ClockThứ Sáu, 12/07/2024 15:50

Lượng người tiêm vắc xin bạch hầu tăng, ngành y tế đề nghị tăng cường giám sát ca bệnh

TTH.VN - Ba ngày qua, lượng người đến tiêm vắc xin mũi nhắc lại bạch hầu (BH) tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tăng nhiều so với ngày thường. Có gia đình dẫn cả con, cháu đến tiêm vì lo ngại mắc bệnh.​

Tiêm chủng mở rộng năm 2024: Đảm bảo nguồn vắc-xinTiêm chủng thường xuyên và tiêm bù mũi sau thời gian hụt nguồn cung vắc xin Giám sát, hỗ trợ các điểm tiêm chủng mở rộngBảo đảm kinh phí mua sắm vaccine cho Chương trình tiêm chủng mở rộng​Tiếp nhận hơn 6.600 dây chuyền lạnh trong chương trình tiêm chủng mở rộngLo ngại bệnh dại, số ca tiêm phòng tăng cao

 Nhân viên y tế báo tên vắc xin tiêm có thành phần phòng bạch hầu cho cha mẹ trẻ trước khi tiêm

Tư vấn kỹ, chuẩn bị vắc xin

7h30 sáng 12/7, hai chị em Ngô Thu Thu, Ngô Thu Thùy thuê taxi đưa các con từ Phong Bình, Phong Điền vào CDC tiêm chủng mũi nhắc lại 6 trong 1. Đi cùng còn có bà ngoại hỗ trợ, chăm cháu. Chị Ngô Thu Thùy, mẹ bé Hồ Ngọc Bảo Nhi kể: “Trước đó, trạm y tế nơi em ở hết vắc xin 5 trong 1 nên em đã chuẩn bị tinh thần tiêm dịch vụ. Trong nhà cũng có chị gái mới sinh nên hai chị em rủ nhau đi và chia sẻ tiền thuê xe. Mỗi mũi tiêm như thế này hơn 900 ngàn đồng, trong đó có phòng cả bệnh BH. Mấy ngày qua em có nghe về dịch BH nhưng nghe cô y tá giải thích tác dụng của vắc xin trong phòng bệnh nên em yên tâm hơn”.  

Ở trung tâm TP. Huế, anh Bảo Khánh cũng tranh thủ đưa con gái đầu 11 tuổi đến tiêm nhắc lại vắc xin phòng các bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt. Anh Khánh chia sẻ: “Mấy ngày chừ xem ti vi thấy ca bệnh ở Nghệ An, Bắc Giang và diễn biến của căn bệnh này nên vợ chồng tôi khá lo lắng. Đến đây trình bày nhu cầu tiêm nhắc lại cho cháu mũi BH, bác sĩ cũng hỏi kỹ càng. Gia đình tôi nhắc các cháu đeo khẩu trang và hạn chế đến chỗ đông người nhằm đảm bảo sức khỏe và hạn chế lây nhiễm”.

Cùng mối lo, gia đình chị Nguyễn Thị Trinh đưa ba con đi hỏi han việc tiêm mũi nhắc lại BH. Con út của chị 3 tháng tuổi, tiêm mũi 6 trong 1 (có phòng bệnh BH), hai cháu lớn đã được tiêm đầy đủ các mũi phòng bệnh BH tại chương trình tiêm chủng mở rộng nên nhân viên y tế tư vấn chưa cần tiêm nhắc lại. “Em có tìm hiểu qua bệnh BH nên đưa các con đến đây hỏi người am hiểu về chuyên môn. Ở nhà, ba mẹ thường xuyên nhắc nhở các cháu súc miệng bằng nước muối, đeo khẩu trang khi ra ngoài. Hôm nay, em cũng cho các cháu tiêm phòng các loại vắc xin khác nhằm nâng cao khả năng phòng bệnh”, chị Trinh lý giải việc đưa cả nhà đi cùng.

Theo ThS BS Ngô Kim Nhã, Phó Trưởng phòng Phòng khám Đa khoa CDC tỉnh, nhu cầu tiêm mũi nhắc lại BH tăng cao trong ba ngày gần đây. Chỉ riêng ngày 11/7, phòng đã tiêm cho gần 40 lượt người có nhu cầu. Có gia đình đưa cả con, cháu đến tiêm mũi BH nhắc lại. “Chúng tôi đang sử dụng loại vắc xin Tetraxim (Pháp) phòng các bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt cho mũi nhắc lại. Tất cả người dân đến tiêm đều được tư vấn kỹ càng mới chỉ định tiêm phòng. Do lượng người đến tiêm tăng cao so với ngày thường nên đơn vị cũng chuẩn bị vắc xin nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân”, BS Nhã nói.

