ClockChủ Nhật, 03/02/2019 07:19

Giáo sư Michael Patrick Dunne và “duyên nợ” với Huế

TTH - Suốt 13 năm qua, năm nào giáo sư (GS) Michael Patrick Dunne - Đại học (ĐH) Công nghệ Queensland (QUT), Giáo sư Danh dự ĐH Huế, đồng Giám đốc Viện Nghiên cứu Sức khoẻ cộng đồng của Trường ĐH Y dược Huế - cũng đi đi về về giữa nước Úc xa xôi và TP.Huế đến bốn bận để tổ chức và làm rất nhiều công việc ý nghĩa cho Trường ĐH Y dược .

Nhiều báo cáo tại hội nghị khoa học sau đại học Trường ĐH Y dược HuếHội Hình thái học Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động tại Trường ĐH Y dược

“Đã làm việc ở nhiều quốc gia nhưng Huế là nơi tôi luôn muốn trở về”, câu nói của GS.Dunne và vẻ mặt hiền lành, dễ mến của ông đã cuốn hút tôi ngay khi cuộc trò chuyện mới bắt đầu.

Lễ công bố Quyết định thành lập Viện nghiên cứu sức khỏe cộng đồng (trong ảnh Giáo sư Michael Patrick Dunne đứng thứ hai từ phải sang)

Duyên nợ

“Trong một lần đến thăm Trường ĐH Y dược Huế cách đây 15 năm về trước, tôi nhận thấy cơ sở vật chất ở đây còn thiếu thốn và rất cần nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ. Vì vậy, tôi đã quyết định tham gia dự án về nâng cao năng lực của cán bộ và cơ sở vật chất cho ĐH Y dược Huế”, GS.Dunne nhớ lại. Cũng từ thời điểm đó, GS.Dunne và một số đồng nghiệp QUT đến Huế phát triển kế hoạch mang tính chiến lược cho sự phát triển của Khoa Y tế công cộng (YTCC) - Trường ĐH Y dược Huế, đây chính là cơ sở cho Dự án Nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân YTCC với sự tài trợ của Tổ chức Atlantic Philanthropies (AP) của Mỹ được triển khai từ năm 2007 đến 2011 sau đó.

Trong 7 năm đầu, GS.Dunne chủ yếu hỗ trợ biên soạn và chỉnh sửa giáo trình giảng dạy cho các đối tượng cử nhân YTCC và bác sĩ Y học dự phòng, giáo trình giảng dạy sau ĐH về YTCC để chương trình học đạt tiêu chuẩn thế giới. Ông cũng cùng với Khoa YTCC xây dựng đề cương xin tổ chức AP hỗ trợ kinh phí xây dựng tòa nhà khoa YTCC với đầy đủ trang thiết bị khang trang, hiện đại. Kết quả là tổ chức này đã đồng ý hỗ trợ 2,5 triệu USD xây dựng công trình tại Trường ĐH Y dược Huế. Công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2012.

Đến nay, GS.Dunne hướng dẫn thành công 3 cán bộ giảng dạy ở Khoa YTCC, Trường ĐHY dược Huế làm nghiên cứu sinh ở QUT và 9 tiến sĩ cả quốc tế và Việt Nam đã hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh ở Khoa YTCC - Trường ĐHY dược Huế. Từ năm 2007, GS.Dunne đã sắp xếp việc nghiên cứu hàng năm cho nghiên cứu sinh YTCC Úc tại Trường ĐH Y dược Huế. Ông cũng hướng dẫn cho 24 nghiên cứu sinh Việt Nam sang học thạc sĩ tại ĐH QUT. Nhờ vai trò “cầu nối” giữa hai trường ĐHcủa GS.Dunne, nhiều sinh viên của ĐH QUT đến thực tập tại Trường ĐH Y dược Huế…

Không chỉ quan tâm đến việc cải thiện nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ và chương trình đào tạo YTCC ở Trường ĐH Y dược Huế, điều GS.Dunne quan tâm nhiều nhất là những nghiên cứu mang tầm cỡ quốc tế và đạt chuẩn quốc tế mà Viện Nghiên cứu sức khỏe cộng đồng - Trường ĐHY dược Huế do ông làm đồng Giám đốc chính là nơi hiện thực hóa điều này. “Ban giám hiệu Trường ĐH Y dược Huế rất muốn phát triển trường đạt chuẩn quốc tế và được công nhận trên thế giới. Một trong những đóng góp quan trọng để đạt tiêu chuẩn này là các nghiên cứu đạt tầm quốc tế và sự công nhận của các trường ĐH quốc tế”, GS.Dunne cho biết.

Để giúp Trường ĐH Y dược Huế có thêm những nghiên cứu mang tầm quốc tế, Viện Nghiên cứu sức khỏe cộng đồng do ông đảm trách đã triển khai nhiều dự án nghiên cứu về sức khỏe cộng đồng. Bằng chứng từ các kết quả nghiên cứu được đưa vào giảng dạy sinh viên YTCC và y khoa cũng như tập huấn nâng cao nhận thức của cộng đồng, giúp cộng đồng có sự hiểu biết đúng đắn về các vấn đề sức khỏe. “Các nghiên cứu của chúng tôi thực hiện không chỉ để công bố trên bình diện quốc tế mà mục đích thiết thực hơn là đem lại lợi ích cho cộng đồng”, GS.Dunne nói.

