ClockChủ Nhật, 20/09/2020 15:00

Với bản lĩnh & lòng tự trọng, dù bất hạnh vẫn ngẩng cao đầu

TTH - (Đọc “Nơi ấy sẽ là nhà” – Tập truyện ngắn của Nguyễn Thị Duyên Sanh – NXB Thuận Hóa, 2019)

Giới thiệu sách “Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX qua hồi ức của Michel Đức Chaigeau”Ra mắt tự truyện “Mạ tui”

Bìa sách “Nơi ấy sẽ là nhà” 

Nhà văn nổi tiếng Nhật Bản Haruki Murakami, từng có nhiều tác phẩm in hàng triệu bản ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, trong dịp được mời tham dự “Chương trình Lễ hội New Yorker” 2008 và 2018, khi trả lời các phóng viên đã nói: “Nếu nhân vật chính hạnh phúc thì đã chẳng có câu chuyện nào…” (Dẫn theo Tạp chí “Nhà văn & Tác phẩm” của Hội Nhà văn Việt Nam, số 5-6/2020).

Đọc tập truyện “Nơi ấy sẽ là nhà” của Nguyễn Thị Duyên Sanh (NTDS), tôi nghĩ đến “tuyên ngôn” về quan niệm sáng tác của tác giả Nhật Bản từng là ứng cử giải Nobel, do 11 truyện của NTDS hầu hết đều bắt nguồn từ những số phận trớ trêu, đầy bất hạnh.

NTDS mới nhập cuộc làng văn (“Nơi ấy sẽ là nhà” là tập truyện thứ hai, được xuất bản sau tác phẩm đầu tay “Hoa để mùa sau” in năm 2014), nhưng cuộc đời người giáo viên cùng trang lứa với Trần Thùy Mai, Nguyễn Viết An Hòa, Phạm Ngọc Túy… với những trải nghiệm hơn nửa thế kỷ đời sống xã hội đầy những biến động từ cuối năm 1972 đến nay đã cung cấp cho “cây bút mới” NTDS vốn sống quý báu để có thể tạo nên những tình huống truyện rất đa dạng, những cảnh đời éo le gợi bạn đọc suy ngẫm về tình đời, về lẽ sống. Nhờ thế, nhiều truyện của chị đã được đăng trên báo “Thanh Niên”, Tạp chí “Sông Hương” và “Quán Văn” trong hơn 5 năm vừa qua.

Đặc điểm dễ thấy trong truyện của NTDS là tác giả hầu như chỉ quan tâm đến những con người bình thường, thậm chí là lớp “người dưới đáy” (thuật ngữ chỉ các nhân vật đã làm nên tên tuổi đại văn hào M. Gorki) -  trong cuộc vật lộn vì mưu sinh, mưu cầu hạnh phúc của họ. Cả bà Thanh trong “khu vườn rộng bốn mùa rợp bóng lá” nếu còn “giữ được vẻ quyền quý đoan hạnh của một mệnh phụ” (Truyện “Bếp lửa”) thì đó cũng chỉ là chút vàng son rớt lại của một thời hoàng kim. Với sự lựa chọn đó - lựa chọn nhân vật thời nào cũng thuộc “số đông” trong mọi chuyển động thời thế - bối cảnh, không gian truyện đều là những cảnh đời gần gũi với độc giả. Tác giả lại thường vào truyện một cách thật giản dị: “Chiếc xe dừng lại khi cơn mưa đang xối xả trút nước. Ngô nhảy vội xuống đường…” (Truyện “Dốc mưa”) “… Khi mọi người đứng dậy rời đi, Trinh vẫn ngồi yên nhìn ra phía đầm phá mênh mông…” (Truyện “Làng cũ”) … Nếu như trong thơ Đường, câu cuối thường gánh trọng trách chuyên chở ý tứ của bài thơ thì cách vào truyện của NTDS lại tựa như một cánh cửa êm nhẹ và thân thiện đã hé mở với chủ nhân đã hiện diện mời đón bạn bước vào chơi.

