lực lượng này phải đi trước. Vậy là phỏng theo một bài thơ, ông phổ nhạc thành công bài hát Rải dây vào Huế, ca khúc này sau đó được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam.
 
Tối 27-3, Ủy ban Quân quản tổ chức cuộc tọa đàm giữa giới trí thức, sinh viên và văn nghệ sĩ. Người dân Huế rất quan tâm đến đời sống văn nghệ sĩ, họ hỏi nhà văn Nguyễn Khải, nhà thơ Xuân Sách về nguồn cảm hứng sáng tác; các bạn trẻ tỏ ra rất hâm mộ không gian lãng mạn trong Người về đồng cói của nhà văn Lê Lựu… Hôm đó, ông ôm đàn biểu diễn những ca khúc đã viết tại chiến trường Trị Thiên, mọi người hưởng ứng sôi nổi khiến buổi giao lưu rộn ràng hẳn lên.
 
29-3, đoàn văn nghệ sĩ miền Bắc tiếp tục tiến vào Đà Nẵng, giải phóng căn cứ Chu Lai xong rồi quay lại Huế. “Điều khiến chúng tôi hết sức ngạc nhiên là những quán đón quân nhân hai bên đường của người dân Huế. Đồng bào mời bộ đội ăn bánh chưng, dưa hấu, uống nước ngọt miễn phí. Nhiều đoàn hành quân cấp tốc, bà con còn ném các túi quà lên xe. Điều đó chứng tỏ, người dân rất yêu thương anh Bộ đội Cụ Hồ, dù bị địch trấn áp sau nhưng lòng dân vẫn hướng về cách mạng”, nhạc sĩ Huy Thục xúc động.
 
Ông tâm sự: “Ngày ấy vào Huế, tôi còn gặp Hoàng Phủ Ngọc Tường và Lâm Thị Mỹ Dạ. Sau đó, tôi phổ nhạc một số bài thơ của đôi vợ chồng văn nghệ sĩ tài hoa này. Các ca khúc này đến nay vẫn còn nguyên trong quyển sổ tay là những kỷ niệm đẹp về Huế. Sau ngày giải phóng, tôi được trở lại thăm chiến trường Trị Thiên nhiều lần. Tôi cảm thấy mình còn nợ Huế vì chưa viết được nhiều ca khúc về Huế”.
T. Ninh (ghi)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gắn kết chặt chẽ “ba nhà” trong giáo dục nghề nghiệp

Mô hình Hội đồng giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cấp tỉnh ra đời mới đây được kỳ vọng là “lời giải” cho bài toán tuyển sinh - tuyển dụng, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động (LĐ).

Gắn kết chặt chẽ “ba nhà” trong giáo dục nghề nghiệp
Thăm, tặng quà cho các trường hợp khó khăn bị tai nạn lao động

Trong khuôn khổ hưởng ứng Tháng hành động An toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024, ngày 24/4, đại diện lãnh đạo tỉnh, Hội đồng ATVSLĐ tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh cùng đại diện các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể đi thăm, tặng quà cho các trường hợp bị tai nạn lao động, thân nhân người tử nạn do tai nạn lao động và khởi công xây dựng nhà "Mái ấm Công đoàn" cho đoàn viên trên địa bàn tỉnh.

Thăm, tặng quà cho các trường hợp khó khăn bị tai nạn lao động
Giúp người khuyết tật tiếp cận dịch vụ để hòa nhập

Những năm qua, các chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội nói chung và đối với người khuyết tật (NKT) nói riêng trên địa bàn tỉnh được thực hiện tốt, tạo điều kiện cho NKT vượt qua khó khăn, trở ngại để vươn lên sống độc lập, hoà nhập với cộng đồng.

Giúp người khuyết tật tiếp cận dịch vụ để hòa nhập
Return to top