ClockThứ Tư, 27/03/2024 05:59

Bệnh dại có thể điều trị dự phòng bằng vắc-xin, huyết thanh kháng dại

TTH - Bệnh dại gây tử vong cũng như tỷ lệ tiêm phòng dại đầu năm gia tăng trong cả nước, cơ quan chức năng đã có nhiều văn bản lưu ý các địa phương trong công tác phòng, chống bệnh dại.

Tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại Trung tâm Y tế TP. HuếTiêm phòng dại tăng, cần quản lý tốt vật nuôiLiên hệ với các cơ sở y tế để tiêm vắc xin phòng COVID-19 nếu có nhu cầu

 Xử lý vết thương và tiêm huyết thanh kháng dại cho một bệnh nhân ở Hương Trà

ThS.BS Hồ Xuân Vũ, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh cho biết: Năm 2023, theo thống kê của Bộ Y tế có 82 người chết do bệnh dại (trong đó, có 81/82 trường hợp không tiêm vắc-xin dự phòng bệnh dại, 1 trường hợp tiêm vắc-xin nhưng không tiêm huyết thanh kháng dại), tăng 12 trường hợp so với năm 2022. Nguồn lây truyền chủ yếu dẫn đến tử vong là do bị các động vật cắn: chó (80%), mèo (18%), dơi, chuột…

Chưa đầy 3 tháng đầu năm 2024, cả nước có 27 người chết vì bệnh dại, 100.000 người bị chó cắn phải điều trị dự phòng. Tại Thừa Thiên Huế, theo thống kê từ Phòng Tiêm chủng dịch vụ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, từ tháng 2 đến nay đã có khoảng 340 ca đến tiêm vắc-xin dại, trong đó có hơn 100 ca chỉ định tiêm huyết thanh kháng dại.

Thông thường bệnh dại và tiêm phòng dại tăng vào mùa nắng nóng nhưng nay lại trái quy luật, diễn biến phức tạp. Theo ông, vì sao có tình trạng này?

Bệnh dại là bệnh nhiễm virus cấp tính của hệ thần kinh trung ương, lây từ động vật sang người qua chất tiết, thường là nước bọt bị nhiễm virus dại. Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với virus dại qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại. Thông thường, thời gian cao điểm ghi nhận các ca bệnh dại thường là mùa hè, tập trung vào các tháng 8-9 trong năm. Tuy nhiên, năm nay, sự gia tăng đột biến vào 2 tháng đầu năm, có thể lý giải sự gia tăng các ca bệnh dại trên người liên quan trực tiếp đến sự gia tăng các ca bệnh dại trên động vật từ năm 2023 đến nay và đặc biệt từ đầu năm 2024 đến nay.

Nguyên nhân chủ yếu là do tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng dại trên chó, mèo nuôi hiện nay rất thấp, mới chỉ đạt khoảng 50% trên tổng đàn, một số nơi chỉ đạt 10%. Trong khi đó, Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại, giai đoạn 2022 - 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 2151 ngày 21/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêm vắc-xin dại cho 70% tổng đàn chó, mèo nuôi trong giai đoạn 2022 - 2025.

Gần đây xuất hiện các ca bị vật nuôi tấn công nghiêm trọng hoặc phơi nhiễm nhiều người do chó, mèo tấn công cùng lúc. Người dân nên làm gì khi bị súc vật cắn?

Những ca bị cắn nói trên là ca nguy hiểm vì khoảng cách gần thần kinh trung ương, virus dễ xâm nhập vào não gây viêm não tủy cấp tính. Ca bị phơi nhiễm do cắn cùng lúc chứng tỏ con vật đang bị mắc bệnh. Khi bị chó, mèo cắn, các gia đình cần xử lý vết cắn bằng xà phòng dưới vòi nước chảy 15 phút rửa càng sớm càng tốt hoặc rửa các chất có tác dụng diệt khuẩn như cồn iod, cồn 70 độ… Sau đó, đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện xử lý vết thương, đánh giá tình trạng vết thương và tư vấn tiêm chủng vắc xin/huyết thanh. Các gia đình nuôi chó, mèo cần tiêm phòng dại cho vật nuôi đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm, không thả rông vật nuôi ra đường và nơi công cộng, khi ra đường cần đeo rọ mõm, cần thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn cho người xung quanh. Ngoài ra, khuyến cáo người dân (nhất là trẻ em) cần tránh xa vật nuôi hoặc chơi đùa với chó, mèo, tránh bị chó, mèo tấn công.

Tại sao công tác tuyên truyền đã triển khai khá lâu song thực tế vẫn có trường hợp sử dụng lá thuốc, đắp ngọc theo kiểu dân gian hoặc không tiêm phòng dại?