Giáo sư Michael Patrick Dunne (đeo kính) trao đổi với các sinh viên Úc và Việt Nam

“Trường ĐH dẫn đầu”

“Trường ĐH Y dược Huế hiện nay là trường ĐH có vai trò dẫn đầu (leading) chứ không phải đi theo (following) các trường ĐH khác trong cả nước nữa. Cách đây 20 năm, Trường ĐH Y dược Huế phải đi theo vì có ít nguồn lực nhưng hiện nay, trường đã có vị thế mới hoàn toàn khác - đó là trở thành là ĐH dẫn đầu ở miền Trung và chúng tôi mong muốn đây sẽ là trường ĐH dẫn đầu Việt Nam”, GS.Dunne hào hứng.

Theo đánh giá của GS.Dunne, Trường ĐH Y dược Huế không những là một ĐH có danh tiếng trong giảng dạy y khoa mà còn nổi tiếng trong cả nước và khu vực, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á. Hiện, mạng lưới YTCC khu vực Đông Nam Á đã xem Khoa YTCC - Trường ĐH Y dược Huế là một trong những thành phần rất quan trọng. Đến nay, hơn 100 sinh viên của ĐH Công nghệ Queensland đến đây học hỏi kinh nghiệm về YTCC, điều dưỡng và lĩnh vực dinh dưỡng. Các nghiên cứu sinh nước ngoài cũng nhận thấy Viện Nghiên cứu sức khỏe cộng đồng - Trường ĐH Y dược Huế là một nơi lý tưởng để thực hiện các nghiên cứu có chất lượng và được công bố trên bình diện quốc tế.

Không những vậy, ĐH Cambridge của Anh, một trong 5 trường ĐH nổi tiếng nhất của thế giới, mới đây đã tìm đến viện và Trường ĐH Y dược Huế để đặt vấn đề mời hợp tác vào Dự án nghiên cứu lớn “Bằng chứng cho cuộc sống tốt đẹp hơn” với sự tham gia của 8 quốc gia trên thế giới. Và trong 2 năm vừa qua, ĐH Harvard của Mỹ đã cử GS sang đây đào tạo cho cán bộ Khoa YTCC - Trường ĐH Y dược Huế.

“Các nhà khoa học và chuyên gia từ Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Úc, Đức,… bây giờ đã biết đến Khoa YTCC - Trường ĐH Y dược Huế. Thông qua website của Viện Nghiên cứu sức khỏe cộng đồng và các bài báo khoa học, họ đã tìm đến viện để đặt vấn đề cùng nghiên cứu và hợp tác. Trước đây ĐH Y dược Huế phải tìm đến họ, giờ thì họ tự tìm đến đây. Đó là thành tựu lớn nhất. Tôi tin rằng Trường ĐH Y dược Huế với tư tưởng rất cởi mở và tiến mạnh về phía trước sẽ kết nối được với toàn thế giới”, GS.Dunne nói.

“Giáo sư Michael Patrick Dunne có đóng góp quan trọng và ý nghĩa to lớn trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu tại Huế, góp phần phát triển nguồn nhân lực cho nhà trường trong xu hướng hội nhập quốc tế hiện nay. Ông cũng có đóng góp rất lớn trong việc quốc tế hóa Khoa YTCC nói riêng và Trường ĐH Y dược Huế nói chung”

GS.Cao Ngọc Thành, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Y dược Huế, Giám đốc Bệnh viện Trường ĐH Y dược Huế

“Huế là nơi tôi muốn trở về”

“Ở nhiều nơi trên thế giới, con người đang trở nên tách biệt và không thân thiện với nhau nhưng ở Huế, mọi người rất gần gũi với nhau, họ gần gũi với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp thậm chí là với những người hàng xóm. Một điều đặc biệt nữa là Huế có sự ổn định và gắn kết xã hội. Đó là lý do tôi thích Huế và Việt Nam. Tôi từng làm việc ở nhiều quốc gia nhưng tôi luôn muốn trở về đây làm việc”, GS.Dunne chia sẻ về điều ông cảm thấy ấn tượng nhất ở Huế.

Yêu Huế, hiểu Huế và muốn cống hiến thật nhiều cho mảnh đất này, niềm vui với GS.Dunne cũng thật giản dị, đó là được chứng kiến sự thay đổi và phát triển tích cực của các sinh viên ông từng hướng dẫn. “Một lần tôi tình cờ bắt gặp cảnh tượng chừng 40 học sinh cùng ba mẹ các em cười rất hạnh phúc dưới mái hiên một ngôi chùa khi cơn mưa bất chợt đổ xuống ở Cần Thơ. Đó là hình ảnh về một đất nước Việt Nam tươi sáng và tràn đầy lạc quan. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi có cơ hội làm việc với Trường ĐH Y dược Huế để có thể cùng các đồng nghiệp ở đây nhìn về phía trước. Và tôi cảm thấy mình là một phần của trường ĐH này” .

Bài, ảnh: Ngọc Hà

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế

Hội thảo khoa học "Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế" do Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) tổ chức chiều 22/11 tại TP. Huế. Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương Nguyễn Khoa Điềm; Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân, cùng đại diện lãnh đạo các sở ban ngành, đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu tham dự.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam

Hơn 100 hình ảnh, tài liệu, trong đó có nhiều tài liệu lần đầu tiên đã được giới thiệu, công bố đến công chúng tại triển lãm chuyên đề “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam”, khai mạc sáng 15/11 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế (7 Lê Lợi, TP. Huế).

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam
“Trước nhà có cây hoàng mai” du hành phương Bắc

Tập tùy bút, ghi chép “Trước nhà có cây hoàng mai: Những ghi chép về Huế - xứ sở phong rêu kiêu sa” (NXB Phụ Nữ Việt Nam) đã được tác giả - nhà báo Minh Tự giới thiệu đến công chúng, những người yêu sách tại Phố sách Hà Nội (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

“Trước nhà có cây hoàng mai” du hành phương Bắc
Return to top