ClockChủ Nhật, 26/12/2021 06:22

“Dấu chân” người cán bộ dân số

TTH - “Dấu chân” của anh Phan Đức Toại, cán bộ chuyên trách dân số & kế hoạch hóa gia đình xã Vinh Thanh (huyện Phú Vang) đã “mòn” nhiều ngõ ngách, xóm thôn…

Xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số chất lượng

Tranh thủ lúc người dân đến tầm soát COVID-19, anh Toại tuyên truyền về các biện pháp tránh thai, không sinh con thứ 3

Đó là cách nói của nhiều người dân địa phương thể hiện sự thân quen, quý mến. “Một người chẳng bà con ruột thịt, không liên quan gì đến cuộc sống của mình, nhưng lại trở trăn, “đi tới đi lui” khuyên nhủ. Nào là phải sử dụng các biện pháp để vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ không “vỡ kế hoạch”, đồng thời đảm bảo sức khỏe, không lây nhiễm bệnh tật… Phát hiện ở địa phương có mấy trường hợp mang thai ngoài ý muốn ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, anh Toại cũng lo lắng tất bật về tận nhà các trường hợp này “thủ thỉ” với các bậc cha mẹ, ông bà, để gia đình cùng hỗ trợ, giúp đỡ các bà mẹ trẻ người non dạ. Sự tận tình và trách nhiệm của anh Toại thật đáng trân trọng”- chị Trần Thị Thủy (người dân thôn 4) nói.

Anh Toại chia sẻ, làm sao để bà con “thấm” được, từ đó thay đổi nhận thức, suy nghĩ và thực hiện những vấn đề liên quan đến dân số & kế hoạch hóa gia đình, đến sức khỏe, lợi ích của bản thân và cộng đồng theo chiều hướng tích cực, văn minh, khoa học, thì những cán bộ như anh phải dành rất nhiều thời gian, tâm huyết, trách nhiệm.

Vậy nên, để người dân áp dụng các biện pháp tránh thai, các cặp vợ chồng trong độ tuổi thực hiện mô hình không sinh con thứ 3; các bà mẹ mang thai khám sàng lọc để đảm bảo sự phát triển tốt của thai nhi chứ tuyệt đối không dựa vào điều này để lựa chọn giới tính của con..., không chỉ “dừng lại” ở các buổi tuyên truyền tại UBND xã mà anh Toại chủ công, phối hợp với cán bộ đoàn thể các cấp sẵn sàng “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, nếu thấy gia đình nào có tư tưởng, biểu hiện “dao động”.

Tùy từng đối tượng tuyên truyền để phối hợp sao cho linh động, hiệu quả nhất. “Nếu đối tượng tuyên truyền là thanh thiếu niên, chúng tôi sẽ phối hợp với Xã đoàn hoặc các chi đoàn trên địa bàn. Cán bộ hội phụ nữ các cấp sẽ cùng hỗ trợ trong việc tuyên truyền cho chị em. Cán bộ hội nông dân phối hợp cùng tư vấn với nhóm nam nông dân, để nam giới biết chia sẻ trách nhiệm chứ không thể “giao khoán” cho phụ nữ. Chúng tôi còn nhờ các cụ cao tuổi, người có uy tín trong cộng đồng, dòng họ thường xuyên nhắc nhở con, cháu mình”, anh Toại bộc bạch.

Từ sự tận tâm của người cán bộ dân số, tình trạng sinh con thứ 3 trên địa bàn xã Vinh Thanh giảm mạnh. Khoảng 5-7 năm trước, có 25- 27% các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sinh con thứ 3, nhưng đến nay giảm còn 13,5%. Nhiều cặp vợ chồng đã có 2 con gái, quyết định “dừng lại”, mặc dù trước đó có ý định “cố” thêm, đến bao giờ có con trai mới thôi. Điển hình như trường hợp vợ chồng ngư dân Đỗ Thị Loan (thôn 6). Đời này nối đời khác bám biển sản xuất, vợ chồng chị Loan sắm được tàu công suất lớn. Ngặt nỗi “cố” mãi mà vẫn chưa có con trai để sau này kế nghiệp cha, ông. Nghe theo vận động, vợ chồng chị Loan đã từ bỏ sự cố chấp, vui vẻ yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế. Tương tự, vợ chồng ngư dân Trần Do, Phan Văn Hành, Phan Đức Thọ…, ở (thôn 1) sinh con “một bề”, sau quá trình được “thủ thỉ mưa dầm thấm đất”, cũng từ bỏ ý định cố thêm cho được con trai.

Khi nói rằng, trên địa bàn thêm một cặp vợ chồng thay đổi nhận thức, chấp hành chủ trương, chính sách, thực hiện mô hình không sinh con thứ 3, là thêm một niềm vui, hạnh phúc. Không chỉ đối với những cán bộ làm công tác dân số, mà là niềm vui của cả cộng đồng.

Ông Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng Dân số, Trung tâm Y tế huyện Phú Vang đánh giá cao những nỗ lực và đóng góp của anh Phan Đức Toại trong thực hiện công tác dân số & kế hoạch hóa gia đình. Nhiều năm liền được Sở Y tế, UBND huyện Phú Vang tặng giấy khen, nhưng “phần thưởng” quý giá nhất đối với anh Toại chính là việc một phụ nữ ở Vinh Thanh (làm nghề mua bán ve chai) nghe theo vận động, thực hiện mô hình không sinh con thứ 3. Đồng thời, khi lên huyện miền núi Nam Đông mua ve chai dạo, thấy nhiều gia đình đông con nheo nhóc, kinh tế khó khăn, chị đã “nối dài” vận động, tỉ tê về sự được, mất…, vận động những trường hợp này không tiếp tục sinh con.

Bài, ảnh: Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển kinh tế tập thể: Hướng đi hiệu quả

Việc liên kết sản xuất, đổi mới mẫu mã, phương thức bán hàng đã giúp các mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX) phát huy tối đa lợi thế, thúc đẩy sự phát triển, nhất là các sản phẩm công nghiệp nông thôn...

Phát triển kinh tế tập thể Hướng đi hiệu quả
Cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án cải thiện môi trường nước TP. Huế

Để đảm bảo Dự án (DA) Cải thiện môi trường nước TP. Huế được thực hiện đầy đủ các hạng mục theo quy mô đầu tư được duyệt, hoàn thành tất cả mục tiêu đề ra, nâng cao hiệu quả của việc sử dụng nguồn vốn vay, UBND tỉnh đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư DA với thời gian thực hiện đến ngày 31/12/2025.

Cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án cải thiện môi trường nước TP Huế
Hiệu quả từ cảnh báo, phòng chống thiên tai qua ứng dụng Hue-S

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin, cảnh báo thiên tai đến người dân bằng nhiều biện pháp, hình thức khác nhau. Trong đó, ứng dụng Hue-S của Trung tâm Giám sát và Điều hành đô thị thông minh (IOC) và các nền tảng mạng xã hội đã phát huy hiệu quả, giúp người dân chủ động nắm bắt thông tin và ứng phó kịp thời.

Hiệu quả từ cảnh báo, phòng chống thiên tai qua ứng dụng Hue-S
Return to top