ClockThứ Bảy, 23/05/2015 16:26

Vượt khó vươn lên trên vùng đồi

TTH - Đó là câu chuyện của anh Lê Lực (thôn 10, xã Lộc Hòa, Phú Lộc) không cam chịu với cảnh tật nguyền đã vươn lên trở thành một điển hình làm kinh tế giỏi được mọi người dân địa phương thán phục.

Khác với suy nghĩ ban đầu, khi về thăm anh Lực, tôi thực sự ấn tượng trước hình ảnh một thanh niên với đôi chân tật nguyền, bước đi khó nhọc, nhưng tạo dựng một mô hình kinh tế gia trại nuôi hàng chục con lợn và chủ nhân ngôi nhà khang trang gần bạc tỷ. Anh Lực cho biết, anh bị tật bẩm sinh. “Làm gì để tự lo cuộc sống sau này”-đó là động lực bao đêm anh trăn trở khi bước vào tuổi thanh niên. Cuối cùng anh quyết định theo học nghề cắt tóc-cái nghề khá phù hợp với hoàn cảnh. Từ ngày có nghề, anh mở tiệm cắt tóc tại nhà để giải quyết chuyện cơm áo, vừa tạo nguồn vui trong cuộc sống. Rồi anh lập gia đình. Người hiểu, thương anh không đâu xa là cô bạn gái cùng thôn. Cưới xong, vợ chồng ra riêng nên bao nhiêu thứ phải lo. Tiền bạc bố mẹ cho và vốn anh dành dụm chỉ làm được cái lều rộng chỉ vừa đặt một chiếc giường đôi và cái bàn ăn. Nấu cơm, nấu nước phải ra gốc cây. Nhiều bữa chẳng có gì ăn, phải nhờ đến nội ngoại... Kể đến đây, đôi mắt anh lại ngấn nước.

Anh Lê Lực bên gia trại lợn của gia đình
Mãi đến năm 2005, qua việc tìm hiểu các mô hình kinh tế địa phương, một lần nữa anh Lực nhận thấy chăn nuôi lợn phù hợp với điều kiện gia đình mình. Với đặc điểm thuận lợi có vườn và nguồn rau cỏ dồi dào, anh bàn với vợ tập trung phát triển chăn nuôi đàn lợn. Thời gian này, anh chịu khó tham gia các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mỗi khi xã, thôn tổ chức. Qua mỗi dịp đó, anh cũng chịu khó tìm tòi, học hỏi các phương pháp chăn nuôi lợn đạt hiệu quả. Ban đầu anh chỉ nuôi 5-7 con mỗi lứa, đầu tư xây dựng chuồng trại sạch sẽ, hợp vệ sinh, chú trọng phòng, chống dịch bệnh. Không phụ công chăm sóc của người thanh niên tật nguyền. Năm nào đàn lợn anh nuôi cũng phát triển tốt, không bị dịch bệnh. Anh là người tiên phong của thôn trong áp dụng việc chăn nuôi lợn theo phương pháp cải tiến, chuyển đổi từ nấu chín sang ăn trực tiếp để tiết kiệm sức lao động. Từ năm 2010 đến nay, trung bình mỗi năm anh xuất chuồng 3 lứa. Năm 2013 anh xuất được hơn 4 tấn lợn thịt thu về hơn 100 triệu đồng. Hiện, trong chuồng trại của anh luôn duy trì từ 30-40 con lợn thịt các loại. Từ mô hình làm kinh tế của anh, nhiều thanh niên, bà con trong thôn, xã đã được anh hướng dẫn phương pháp chăn nuôi lợn đạt hiệu quả kinh tế cao.
Không chỉ chăn nuôi lợn, nấu rượu, hàng ngày người dân trong thôn luôn thấy người dáng cao gầy lướt kéo cắt tóc, trò chuyện với khách tại cửa hiệu cạnh nhà chẳng khác gì với một thanh niên bình thường. Tay nghề cắt tóc của anh Lực được bà con trong vùng đánh giá cao, nên lúc nào cũng đông khách ra vào. Anh Lực cười hiền: “Trời không lấy hết của ai đâu. Bù lại cơ thể khiếm khuyết là người vợ hết mực hiền từ, thương chồng và cũng là động lực chính giúp tôi vượt qua những đoạn trường khó khăn. Gần 15 năm nay, vợ chồng luôn sống hạnh phúc, hòa thuận, chăm lo cho hai cháu học hành tử tế”.
Ông Nguyễn Hiểu, Chủ tịch UBND xã Lộc Hòa khẳng định: “Anh Lê Lực tuy tật nguyền nhưng là một người giàu nghị lực, vượt lên số phận để làm giàu. Anh Lực xứng đáng là gương điển hình để nhiều người học tập vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên vùng đồi Lộc Hòa còn nhiều tiềm năng này".
Bài, ảnh: Minh Văn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Doanh nghiệp kỳ vọng vào sự tăng trưởng

Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong những tháng đầu năm có những dấu hiệu khởi sắc. Nhiều doanh nghiệp có đơn hàng trở lại, lãi suất ngân hàng hạ nhiệt… là những yếu tố thuận lợi để doanh nghiệp chủ động thực hiện tốt kế hoạch hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Doanh nghiệp kỳ vọng vào sự tăng trưởng
Return to top