ClockThứ Ba, 21/11/2023 10:12

Phòng dịch khi lũ rút

TTH - Trong và sau mưa lũ, Sở Y tế tổ chức họp trực tuyến nắm bắt tình hình, đồng thời chú trọng phòng, chống dịch ở Phú Vang, Hương Trà, Quảng Điền, Phong Điền... Tại các cơ sở y tế vùng thấp trũng, việc xử lý môi trường, truyền thông cho người dân được thực hiện ngay khi nước rút…

Số ca sốt xuất huyết giảm, ca bệnh tay chân miệng tăngPhòng dịch sau mưa lũ

Người dân đến khám tại Trạm Y tế Quảng Phước (Quảng Điền) trưa 20/11 

Vệ sinh môi trường, theo dõi diễn biến mặt bệnh

Từ đầu mùa mưa bão, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Phú Vang đã cấp phát Cloramin B cho các trạm y tế. Trong đợt mưa lũ ngày 16/11, các địa bàn ngập nặng như: Phú Lương, Phú Hồ, Phú Mỹ, Phú An… được cấp thêm hóa chất dung dịch phục vụ tiêu độc khử trùng. Ngay sau khi lũ rút, các cơ sở y tế địa phương tổ chức phun hóa chất, xử lý môi trường tại 15 chợ trên địa bàn huyện; đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ, xử lý vệ sinh môi trường tại 52 trường học. Ngành y tế huyện, phối hợp với UBND các xã, thị trấn; các ban ngành, đoàn thể truyền thông, hướng dẫn cho 825 hộ gia đình thực hiện các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh nguồn nước, phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Xã Phú Hồ (Phú Vang) có hơn 5.000 dân, nhiều vùng bị ngập xấp xỉ 1m. Do không có chợ nên Trạm Y tế xã phối hợp với cán bộ y tế trường học tổ chức phun dung dịch khử khuẩn từ ngày 18/11 sau khi thầy, cô dọn lụt xong. Song song với đó, loa truyền thanh xã còn phát các bài tuyên truyền phòng bệnh sau mưa lũ liên tục để người dân không chủ quan. BS Hoàng Trọng Chiến, Trưởng trạm Y tế Phú Hồ cho hay: “Nước rút, người dân đã đến trạm khám bệnh. Tính đến ngày 20/11, ngoài các bệnh thông thường có một số ca bệnh da liễu nhẹ. Vừa khám, trạm vừa lồng ghép nhắc nhở, tư vấn cho người dân giữ vệ sinh cơ thể, quan tâm đến dịch sốt xuất huyết vì đây là mùa cao điểm; ngoài ra còn các bệnh viêm da, đường tiêu hóa, hô hấp phát sinh sau mưa lạnh”.

 Phun thuốc tiêu độc khử trùng tại trường học ở Phú Vang

Tại Trạm Y tế xã Quảng Phước (Quảng Điền), trưa 20/11 vẫn còn người đến khám. Ngoài vệ sinh môi trường các vùng ngập, trạm đang theo dõi chặt chẽ diễn biến các mặt bệnh thông qua số lượng bệnh nhân đến khám. Mệ Lê Thị Lịch, một người dân trong xã đến khám vì ho và huyết áp, cho biết: “Có mấy vùng thấp ngập nhưng bà con chung tay vệ sinh đường sá sạch sẽ rồi. Tui đến khám cũng được bác sĩ dặn dò phòng bệnh, nhất là viêm đường hô hấp, viêm da sau lụt”. Về nâng cao ý thức người dân, BS Phan Dũng, Trưởng trạm Y tế này thông tin: “Y tế thôn đang truyền thông tại hộ gia đình, còn xã phát trên loa truyền thanh. Đến thời điểm này, chúng tôi chưa phát hiện có dấu hiệu bệnh bất thường sau mưa lũ”.

Trong khi đó, tại xã Quảng Vinh (Quảng Điền), các thôn Sơn Tùng, Phổ Lại, Đông Lâm ngập khá nặng. Sau khi phun hóa chất tại 5 trường học và 1 chợ trên địa bàn; trạm cấp Cloramin B viên cho y tế thôn phát về các hộ dân có nhu cầu. Theo BS Trần Công Hữu, Trưởng trạm Y tế xã Quảng Vinh, trên địa bàn cũng từng xuất hiện một số ca bệnh sốt xuất huyết nên trạm nhắc nhở các hộ dân thường xuyên súc, rửa vật dụng đọng nước trong nhà. Qua hệ thống zalo kết nối, trưởng thôn và y tế thôn sẽ nắm và trao đổi về tình hình thực tế tại cơ sở.

