ClockThứ Bảy, 25/09/2021 12:42

Điều trị tốt F0 ở tầng 1 và 2 trong mọi khả năng

TTH - Điều trị các ca F0 ở tầng 1 và tầng 2 tốt nhất trong mọi khả năng để giảm áp lực cho tuyến trên, là nhiệm vụ được ngành y tế Thừa Thiên Huế xác định trong tình hình dịch COVID-19 phức tạp hiện nay.

Ghi nhận thêm 4 ca COVID-19Bác sĩ Huế điều trị bệnh nhân COVID-19 ở Sài Gòn

Tặng quà trung thu cho F0 nhi. Ảnh: TRỌNG NGOÃN

Từ đầu đợt dịch bùng phát lần thứ tư đến nay, tất cả các trường hợp F0 trên địa bàn đều được Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh kiểm soát ngay từ khi phát hiện. Cập nhật số liệu đến ngày 19/9, Thừa Thiên Huế có 791 ca COVID-19; trong số này, ngoài 3 trường hợp tử vong, hiện chỉ còn 131 ca bệnh đang điều trị. Phần lớn các ca bệnh được điều trị khỏi tại các bệnh viện dã chiến của tỉnh.

Hiện nay, Bộ Y tế đang chia hệ thống điều trị thành 3 tầng và phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 để chủ động phân bổ lực lượng và ứng phó kịp thời với tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khiến số lượng ca bệnh tăng nhanh. Theo đó, tầng 1 là các cơ sở thu dung điều trị ban đầu. Tầng 2 nơi thu dung điều trị cho các trường hợp bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ như mắc các bệnh lý nền, người cao tuổi, phụ nữ mang thai. Tầng 3 là tầng điều trị cho các diễn biến nặng cần các chăm sóc, can thiệp, điều trị chuyên sâu hơn. Với mỗi tầng sẽ bố trí nguồn lực phù hợp để nâng cao hiệu quả điều trị.

Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay, có 5 cơ sở y tế đã chính thức thu dung và điều trị F0. Trong đó, có 36 trường hợp bệnh nặng được chuyển cách ly, điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2; số còn lại được điều tiết về các cơ sở, gồm 3 bệnh viện dã chiến Hương Sơ, Chân Mây, Bình Điền và Cơ sở điều trị F0 không triệu chứng đóng tại Trường cao đẳng nghề số 23, Bộ Quốc phòng. Các cơ sở y tế này có sự phân tầng điều trị COVID-19 cụ thể. Các bệnh viện dã chiến và cơ sở điều trị F0 không triệu chứng do ngành y tế địa phương tổ chức và điều phối nguồn nhân lực để đảm nhận việc điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng, có triệu chứng từ nhẹ cho đến trung bình. Còn khi bệnh nhân có biểu hiện nặng và nguy kịch thì chuyển tuyến Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 – tuyến cao nhất trong điều trị COVID-19.

Tại Bệnh viện dã chiến Chân Mây, tuy có thời gian bệnh viện nằm trong khu vực bị phong tỏa để đảm bảo phòng dịch COVID-19, nhưng đội ngũ y, bác sĩ đồng lòng vượt qua những lúng túng ban đầu để làm tốt nhiệm vụ được giao. Bệnh viện có quy mô 200 giường, nhưng có lúc cao điểm bệnh viện được điều phối đến 219 ca F0. Theo BS. CKI Ngô Văn Dũng (Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Phú Lộc, phụ trách công tác điều trị tại Bệnh viện dã chiến Chân Mây), bệnh viện luôn bám sát phác đồ điều trị của Bộ Y tế, được Sở Y tế chỉ đạo trực tiếp, theo dõi sát nên chuyên môn không phải là vấn đề đáng lo ngại. Nhưng thỉnh thoảng có đôi chút “chạnh lòng” những khi phải làm công tác tâm lý cho bệnh nhân. Trở thành F0 là điều không ai muốn và ai cũng lo lắng. Chính tâm lý lo lắng ấy phần nào tác động không tốt đến quá trình điều trị cho bệnh nhân. Một số người rất hoang mang, chỉ cần ho sốt nhẹ đã yêu cầu chuyển ra Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2. Mỗi lúc như vậy, việc giải thích cho bệnh nhân không dễ chút nào.

Đến thời điểm hiện nay, ngành y tế Thừa Thiên Huế đang đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đối với phần lớn trường hợp F0 được ghi nhận trên địa bàn. Tại các cơ sở điều trị F0 và các bệnh viện dã chiến do tỉnh tổ chức, Sở Y tế thành lập tổ điều trị, thường xuyên bám sát tình hình các ca bệnh F0 ở các bệnh viện để kịp thời xử lý nếu có vấn đề phát sinh với bệnh nhân. “Chúng tôi luôn cố gắng làm sao để chủ động làm sớm việc phân tầng, phân loại nguy cơ để điều phối F0 về cơ sở điều trị phù hợp ở các tầng điều trị một cách chính xác nhất, giảm tải cho các tầng cao hơn, đồng thời giảm hẳn nguy cơ tử vong. Chúng tôi đang cố gắng làm tốt nhất tầng 1 và tầng 2 trong mọi khả năng có thể và ngành y tế của tỉnh cũng đang đáp ứng được các yêu cầu đó”, PGS.TS. Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế nói.

ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao đổi kinh nghiệm quản lý trang thiết bị y tế

Đó là nội dung hội thảo do Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp với Tổ chức NCGM (National Center for Global (Health and Medicine) - Trung tâm Hợp tác Y tế và sức khỏe toàn cầu Nhật Bản tổ chức ngày 3/7.

Trao đổi kinh nghiệm quản lý trang thiết bị y tế
​Hai cuộc đời mới hồi sinh nhờ nghĩa cử cao đẹp

​Hai thanh niên bị suy thận mạn giai đoạn cuối ở Huế và Quảng Trị được “nối dài” sự sống từ tấm lòng của gia đình bệnh nhân chết não tại Phú Thọ. Hành trình vượt gần 800 km đưa tạng hiến về ghép thành công có sự chung tay của nhiều đơn vị, ban ngành.

​Hai cuộc đời mới hồi sinh nhờ nghĩa cử cao đẹp
Sốt xuất huyết diễn biến phức tạp

Ngày 29/6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh cho hay, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có hơn 500 ca sốt xuất huyết, trong đó 1 ca tử vong. Sốt xuất huyết (SXH) đã có ở các huyện, thị, thành phố, trong đó TP. Huế gần 340 ca bệnh, Quảng Điền hơn 50 ca, Hương Thủy gần 50 ca…

Sốt xuất huyết diễn biến phức tạp
Xây dựng hình ảnh người điều dưỡng chuyên nghiệp, tận tâm, hội nhập

Ngày 27/6, Đại hội Đại biểu Hội Điều dưỡng (HĐD) tỉnh khóa III, nhiệm kỳ 2024 - 2029 diễn ra tại Bệnh viện Trung ương Huế. Tham dự có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ; ông Phạm Đức Mục, Chủ tịch Hiệp Hội Điều dưỡng Việt Nam cùng 283 đại biểu chính thức được triệu tập.

Xây dựng hình ảnh người điều dưỡng chuyên nghiệp, tận tâm, hội nhập

TIN MỚI

Return to top