ClockThứ Hai, 04/03/2024 06:55

Tiêm phòng dại tăng, cần quản lý tốt vật nuôi

TTH - Sau tết Nguyên đán, số người đến tiêm vắc-xin phòng dại tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh tăng đột biến. Điều đáng lo ngại là hiện nay, một số người dân vẫn áp dụng đặt ngọc, đắp lá thuốc thay vì điều trị dự phòng bằng vắc-xin…
HN - Ngọc Huyền
  • HN - Ngọc Huyền

Số người tiêm vắc xin phòng dại tăng cao sau tếtCuba là quốc gia đầu tiên tiêm phòng COVID-19 đại trà cho trẻ emKhông chỉ chó cắn, mèo cào cũng có thể bị dại!

Người dân đến CDC tiêm vắc-xin phòng dại 

Cao điểm 30 lượt tiêm/ngày

Trong tháng 2/2024, có 580 lượt tiêm vắc-xin phòng dại; trong đó, 142 người bị vết cắn nguy hiểm phải tiêm huyết thanh kháng dại. Cao điểm, có ngày CDC tiếp nhận tiêm 30 lượt người tiêm vì lo ngại bệnh dại.

Từ ngày Mùng 5 Tết (14/2), một gia đình 4 người tại TX. Hương Thủy đến tiêm mũi nhắc lại. Được biết, hai trong số 4 người bị con mèo nhà nuôi cắn, con mèo này bị chết ngay sau đó nên những người có tiếp xúc với nó trong gia đình đều phải đi tiêm. Ra Tết, phòng khám CDC khám cho một Việt kiều ở huyện Phú Lộc về quê ăn Tết bị chó cắn ở tay, vết thương xé rách nghiêm trọng phải khâu mấy mũi.

Một nhân viên y tế cho hay, một số ca bị chó cắn nhìn rất thương tâm, nhất là trẻ nhỏ. Có trường hợp vết cắn vào các vị trí nguy hiểm: đầu, mặt, cổ hay vết thương rách da kéo dài phải đưa đến bệnh viện xử lý trước khi quay lại tiêm phòng dại.

Ông Phạm N. người dân ở TX. Hương Trà bị chó ở quán ăn cắn vào cẳng sau chân phải buổi tối, thì sáng hôm sau ông đã đến CDC sớm để tiêm phòng. Vết thương khá sâu và nguy hiểm, BS chỉ định ông phải tiêm huyết thanh kháng dại. Trong lúc ngồi chờ test, ông kể: “Ở nhà tui đã rửa vết thương bằng nước muối và băng lại. Trong xóm tui có bà nớ bị chó cắn đi đặt ngọc mà cuối cùng vẫn chết. Bà chị dâu vợ tui bị chó lai cắn nơi bắp tay trong Tết cũng đi tìm thầy đặt ngọc rồi tự mua thuốc tây uống mà có đỡ mô. Chỗ cắn cứ bị viêm mủ sưng đỏ. Nhà tui khuyên đi tiêm phòng mà bà không chịu. Vợ con tui cũng đi cùng động viên vì sợ tui tiêm về mệt, chạy xe không được”.

Tương tự, bà ở Nguyễn Thị T. ở Quảng Điền trên đường đi chợ thì bị chó cắn vào chân, chồng bà vội chở đến CDC tiêm phòng. “Mong mấy nhà nuôi chó nhốt lại chơ không tội cho người bị cắn, lỡ có chuyện chi ảnh hưởng đến tính mạng người ta. Đến giờ tui cũng không biết con chó đó của nhà ai mà theo dõi tình hình của nó, chỉ biết đi tiêm vắc-xin cho an tâm”.

Bình quân mỗi tháng, CDC tỉnh tiếp nhận trên dưới 150 trường hợp tiêm vắc-xin phòng bệnh dại. Lịch tiêm 5 mũi vắc-xin sau phơi nhiễm vào ngày đầu tiên, ngày thứ 3, 7, 14, 28. Lý giải việc số lượng người tiêm phòng dại tăng vọt, theo ThS.BS Ngô Kim Nhã, Phó Trưởng phòng Phòng khám Đa khoa CDC là do việc đi lại, du lịch nhiều hơn dịp Tết cổ truyền. Ở vùng nông thôn, chó, mèo thả rông nhiều nên nguy cơ cắn người khá cao; bên cạnh đó cũng xảy ra tình trạng không quản lý vật nuôi, chúng tấn công người, để lại vết thương nghiêm trọng.

Hiện, CDC tỉnh có hai loại vắc-xin tiêm phòng bệnh dại (Verorab - sản xuất tại Pháp, Abhayrab - sản xuất tại Ấn Độ); huyết thanh kháng dại tinh chế. Đối với một số trường hợp bị nhiều vết cắn, vết cắn sâu, nhạy cảm, bác sĩ sẽ có chỉ định tiêm thêm huyết thanh kháng dại cho bệnh nhân.

ThS.BS Hồ Xuân Vũ, Phó Giám đốc CDC tỉnh khẳng định: “Nguồn vắc-xin phục vụ tiêm phòng dại và huyết thanh kháng dại đảm bảo cho đến tháng 7/2024. Trong công tác chủ động điều phối vắc-xin, đơn vị vẫn đảm bảo nguồn lực cung ứng tại chỗ cũng như cung cấp cho các trung tâm huyện, thị”.