Truyền thông, hỗ trợ và giám sát

Từ chiều 17/11, Sở Y tế tổ chức cuộc họp trực tuyến bàn giải pháp khắc phục hậu quả mưa lũ với các đơn vị trực thuộc. Giám đốc Sở Y tế Trần Kiêm Hảo đề nghị các cơ sở y tế triển khai ngay công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, đề phòng dịch bệnh có thể phát sinh sau mưa lũ. Hướng dẫn người dân ăn chín, uống sôi, khử trùng nguồn nước, giữ gìn vệ sinh cơ thể… Sở Y tế cũng đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế TP. Huế cử 3 đội đáp ứng nhanh phòng, chống dịch phun thuốc khử khuẩn, xử lý môi trường tại chợ Đông Ba, khu dân cư đường Trần Huy Liệu sau khi lũ rút.

BSCK1. Nguyễn Minh Hùng, Phó Giám đốc TTYT Phú Vang chia sẻ: “Tuy ý thức của người dân đã được nâng cao về vệ sinh phòng dịch, song trung tâm vẫn cắt cử cán bộ vừa hỗ trợ vừa giám sát ở các địa phương, chú trọng vùng ngập nặng để không bị động và nắm bắt kịp thời khi xuất hiện các ca bệnh đặc thù liên quan đến mưa lũ”.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh cũng thành lập 2 đoàn kiểm tra, về hướng dẫn công tác xử lý vệ sinh môi trường sau mưa lũ tại thị xã Hương Trà, huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Lộc. Qua nắm bắt tình hình và thực tế, đoàn đề nghị Hương Trà lưu ý khu vực có 4 ca sốt xuất huyết chưa qua 14 ngày. Quảng Điền trước lũ ghi nhận 7 ca sốt xuất huyết chưa qua 14 ngày… Đoàn kiểm tra đề nghị các đơn vị tiếp tục triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh tại các khu vực bị ngập lụt sau khi nước rút. Đẩy mạnh công tác truyền thông về tận cơ sở. Tăng cường tổ chức các hoạt động giám sát và phòng, chống dịch bệnh, nhất là các dịch bệnh thường xảy ra khi lũ đi qua.

Lãnh đạo CDC cho biết: “Đơn vị đã tổ chức truyền thông phòng, chống dịch bệnh dưới hình thức các file phát thanh ngắn gọn và tờ rơi gửi về các huyện, xã. Đồng thời lưu ý người dân vệ sinh bể nước, dụng cụ chứa nước; Diệt loăng quăng, bọ gậy, diệt muỗi; Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; Vệ sinh cá nhân hàng ngày, lưu ý rửa chân sạch và lau khô kẽ ngón chân nhằm phòng 5 loại bệnh phát sinh sau mưa lũ (bệnh đường hô hấp, bệnh ngoài da, bệnh đau mắt đỏ, sốt xuất huyết, tiêu chảy cấp).

Bài, ảnh: LINH TUỆ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Không để dịch bệnh mùa bão lũ bùng phát

Ngày 7/11, Sở Y tế cho biết vừa ban hành công văn yêu cầu tăng cường phòng chống dịch trước, trong và sau các đợt mưa lũ đối với các đơn vị trực thuộc và 9 trung tâm y tế (TTYT) huyện, thị, thành phố. Tinh thần chỉ đạo chú trọng việc không để dịch bệnh bùng phát trong cộng đồng.

Không để dịch bệnh mùa bão lũ bùng phát
Chủ động phòng dịch trong mùa tựu trường

Học sinh các trường bắt đầu bước vào năm học mới, cùng với thời tiết diễn biến phức tạp, nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm tăng cao, nhất là các bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, ho gà, bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Vì vậy, nâng cao nhận thức, phối hợp theo dõi, xử lý ca bệnh giữa trường học và y tế cơ sở đóng vai trò rất quan trọng.

Chủ động phòng dịch trong mùa tựu trường
Sốt xuất huyết diễn biến phức tạp

Ngày 29/6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh cho hay, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có hơn 500 ca sốt xuất huyết, trong đó 1 ca tử vong. Sốt xuất huyết (SXH) đã có ở các huyện, thị, thành phố, trong đó TP. Huế gần 340 ca bệnh, Quảng Điền hơn 50 ca, Hương Thủy gần 50 ca…

Sốt xuất huyết diễn biến phức tạp
Phòng dịch bảo vệ đàn gia súc, gia cầm

Ngành nông nghiệp cùng với các địa phương, hộ chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống không để xảy ra dịch bệnh trên đàn vật nuôi gia súc, gia cầm (GSGC) theo tinh thần không chủ quan, lơ là sau lũ.

Phòng dịch bảo vệ đàn gia súc, gia cầm

TIN MỚI

Return to top