ClockThứ Bảy, 24/02/2024 10:58

Đọng lại là niềm vui và tình thương

TTH - Đó là trải lòng của nữ bác sĩ đa khoa (BSĐK) Nguyễn Thị Nga, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hương Xuân, Nam Đông sau hơn 30 năm khoác trên mình chiếc áo blouse trắng.

Giữ nghề đan chiếu ÂmberTình thân ở HTX Tình thươngNgày xuân hiến máu, trao tình yêu thương

 Bác sĩ Nguyễn Thị Nga kiểm tra sức khỏe cho người bệnh

Dành cả tấm lòng chăm lo bệnh nhân

Nghe tiếng gọi, ông Đặng Hường (SN 1945) ở xã Hương Xuân, Nam Đông vội ra cửa đón bác sĩ (BS) Nguyễn Thị Nga. Ông Hường là một trong những người bị huyết áp cao phải uống thuốc thường xuyên. Con cái đi làm ăn xa, nhà chỉ có hai ông bà cùng đứa cháu đang đi học nên mỗi khi sức khỏe có vấn đề, ông thường cậy nhờ cán bộ trạm y tế xã. “Tui uống thuốc hạ huyết áp đều đặn mỗi ngày, rứa mà sáng ni đi thăm bà con có việc về đứng dậy thấy choáng váng. Không biết do chế độ ăn uống hay hôm nay trời chuyển nắng to. Có số điện thoại o Nga trong máy, khi mô cần kíp tui a lô liền”.

Sau khi chuyện trò, hỏi chế độ ăn uống, sinh hoạt của ông Hường, BS Nga dặn dò giảm muối trong bữa ăn và cách luyện tập thể dục hợp lý để chăm sóc sức khỏe. Ông Hường là một trong nhiều người thuộc danh sách quản lý bệnh không lây nhiễm được Trạm Y tế Hương Xuân quản lý điều trị. Hiển nhiên, chị Nga nhớ rõ triệu chứng, bệnh nền, tên từng người; khi nhắc đến tên một người bệnh nào đó, chị có thể liệt kê và định hình ra ngay căn bệnh của họ. Xã Hương Xuân có 1.070 hộ dân với khoảng 4.200 dân số sau sáp nhập, lượng người đông tương đương với thị trấn Khe Tre. Vì vậy, công việc của cán bộ ở trạm y tế khá vất vả.

Ngược dòng thời gian, vốn yêu thích công việc chăm sóc sức khỏe, cô gái gốc làng Mỹ Lợi (Phú Lộc) theo học nghề y và về công tác gần nhà. Năm 1997, tiếp tục học lên đại học. 5 năm sau, BS Nga được phân công làm việc tại Trạm Y tế Hương Xuân cho đến nay.

Ngày trước, công tác y tế lắm bộn bề gian khó. Nhân viên trạm thường xuyên xách phích đựng vắc-xin đến tận nơi tiêm phòng. Mỗi khi có ca bệnh phải vượt suối đi bộ trên dưới 10 cây số bất kể nắng mưa. Vất vả nhất là đi đỡ đẻ cho các gia đình. Có trường hợp chờ sinh hơn một tiếng, sau phát hiện nhau cài răng lược phải chuyển về Huế can thiệp. Một ca khác gọi báo BS Nga lúc 2 giờ sáng, dù không phải phiên trực nhưng người thân tìm đến nơi cậy nhờ. Chị chăm cho sản phụ sinh nở mẹ tròn con vuông. 3 ngày sau khi xuất viện, ghé nhà thăm khám, chị phát hiện hoàn cảnh gia đình này rất khó khăn, phải ở nhà tạm, nằm giường tre. Ngoài mua thức ăn cho bà mẹ có sữa nuôi con, chị còn đề xuất lên chính quyền địa phương và cơ quan chức năng tạo điều kiện cấp đất, làm hộ khẩu cho gia đình này. Đến nay, vợ chồng chị Trần Thị Liễu - Trần Phước Nhã người trong câu chuyện đã có nơi an cư ổn định, cháu bé đã học cao đẳng.

BS Nguyễn Thị Nga quan niệm, với nghề y, y đức phải đặt lên hàng đầu; trong mọi tình huống, người thầy thuốc đều cân nhắc, lựa chọn phương án có lợi cho người dân. Làm việc tâm huyết, cẩn thận, xem bệnh nhân cũng như người thân của mình; phương châm này khiến chị luôn hết lòng chăm lo cho người bệnh. Khi con còn nhỏ phải mang theo đi trực, nhận cuộc gọi báo có người tai nạn, chị qua nhờ hàng xóm trông con rồi lập tức đến hiện trường sơ cứu, chuyển bệnh lên tuyến trên. Dành cả tấm lòng chăm lo cho người ốm đau, chị không bao giờ tắt điện thoại về đêm bởi lo ngại các cuộc gọi báo cấp cứu hay cần tư vấn. “Gia đình mình đã quen với cuộc gọi đêm khuya hay gần sáng. Có đêm, mình phải hướng dẫn xử trí khẩn cấp một ca uống thuốc rầy tự vẫn trước khi đưa đến bệnh viện. Cũng may là nạn nhân được cứu kịp thời”, BS Nga kể.

