ClockThứ Sáu, 07/08/2015 07:51

Vừa thiếu, vừa thừa

TTH - Chỉ có cách giãn thời gian chuyển lương qua tài khoản thì việc rút tiền ở máy ATM của CB-CNV, giáo viên vùng huyện mới “dễ thở” hơn so với hiện nay.

Quá tải cục bộ

Hai máy ATM của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Chi nhánh Phong Điền luôn hoạt động hết công suất bắt đầu từ ngày 4 đến khoảng ngày 10 hàng tháng, chủ yếu CB-CNV, giáo viên các trường trên địa bàn đến rút lương. Nhiều người không đợi được phải vào quầy giao dịch của ngân hàng để rút tiền, khiến Agribank Chi nhánh Phong Điền đông đúc chật chội. CB-CNV của ngân hàng làm việc kể cả ngoài giờ, buổi trưa để kịp phục vụ khách hàng nhưng vẫn không tránh khỏi những lời trách móc, bực bội.
Những lúc máy ATM đông người, khách hàng có thể rút tiền tại quầy
Xảy ra tình trạng này là do hầu hết CB-CNV, giáo viên trên địa bàn huyện đều được các cơ quan trả lương qua tài khoản ngân hàng này, với khoảng 6.600 thẻ ATM của 97 đơn vị. Song, việc quá tải người rút lương chỉ xảy ra cục bộ những ngày đầu tháng, từ sau ngày 15 hàng tháng, hầu như hai máy ATM của Agribank Chi nhánh Phong Điền vắng hoe, ngày cao lắm cũng tầm 10 giao dịch. Quan sát của chúng tôi tại Agribank Phong Điền, trong vòng 2 tiếng đồng hồ trong sáng 24/7, chỉ duy nhất có 1 giao dịch của một người sử dụng để rút tiền do con cái gửi. Người này rút hết số tiền trong tài khoản, chỉ để lại số dư tối thiểu theo quy định của ngân hàng.
Đây cũng là tình trạng chung của hầu hết các máy ATM ở các huyện, như Quảng Điền, A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc... Riêng địa bàn các thị xã Hương Trà, Hương Thủy và huyện Phú Vang, người sử dụng dịch vụ ATM có nhiều quyền lựa chọn hơn bởi có khá nhiều ngân hàng đặt máy ATM. Như tại Hương Thủy, ngoài Agribank, còn có các máy ATM của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam Chi nhánh Nam Thừa Thiên Huế, Sacombank, BIDV. Thị trấn Thuận An có ATM của BIDV, Sacombank, Agribank, Hương Trà cũng tương tự.
 
Giãn cách ngày chuyển lương
Liên quan đến vấn đề quá tải trong việc sử dụng máy ATM để rút lương ở các vùng huyện, trong các đợt tiếp xúc cử tri, vấn đề này đã được nêu ra để tìm cách tháo gỡ. Đa số kiến nghị đều mong muốn các ngân hàng đầu tư thêm máy ATM để giải quyết tình trạng quá tải cục bộ. Song, qua làm việc với các ngân hàng, chúng tôi thấy điều này rất khó thực thi.
“Muốn đầu tư máy ATM phải được Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Trung ương đồng ý. Từ lập kế hoạch, chờ phê duyệt, có khi một hai năm mới được. Đó là chưa kể chi nhánh được đầu tư phải đảm bảo hoạt động tốt, không có sai sót và các vi phạm khác”, ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Agribank Chi nhánh tỉnh bày tỏ.
Theo bà Nguyễn Thị Như Yến, Giám đốc Agribank Chi nhánh Phong Điền, ngoài khó khăn vừa nêu, một khó khăn khác của ngành ngân hàng mà không phải khách hàng nào cũng biết để chia sẻ, đó là việc đầu tư máy ATM tốn khá nhiều chi phí, tầm khoảng 700 triệu đồng, lớn hơn toàn bộ tài sản cố định của Chi nhánh Agribank Phong Điền. Hơn nữa, mỗi tháng, chi phí vận hành máy ATM khá lớn, cộng với chi phí khấu hao tài sản mất cả trăm triệu đồng, trong khi thu phí từ dịch vụ thẻ ATM không thấm vào đâu. Minh chứng cho điều này, bà Nguyễn Thị Như Yến cho chúng tôi xem bảng kê chứng từ thu từ cước phí thường niên thẻ nội địa và phí phát hành thẻ ATM từ đầu năm đến nay chỉ chưa tới 100 triệu đồng. Nếu chia số tiền này cho 7 tháng, mỗi tháng Agribank Phong Điền thu chưa tới 15 triệu đồng, âm hơn 80 triệu đồng. Vì thế, việc các ngân hàng TMCP không mặn mà đầu tư thêm máy ATM vùng huyện là điều dễ hiểu.
Trong thời buổi cạnh tranh khốc liệt giữa các ngân hàng, nhất là gần đây một số ngân hàng gặp khó khăn trong việc huy động vốn và cho vay, dẫn đến tăng trưởng âm thì khả năng đầu tư ATM ở các huyện rất khó. Vì thế, để giải quyết bài toán quá tải cục bộ trong những ngày rút lương đầu tháng cho CB-CNV vùng huyện, theo nhiều người, chỉ còn cách giãn ngày chuyển lương giữa các đơn vị thì mới giải quyết được bài toán này. Trước mắt, việc làm này ảnh hưởng ít nhiều đến CB-CNV, nhất là chậm trễ thời gian chuyển lương nhưng chỉ diễn ra trong tháng đầu thực hiện. Các tháng còn lại cứ tính đủ 30 ngày thì chuyển lương nên việc này dễ được thông cảm nếu lãnh đạo các đơn vị thông báo, giải thích cụ thể cho người hưởng lương. Chúng tôi cũng đã làm cuộc khảo sát nhỏ với lãnh đạo một số huyện như Quảng Điền, Phong Điền, Phú Lộc... thì đa số đều đồng tình với phương án này và khẳng định sẽ xem xét để sớm thực hiện.
Một giải pháp khác mà Phong Điền đã triển khai đối với các xã vùng sâu vùng xa, như vùng Ngũ Điền và các xã Phong Xuân, Phong Sơn, Phong Mỹ là nhận tiền mặt tại Kho bạc huyện trong khi chờ ngân hàng đầu tư máy ATM. Ở Quảng Điền là các xã bên kia phá Tam Giang cũng đang áp dụng hình thức này. Đây là giải pháp dù là tạm thời nhưng khá linh động và hiệu quả, được người lao động đánh giá cao.
Bài, ảnh: Tâm Huệ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top