Điều hấp dẫn bạn đọc là đằng sau “cánh cửa” mời gọi bạn một cách hồn nhiên, thân ái đó lại là một thế giới có nhiều góc khuất, những lối rẽ bất thường khiến bạn phải dấn bước tìm biết. Như trong truyện “Bếp lửa”, sau khi bước vào “khu vườn rộng bốn mùa rợp bóng lá” gặp bé Gừng, cô bé nhà quê giúp việc giỏi giang đang được bà Thanh quý mến thì không ngờ, cậu Hóa con trai bà Thanh về nghỉ Tết lại “để ý” đến Gừng; thế là, “người phụ nữ dịu dàng đài các đó giờ như suối lửa dội xuống người cô: “- … Mi giỏi lắm! Đũa mốc mà chòi mâm son à?... Đi! Đi đi! Để lại mi trong nhà e mà mang hậu họa!”...

NTDS tìm cách “dẫn dụ” người đọc vào trang viết của mình với những câu chuyện vừa giàu tính kịch, vừa đậm tính nhân văn mà tác giả chứng nghiệm qua cuộc đời từng trải hơn nửa thế kỷ của mình. Cũng vì thế, truyện ngắn của NTDS thường không phải là một “lát cắt” gọn nhẹ để tác giả gửi gắm ý tưởng như một số cây bút khác mà gần như là một tiểu thuyết nén chặt; các truyện thường dài hơn 20 trang, hiện tại và hồi ức đan xen nên không - thời gian truyện được mở rộng, người đọc có cảm giác thú vị tựa như dự bữa tiệc luôn đổi món. Có thể nói, NTDS đã thành công khi giữ được bạn đọc theo dõi cho đến tận dòng chữ cuối của trang sách. Ngoài các thủ pháp đã nói ở trên, NTDS còn giỏi tạo dựng được đoạn kết có tình huống truyện bất ngờ, không chỉ khiến bạn đọc thích thú mà còn để lại dư âm khi trang sách đã được gấp lại.

Thật ra, trong “nghề viết”, để dựng lên một cốt truyện éo le, hấp dẫn không khó. Vấn đề quan trọng hơn là từ những câu chuyện như thế, tác giả đã gửi gắm những ý tưởng, thông điệp như thế nào đến bạn đọc. Những năm gần đây, vấn đề  “nữ quyền luận” cũng như “văn học và giới” được nhiều người quan tâm; đã có cả hội thảo quốc gia về chủ đề này. Tuy vậy, theo tôi, thực ra đây không phải là vấn đề thuần túy văn chương mà chỉ là “đề tài” được các tác giả tập trung khai thác.

Có lẽ NTDS khi cầm bút không chỉ nhằm đề tài này, nhưng với lợi thế của một tác giả nữ, nhân vật chính trong truyện của NTDS hầu hết là phụ nữ và dù số phận bất hạnh, họ vẫn chứng tỏ bản lĩnh và lòng tự trọng không thể xem thường. Như bé Gừng (truyện “Bếp lửa”), chỉ là thân phận “con ở”, nhưng khi bị bà Thanh hắt hủi đuổi đi, đã không một lời thanh minh hay van xin, cởi bỏ ngay bộ quần áo đẹp mà con gái bà vừa tặng Gừng hồi về nghỉ Tết, “thoắt cái trở ra với bộ quần áo quê mùa ngày nào đã ngắn cũn…”- Con xin lỗi đã làm bà giận! Nhưng con thề là con không mơ tưởng bất cứ cái chi của nhà này cả! Con tới đây như răng thì con ra khỏi đây cũng như rứa…”.

Và như thế, Gừng đã tự giải phóng, trong khi bà chủ Thanh lại bị cầm tù bởi nếp nghĩ cổ hủ để rồi cuối cùng phải ân hận khi biết chính con trai mình cũng bất hạnh, do mối tình đầu đã bị bà chà đạp không chút xót thương!

Nhiều truyện của NTDS đã để lại những “bài học đường đời” như thế…

NGUYỄN KHẮC PHÊ

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Vẫn còn nắng trên đồi” – trang văn của tình thương

“Vẫn còn nắng trên đồi” là một cách để nói điều gì đó không thể được nói theo bất kỳ cách nào khác, và chúng buộc người đọc phải dành thời gian lướt mắt trên từng từ trong câu chuyện để hiểu được ý nghĩa của nó là gì.

“Vẫn còn nắng trên đồi” – trang văn của tình thương
Return to top