Nhiệt tình, trách nhiệm, gương mẫu

Đời nghề biết bao hồi ức, song, thời điểm chống dịch COVID-19 để lại cho nữ BS vùng cao nhiều kỷ niệm không quên. Đó là thời gian đầu khi bùng phát dịch, vật tư phương tiện còn thiếu thốn. Người dân tự làm lán trại cách ly, phải vào chăm sóc, theo dõi F1, F0 tận vườn, tận rẫy. 24h đêm, gia đình một nông dân gọi báo phải lui tới hai lần theo dõi diễn biến sức khỏe của người bị F1... Vô vàn tình huống khiến người làm ngành y như BS Nga phải tận tâm, linh hoạt tiếp nhận - xử lý thông tin để người dân yên tâm.

 

Mùa dịch, vừa quản lý ca bệnh, giám sát cộng đồng, nhập phần mềm lên hệ thống, chị cùng nhân viên thường về nhà lúc 1, 2 giờ sáng. Đến 10/3/2022, 5/6 cán bộ Trạm Y tế Hương Xuân dương tính với COVID-19, trung tâm y tế huyện phải điều động nhân lực hỗ trợ. Kể về tháng ngày áp lực này, chị đã rơi nước mắt xúc động với những thời khắc gian khổ đã qua. Thế nhưng chị bảo rằng, sau những vất vả, áp lực ấy đọng lại vẫn niềm vui và tình yêu thương.

Nhắc đến nữ Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hương Xuân, người dân đều nhớ đến vị thầy thuốc luôn quan tâm, hỏi han, chăm sóc chu đáo người bệnh. BS Nga chia sẻ: “Được cống hiến và cho đi là hạnh phúc. Thứ mình cho đi sẽ không không bao giờ mất”. Đáp lại tấm lòng của chị, người dân luôn phối hợp, hỗ trợ tích cực trong công tác phòng, chống dịch. Nhận thức của bà con được nâng cao, mọi người biết chăm lo cho sức khỏe, điển hình là năm ngoái thiếu vắc-xin tiêm chủng mở rộng, qua truyền thông, các hộ dân đều bổ sung mũi tiêm dịch vụ, nhờ đó tỷ lệ tiêm chủng của trạm đạt trên 80%.

Trước xu thế chuyển đổi số, nữ trạm trưởng nỗ lực cập nhật công nghệ phần mềm phục vụ cho công việc. Chị còn tự học, bổ sung kiến thức cần thiết nhằm tìm giải pháp điều trị tốt nhất cho người dân. Ở cương vị lãnh đạo trạm y tế, chị có sự phân công rõ ràng, phù hợp với chuyên môn của từng người nhằm thực hiện hiệu quả chương trình vệ sinh phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, y tế trường học, chăm sóc sức khỏe trẻ em, chăm sóc sức khỏe sinh sản, cung cấp nước sạch và các chương trình y tế Quốc gia khác... Nhờ sự gương mẫu trong công việc và xây dựng tinh thần đoàn kết, Trạm Y tế Hương Xuân giữ vững tiêu chí Quốc gia về y tế đạt: 93,5/99 điểm giai đoạn đến năm 2030. Đây là một thành quả đáng tự hào trong 10 trạm y tế xã ở Nam Đông.

BSCKI. Võ Phi Long, Giám đốc Trung tâm Y tế Nam Đông nhận xét: “Có thâm niên công tác trong ngành, BS Nguyễn Thị Nga là trưởng trạm mẫu mực, nhiệt tình trong các công tác, được đồng nghiệp và người dân tin yêu. Tuy là cán bộ nữ nhưng chị xông xáo trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân, năng nổ trong phòng, chống dịch, vận động dân số kế hoạch hóa gia đình tốt”…

Hơn 30 năm khoác áo blouse trắng, thành tích của chị dày lên với nhiều giấy khen, bằng khen trong công tác chuyên môn. Chị tâm sự từng nghe một em nhỏ viết bài văn tả BS Nga từ hành trình đỡ đẻ, chăm sóc em những ngày đầu đời qua lời kể của mẹ khiến chị thấy hạnh phúc và thêm trân quý con đường mình đang đi.

“Gia tài nghề có cả nước mắt lẫn nụ cười. Nếu được chọn lại, mình vẫn theo nghề y vì đây là một nghề thiêng liêng cao cả”, nữ BS kết thúc câu chuyện với tôi bằng giọng nói và ánh mắt đầy tự tin.

Bài, ảnh: T. NINH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Niềm vui trong những ngôi nhà nghĩa tình

Nhiều ngôi nhà khang trang, bền đẹp, giúp các gia đình khó khăn sớm ổn định cuộc sống là cách làm thiết thực, hiệu quả của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh.

Niềm vui trong những ngôi nhà nghĩa tình
Niềm vui trọn vẹn

Sau mấy năm bị ảnh hưởng do dịch bệnh và thiên tai, bão lũ, dịp 20/11 năm nay, các thầy, cô giáo đón kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam trong niềm vui trọn vẹn với nhiều hoạt động sôi nổi, ý nghĩa.

Niềm vui trọn vẹn
Niềm vui trong "Nhà đồng đội"

Cùng với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện thì chính sách hậu phương quân đội luôn được Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Nam Đông quan tâm.

Niềm vui trong Nhà đồng đội
Lao động là niềm vui

Vượt qua những trở ngại do thương tật, ông Nguyễn Văn Bình (xã Dương Hòa, TX. Hương Thủy) vẫn nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế ổn định và đóng góp tích cực cho phong trào người khuyết tật (NKT) tại địa phương.

Lao động là niềm vui
Niềm vui từ ngôi trường vượt khó

Năm học mới 2024 - 2025, Trường mầm non Xuân Lộc (huyện Phú Lộc) lại đón nhận nhiều tin vui khi được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.

Niềm vui từ ngôi trường vượt khó

TIN MỚI

Return to top