Thủ trưởng Bộ CHQS tỉnh thường xuyên kiểm tra chất lượng bữa ăn tại các khu cách ly
Sắp xếp lại hành lý để chuẩn bị rời khu cách ly tại Trường Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Khung T3), ông Lê Văn Huy, xã Lộc Bổn (huyện Phú Lộc) vui vẻ: Ở đây 14 ngày, ăn uống đầy đủ lại đúng giờ nên tôi mập lên trông thấy. Về thấy thế này vợ con mừng lắm cho coi.
Còn Ông Trương Văn Sinh (phường Hương Sơ) vừa hoàn thành thời gian cách ly tại Trường Cao nghề số 23 (Khung T2) chia sẻ: Khi về khu cách ly, tôi vẫn “bụng bảo dạ”, thôi cố gắng 14 ngày ăn ở cực cực cho an toàn, vừa đảm bảo sức khỏe cho bản thân vừa yên tâm cho bà con, cho cộng đồng. Nhưng cực mô không thấy, chỉ thấy ngày nào cũng được ăn ngon, ngủ kĩ. Còn trẻ khỏe, cũng chẳng ai muốn làm phiền, bắt bộ đội phải phục vụ đâu nhưng ở trong tình thế này thì đành phải “làm phiền” bộ đội ta. Cơm bộ đội ngon không khác chi cơm nhà, cơm ngon, canh ngọt, đồ tráng miệng, không thiếu một thứ gì.
Biết là cán bộ, chiến sĩ ở Khung T3 phải phục vụ hơn 1.500 người nên chị Chu Thị Vân (Diễn Châu, Nghệ An) không muốn cho đội ngũ phục vụ ở đây phải bận tâm, chỉ đăng kí cơm giống mọi người. Nhưng đội ngũ cán bộ khung biết chị đang mang bầu lại thêm con nhỏ mới 3 tuổi nên mỗi bữa ăn vẫn không quên chế độ cho phụ nữ mang thai và trẻ em.
Để có những bữa cơm nóng sốt đưa đến tận tay người dân, những cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh đã không ngại thức khuya, dậy sớm. Đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình cảm quân - dân khi dịch bệnh xảy ra.
Hoàng Văn Quỳ (chiến sĩ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 6 đang phục vụ tại Khung T2), vừa nêm nếm lại nồi cháo thịt bò thơm lừng, vừa khoe: “Khó như nấu cháo cho các em nhỏ mà chúng em cũng đã làm được, không chỉ cháo gạo không đâu, bọn em còn lên mạng tìm hiểu công thức để cho thêm các loại củ, quả như cà rốt, khoai lang… để cháo đủ dinh dưỡng, các em ăn ngon miệng hơn”. Với một chàng lính trẻ thì việc trở thành một đầu bếp phục vụ hàng trăm người không phải là công việc đơn giản, thậm chí có thể nói là nặng nhọc và rất vất vả. Tổ hậu cần của Quỳ có tất cả 21 người phục vụ gần 500 người. Nhưng chỉ sau vài ngày, Quỳ và các “đồng nghiệp” đã trở thành “siêu đầu bếp” nấu những món ăn đa dạng và bày biện cũng rất ưa nhìn.
Sau đây là một số hình ảnh do Thừa Thiên Huế online ghi lại về khâu hậu cần phục vụ các bữa ăn hằng ngày cho người dân tại khu cách ly:
Những món ăn thơm phức được chế biến cẩn thận
Nữ quân nhân trổ tài nấu ăn
Phân chia thức ăn theo khẩu phần
Tất cả các bữa ăn đều có đầy đủ món chính, món phụ
Sau khi được chia theo khẩu phần, những người lính tiếp tục với công việc vận chuyển cơm tới khu vực cách ly
Cơm được đưa đến tận tay người dân
Thảo Vy