Không chữa trị bằng phương pháp dân gian

Theo thống kê của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, năm 2023 cả nước có 82 người chết do bệnh dại, tăng 12 trường hợp so với năm 2022. Trong đó, 81 trường hợp không tiêm vắc-xin điều trị dự phòng bệnh; 1 trường hợp tiêm vắc-xin, không tiêm huyết thanh kháng dại. Lý do không tiêm vắc-xin điều trị dự phòng phần lớn do chủ quan khi chó nhà cắn, tại thời điểm cắn, chó bình thường; thiếu hiểu biết, dùng thuốc nam…

Năm 2023, cả nước ghi nhận gần 675.000 người bị phơi nhiễm đi tiêm vắc-xin phòng dại, tăng 45% so với 2022 và không có trường hợp nào tử vong sau khi điều trị dự phòng. Tại khu vực miền Trung, số người đi tiêm tăng 46,4%. 2 tháng đầu năm, cả nước đã ghi nhận gần 20 ca tử vong do dại tại 13 tỉnh, thành, tăng 8 ca so với cùng kỳ năm 2023. Các ca tử vong chưa được tiêm phòng do chủ quan.

Phần lớn các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cào, cắn, liếm của động vật mắc bệnh... Các vết thương gần thần kinh trung ương như đầu, mặt, cổ hoặc các bộ phận tập trung nhiều dây thần kinh như đầu chi, bộ phận sinh dục lập tức đến cơ sở y tế để được tiêm huyết thanh kháng dại và vắc-xin phòng dại. Vắc-xin phòng dại được sản xuất từ virus dại đã bất hoạt nên không ảnh hưởng đến trí nhớ và các vấn đề thần kinh khác.

Tuyệt đối không dùng các biện pháp dân gian như thuốc nam, đắp lá, đặt ngọc…  Bệnh dại hiện chưa có thuốc điều trị, cách phòng ngừa tốt nhất vẫn là là tiêm chủng. ThS.BS Đặng Thị Hoài Thu, Khoa Bệnh nhiệt đới BV Trung ương Huế kể rằng, từng tham gia hội chẩn một số trường hợp bị chó cắn vết thương nguy hiểm, phức tạp, rách cơ cẳng tay, bắp tay, bắp chân phải khâu nhiều mũi. Khoa từng tiếp nhận 2 ca bệnh dại ở Quảng Nam và Quảng Trị đều không tiêm vắc-xin phòng dại sau khi bị chó cắn. Các ca bệnh này nhập viện có biểu hiện sợ gió, sợ nước, khó thở nên được tư vấn đưa về nhà và mất sau đó.

“Không nên đánh chết chó hoặc đem bán vì sẽ không theo dõi được tình trạng phát bệnh dại của nó. Nếu bị chó, mèo cắn, người dân rửa vết thương dưới vòi nước sạch bằng xà phòng, sau đó xử lý bằng cồn 70 độ/i ốt và đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn tiêm phòng kịp thời. Hạn chế nặn máu ở vết thương vì sẽ gây bầm tím hoặc hoại tử”, BS Thu khuyến cáo.

BS Ngô Kim Nhã cho hay: “Một số người dân đến nay vẫn còn niềm tin đi đặt ngọc, đắp lá khi bị súc vật cắn; khi đến các cơ sở y tế vết thương mưng mủ, sưng tấy, thâm đen. Chúng tôi đã truyền thông nhiều song thực trạng này vẫn xảy ra ở các vùng nông thôn”. Tình trạng chó thả rông, không rọ mõm chạy lung tung va chạm với người tham gia giao thông cũng là thực trạng cần cảnh báo. Cơ quan chức năng và địa phương cần tăng cường truyền thông trong việc quản lý, tiêm phòng cho vật nuôi, tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc trong cộng đồng.

Bài, ảnh: LINH TUỆ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chủ động phòng, chống rét cho vật nuôi

Nhằm hạn chế thiệt hại về gia súc trong mùa mưa rét năm nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã yêu cầu các địa phương chú trọng các biện pháp phòng rét cho vật nuôi.

Chủ động phòng, chống rét cho vật nuôi
Ghi nhận thêm 5 ca nghi ho gà, trong đó 1 ca xác định dương tính

Ngày 29/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) thông tin, trong hai tuần qua địa bàn tỉnh ghi nhận thêm 5 ca nghi ngờ ho gà, trong đó 1 ca xác định dương tính. Hiện, các bệnh nhân đang được theo dõi điều trị tại Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế.

Ghi nhận thêm 5 ca nghi ho gà, trong đó 1 ca xác định dương tính
Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng hữu cơ, an toàn

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, sản xuất theo chuỗi giá trị là hướng đi tất yếu trong điều kiện ứng phó với biến đổi khí hậu và nhu cầu của thị trường tiêu thụ.

Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng hữu cơ, an toàn
Nhập viện phẫu thuật vì vật nuôi tấn công

Số ca bị chó mèo tấn công để lại vết thương nghiêm trọng phải nhập viện cấp cứu, điều trị tăng thời gian gần đây. Điều này cho thấy còn tình trạng chủ quan trong phòng, chống bệnh dại ở bộ phận người dân…

Nhập viện phẫu thuật vì vật nuôi tấn công

TIN MỚI

Return to top