ClockThứ Năm, 01/09/2016 05:11

Xứng tầm đô thị hạt nhân

TTH - Hơn 10 năm trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh, TP. Huế đã có những bước chuyển mình đáng kể, xứng tầm là đô thị hạt nhân, thúc đẩy sự phát triển của các đô thị vệ tinh và cả tỉnh.

Cơ hội

Nhiều nông dân phường An Đông (Huế) vẫn chưa bỏ được thói quen canh tác cũ từ ruộng đồng, trồng vườn chuối, nuôi con lợn để cải thiện thu nhập. Nhưng điều họ thấy rõ là sự đầu tư của Nhà nước, doanh nghiệp để kết nối, mở rộng những tuyến đường từ trung tâm TP. Huế đi qua phường đến với các phường, xã của hai huyện, thị xã Phú Vang, Hương Thủy. Sự đầu tư đó đã góp phần tích cực trong việc cải thiện điều kiện làm việc và cả thu nhập cho người nông dân.

Đường Đống Đa được đầu tư, tạo diện mạo mới cho đô thị Huế

Khi giao thông kết nối, việc đi lại dễ dàng hơn. Trước đây, họ chỉ trồng rau, nuôi lợn, nuôi gà rồi tự cung tự cấp, nay tư thương đến đặt mua tại vườn, vừa đỡ công chạy phiên chợ sớm, vừa tạo được lòng tin nhờ phương thức trồng, nuôi hướng đến sự an toàn và ngon.

Đàn ông cũng dễ kiếm thêm thu nhập, nhờ công trình xây dựng nhiều, doanh nghiệp đến kinh doanh, đầu tư lớn. Cơ hội việc làm tốt hơn là điều có thể thấy không chỉ ở phường An Đông, mà cả một số xã vừa lên phường cách đây không lâu như An Tây, Hương Long, Thủy Xuân, Thủy Biều…, khi mà các địa phương này đều đẩy mạnh quá trình đô thị hóa.

Trong một lần trò chuyện với chúng tôi về những đổi thay sau khi “lên phường”, bà Phạm Thị Phương Mai, Chủ tịch UBND phường An Tây cho rằng, từ khi tách phường, An Tây không chỉ khó khăn về cơ sở vật chất mà cả đội ngũ cán bộ. Ai cũng trong tâm trạng lo lắng An Tây là vùng đất xa xôi, ban đêm điện không có, đi lại khó khăn, lỡ có chuyện gì điều động cán bộ không phải dễ, nhất là những vụ cháy rừng hay xảy ra các sự cố trộm cắp…

Thế rồi, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, doanh nghiệp và vận động công sức, tiền của của người dân, nhiều tuyến đường liên xóm, liên thôn được đầu tư, điện thắp sáng được người dân kéo ra đầu ngõ, An Tây dần là điểm đến của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi. Gần đây, các trường đại học mở thêm cơ sở, các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, giúp bộ mặt đô thị An Tây ngày càng khởi sắc. Điều đó phù hợp với xu thế mở rộng, phát triển đô thị Huế về phía Tây Nam trong thời gian tới.

Đường thông, cầu thoáng

Hơn 10 năm qua, TP. Huế đã tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển đô thị, trong đó, bao gồm cả hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Với hạ tầng kỹ thuật, những công trình mang dấu ấn chủ yếu vẫn là các con đường trọng điểm để kết nối giao thông, tạo sự thay đổi cơ bản và toàn diện cho bộ mặt đô thị. Có thể kể đến các tuyến đường Đống Đa, Lý Thường Kiệt, Điện Biên Phủ và mới đây nhất là Tố Hữu nối dài, vươn tới đường Võ Nguyên Giáp, tạo thành vệt phát triển không ngừng, nối liền đô thị Huế với đô thị vệ tinh Hương Thủy. Nhờ sư đầu tư liền mạch đó, khoảng cách đô thị được rút ngắn.