Hiện nay, một bộ phận người dân vẫn có quan niệm sử dụng thuốc nam hay đặt ngọc sau khi bị chó cắn, đó là do nhận thức của người dân chưa cao, tin vào lời đồn thổi từ trước đây nên xảy ra nhiều trường hợp tử vong đáng tiếc. Bên cạnh đó, một số người vẫn lo ngại rằng tiêm vắc-xin phòng dại gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Cho nên khi bị súc vật cắn, người dân cần phải đến ngay các cơ sở y tế để nghe tư vấn kịp thời. Hiện, bệnh dại có thể điều trị dự phòng bằng vắc-xin, huyết thanh kháng dại.

So với các tỉnh khác trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên, số lượng tiêm phòng dại tại địa bàn tỉnh ở CDC như thế nào? Đơn vị đã chuẩn bị thuốc, vật tư như thế nào trong công tác phòng, chống bệnh dại?

So với các tỉnh trong khu vực, số lượng tiêm phòng dại tại tỉnh ta ở mức trung bình. Theo ghi nhận trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận ca tử vong nào do bệnh dại. Nếu có ca tử vong do dại hoặc có ổ dại xảy ra thì phải xử lý ổ dịch (theo Điều 11 Nghị định số 05/2007/NĐ-CP ngày 9/1/2007 của Chính Phủ).

CDC hiện tại đảm bảo số lượng vắc-xin và huyết thanh phòng dại cho các cơ sở tiêm tại CDC và các điểm tiêm chủng ở 9 huyện, thị xã, thành phố. Người dân có thể tham khảo số lượng vắc-xin và huyết thanh phòng dại các loại, bảng giá trên trang web của CDC Thừa Thiên Huế.

Thời gian tới, CDC phối hợp ra sao với ngành chức năng trong việc giám sát, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh?

Chúng tôi tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng triển khai chiến dịch truyền thông nâng cao trách nhiệm và nhận thức người dân về tính chất nguy hiểm của bệnh dại và các biện pháp phòng, chống. Ngoài ra, CDC sẽ tập huấn nâng cao năng lực hệ thống phòng chống bệnh dại cho cán bộ y tế ở các điểm tiêm vắc-xin phòng dại cho người; đồng thời quản lý, hướng dẫn các cơ sở y tế, các điểm tiêm vắc-xin phòng dại cho người thực hiện và báo cáo thông tin về bệnh dại theo quy định của Bộ Y tế nhằm hạn chế ca tử vong do bệnh dại gây ra.

Xin cảm ơn ông!

Các tổ chức quốc tế như: Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO), Tổ chức Thú y Thế giới (WOAH) cũng khuyến cáo cần đạt tỷ lệ bao phủ vắc-xin phòng dại cho động vật ít nhất 70% trên tổng đàn trong 2 năm liên tiếp thì mới có hiệu quả phòng ngừa lây nhiễm bệnh dại sang người. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại, trong đó nhấn mạnh tổ chức tiêm phòng dại cho chó, mèo đảm bảo tối thiểu trên 80% tổng đàn chó, mèo trên từng địa bàn được tiêm phòng dại trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
L. GIANG (Thực hiện)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ca ghép tim từ tạng hiến Quảng Ninh xuất viện

Ngày 24/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế tổ chức lễ ra viện cho bệnh nhân (BN) Phạm Q.T.. Đây là trường hợp ghép tim thứ 11 và là ca ghép tim xuyên Việt thứ 10 tại đơn vị.

Ca ghép tim từ tạng hiến Quảng Ninh xuất viện
Thêm một ca bệnh sốt rét ngoại lai trở về từ Angola

Sáng 20/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế thông tin đang tiếp nhận điều trị một nam bệnh nhân bị sốt rét tại Khoa Bệnh nhiệt đới. Đây là trường hợp sốt rét ngoại lai thứ hai tại địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay.

Thêm một ca bệnh sốt rét ngoại lai trở về từ Angola
Gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho bệnh nhân Hemophilia

Ngày 17/4, Trung tâm Huyết học Truyền máu – Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp với câu lạc bộ Sinh viên 5 tốt Đại học Huế, Ngân hàng Máu sống Cố đô và các nhà hảo tâm tổ chức chương trình gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho các bệnh nhân Hemophilia.

Gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho bệnh nhân Hemophilia
Thủ tướng làm việc với Bệnh viện Trung ương Huế, khảo sát dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương

Chiều tối 6/4, làm việc tại Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác tham quan cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ điều trị tại Bệnh viện Quốc tế Trung ương Huế; thăm, tặng quà hai ca ghép tạng xuyên Việt mới đây đang được theo dõi sau phẫu thuật.

Thủ tướng làm việc với Bệnh viện Trung ương Huế, khảo sát dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương

TIN MỚI

Return to top