Phụ huynh đưa trẻ tiêm mũi nhắc lại 6 trong 1 trưa 12/7 

Tăng cường truyền thông và giám sát ca bệnh

Năm 2023, tỷ lệ tiêm chủng vắc xin bạch hầu - ho gà - uốn ván (DPT) trong cả nước chỉ đạt 55,7% (trong khi chỉ tiêu được giao là ≥80%); Cả nước ghi nhận 58 ca mắc BH. Sau khi xuất hiện một số trường hợp mắc, tử vong do bệnh BH tại Nghệ An và Bắc Giang, nhiều phụ huynh có con nhỏ khá lo lắng. Mặc dù chưa ghi nhận trường hợp nghi ngờ, xác định mắc bệnh này trên địa bàn tỉnh, song, lãnh đạo Sở Y tế cho hay đã có công văn đề nghị tăng cường truyền thông và giám sát, phát hiện, xử lý sớm căn bệnh này. Đồng thời xây dựng kế hoạch phòng chống bệnh BH trước khi bệnh bùng phát.

BH là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra. Các dấu hiệu và triệu chứng bắt đầu 2-5 ngày sau khi tiếp xúc và có mức độ nhẹ đến nặng. Triệu chứng thường bắt đầu với biểu hiện đau họng-sốt. Trong trường hợp nặng vi khuẩn tạo ra độc tố, tạo thành giả mạc là mảng dày màu xám trắng phía sau cổ họng. Giả mạc này có thể chặn đường thở gây nên tình trạng khó thở hoặc nuốt khó. Cổ có thể sưng to hay cổ bạnh do hạch bạch huyết phản ứng. Độc cũng có thể xâm nhập vào máu gây ra các biến chứng như viêm và tổn thương cơ tim, viêm dây thần kinh, tổn thương thận và chảy máu do số lượng tiểu cầu trong máu thấp. Bệnh BH có thể dẫn đến vong cao nếu bệnh nhân không được điều trị kịp thời.

TS.BS Nguyễn Hữu Châu Đức, Phó trưởng Khoa Nhi Tiêu hoá – Dinh dưỡng - Bệnh nhiệt đới, BVTW Huế lưu ý: “Khi người bệnh sốt, đau, có giả mạc ở họng nên tiến hành cách ly và điều trị kịp thời. Việc điều trị bệnh này thành công phụ thuộc vào việc trung hòa các độc tố tự do kịp thời; tiêu diệt vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae bằng kháng sinh; phòng ngừa và phát hiện sớm các biến chứng hô hấp, tim mạch… Cần giữ gìn vệ sinh môi trường, rửa tay bằng xà phòng bằng dung dịch sát khuẩn, đeo khẩu trang phòng tránh lây nhiễm”.

Từ năm 1985, Việt Nam đã đưa vắc xin phòng BH vào chương trình Tiêm chủng mở rộng cùng với 5 bệnh khác là lao, ho gà, uốn ván, bại liệt và sởi. Trong các loại vắc xin chứa thành phần BH ở nước ta, ComBeFive, SII, DPT được Chính phủ mua phục vụ tiêm chủng miễn phí cho tất cả trẻ em trong độ tuổi quy định. Theo chuyên gia y tế, lịch tiêm chủng bắt buộc vắc xin phối hợp chứa thành phần BH tổng cộng có 3 liều cơ bản thời điểm 2, 3, 4 tháng; tiêm nhắc lại hàng năm đến 5 tuổi, sau đó 10 năm nên tiêm nhắc lại một lần. Nếu trẻ dưới 10 tuổi không tiêm đủ 5 mũi BH lúc 2,3,4 tháng, 18 tháng và 5 tuổi nên tiêm lại một mũi BH. Người lớn nguy cơ tiếp xúc BH hay trong đợt dịch nên tiêm nhắc lại BH.

Th.S BS Ngô Kim Nhã khẳng định, bệnh BH có vắc xin phòng bệnh và có thuốc đặc trị. Do căn bệnh này chưa được loại trừ ở Việt Nam nên tiêm vắc xin phòng bệnh vẫn là biện pháp phòng ngừa quan trọng, hiệu quả nhất. Người dân không tự ý tiêm chủng vắc xin có thành phần BH, nên thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 10/2024/TT-BYT trong đó bổ sung thêm một liều vắc xin chứa thành phần BH cho trẻ 7 tuổi. Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh BH hiện ở mức thấp, hệ thống y tế có thể kiểm soát được các ca bệnh.

Bài, ảnh: LINH TUỆ
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chiến lược toàn cầu chống lại virus lây truyền qua đường thực phẩm

Kết quả của báo cáo mới được thực hiện dưới sự hợp tác của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác định những thách thức cấp bách nhất thế giới trong việc giải quyết các bệnh do virus lây truyền qua đường thực phẩm.

Chiến lược toàn cầu chống lại virus lây truyền qua đường thực phẩm
Quy định mới về trình tự xử lý "phạt nguội" vi phạm giao thông

Quy định mới về trình tự xử lý "phạt nguội" phương tiện vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được quy định trong Thông tư số 73/2024/TT-BCA, ngày 15/11/2024, quy định công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông (sau đây gọi tắt là Thông tư 73/2024/TT-BCA).

Quy định mới về trình tự xử lý phạt nguội vi phạm giao thông
Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Ngày 26/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an tổ chức hội nghị tập huấn bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

TIN MỚI

Return to top