Đường Tự Đức - Thủy Dương-Thuận An thông tuyến, cùng với sự đầu tư của Ban quản lý Khu vực phát triển đô thị, Khu đô thị mới An Vân Dương đang từng ngày làm tốt chức năng nối liền Huế - Hương Thủy - Phú Vang. Không lâu nữa, đô thị từ phía Đông Nam sẽ phát triển, bổ trợ kết nối để cùng với đô thị trung tâm phía Nam sông Hương trở thành một Huế hiện đại, cùng song hành với Huế cổ kính phía bên kia bờ Bắc, theo hướng hài hòa, đối diện nhưng không đối lập, đối kháng.

TP. Huế sẽ còn tập trung đầu tư khai thác những công trình tạo sự duyên dáng, thú vị cho đô thị Huế như chỉnh trang các công viên, vỉa hè, lề đường theo hướng mang tính thẩm mỹ cao. Chỉnh trang mở rộng “Phố Tây” hiện nay đang thực hiện là minh chứng cụ thể cho chủ trương đó. Đá lát nền, điện chiếu sáng, cây xanh…, đều được đầu tư bài bản, trên tinh thần đẹp, độc đáo, đúng chất khu phố du lịch, phố Tây hứa hẹn sẽ là điểm đến mới lạ, hấp dẫn trong nay mai.

Các dự án trọng điểm cũng đang được triển khai, trong đó có quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương và dự án thí điểm, quy hoạch khu dịch vụ du lịch cao cấp Cồn Hến…, sẽ còn mở ra thêm nhiều cơ hội và diện mạo mới cho đô thị Huế thời gian tới.

Và dù lựa chọn phát triển, Huế vẫn trung thành với nguyên tắc, luôn giữ tiêu chí TP xanh quốc gia, như đã từng được công nhận và sẽ còn hướng đến TP xanh quốc tế, khi mà các dự án đầu tư giai đoạn tới đều phải được lựa chọn dựa trên các nguyên tắc và cam kết mà lãnh đạo TP. Huế đã thực hiện khi xây dựng đô thị xanh cũng như các chuẩn mực của đô thị văn hóa, di sản, bền vững môi trường ASEAN.

Tổng mức đầu tư cho kế hoạch trung dài hạn 5 năm (2016-2020) trên địa bàn TP. Huế khoảng hơn 17.800 tỷ đồng, trong đó, chỉ riêng đầu tư các công trình công cộng, chỉnh trang đô thị hơn 16.000 tỷ đồng, với khoảng 100 công trình, dự án.

Tâm Huệ

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đầu tư gần 152 tỷ đồng xây dựng tuyến đường đô thị mới La Sơn

Sáng 6/4, lãnh đạo huyện Phú Lộc thông tin, bằng nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, huyện Phú Lộc đang triển khai xây dựng dự án (DA) tuyến đường đô thị mới La Sơn (Lộc Sơn) với kinh phí gần 152 tỷ đồng. DA giao trách nhiệm cho BQL Đầu tư Xây dựng khu vực huyện Phú Lộc làm chủ đầu tư.

Đầu tư gần 152 tỷ đồng xây dựng tuyến đường đô thị mới La Sơn
“Năng lượng” mới

Cuối tuần này sẽ diễn ra hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch đô thị chung Thừa Thiên Huế đến năm 2045, định hướng đến năm 2065. Đây được xem là dấu mốc trong hành trình xây dựng Thừa Thiên Huế khởi đầu một giai đoạn phát triển bền vững với chiến lược đánh thức nguồn “năng lượng” mới.

“Năng lượng” mới
“Lá phổi xanh” giữa đô thị Huế

Nhà máy xử lý nước thải tại TP. Huế được ví như là “lá phổi xanh” giữa lòng Cố đô, bởi không chỉ đang giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải sinh hoạt của người dân mà còn là “điểm xanh”, bởi phủ đầy cây xanh, không khí trong lành.

“Lá phổi xanh” giữa đô thị Huế

TIN MỚI

Return to top