Chị T. cần mẫn thu lượm cá nóc
Xem thường
Tàu vừa cập bến, trong khi các ngư dân khác tất bật với việc vận chuyển cá lên bờ bán cho các lái buôn thì chị Trần Thị T. ở thị trấn Thuận An loay hoay thu lượm cá nóc cho vào rổ. Chị T. cần mẩn lột da, mổ xẻ từng con cá nóc, tách bỏ phần nội tạng và rửa sạch trước khi đưa về nhà chế biến món ăn.
Theo chị T., cá nóc vàng thuộc loại “khá hiền”, chỉ cần làm sạch, bỏ hết phần nội tạng hoàn toàn ăn được. Riêng cá nóc xương xanh, nhất là loại cỡ to thì cả phần nội tạng lẫn thịt đều cực độc gây nguy hiểm đến tính mạng khi ăn.
Trên địa bàn tỉnh đã từng xảy ra nhiều vụ ngộ độc, chết người do ăn cá nóc xương xanh, cũng có một số vụ ngộ độc khi ăn cá nóc vàng. Theo chị T., việc ngộ độc khi ăn cá nóc vàng, hay một số loài cá nóc khác là do quá trnội tạng bị vỡ, chất độc từ gan, mật, trứng thấm vào thịt nên khi ăn bị ngộ độc.
Biết rõ cá nóc là loài có chứa độc tố gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng hiện nay nhiều người vẫn xem là món khoái khẩu. Từ cá nóc tươi đến cá nóc phơi khô được người dân vùng ven biển sử dụng, thậm chí bán tại một số chợ.
Ông Huỳnh Văn Thông, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An khẳng định, tuyên truyền, vận động người dân không nên ăn cá nóc là việc làm thường xuyên. Thị trấn luôn cảnh báo những hiểm họa khôn lường khi ăn cá nóc. Tuy nhiên, một bộ phận người dân vẫn thích món cá này nên thường sử dụng.
Cảnh báo, tuyên truyền thường xuyên
Cá nóc được ngư dân Thuận An cho vào sọt đưa đi chế biến
Ông Võ Giang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh thông tin, mùa này cá nóc khá nhiều, từ đánh bắt gần bờ đến xa bờ. Chi cục đang phối hợp với các địa phương ven biển tổ chức tuyên truyền, vận động ngư dân không nên ăn cá nóc.
Theo ghi nhận của các chuyên gia thủy sản, trên vùng biển Việt Nam hiện nay có khoảng 70 loài cá nóc, tập trung nhiều nhất ở vùng biển miền Trung. Trong đó, có khoảng 30 loài cá nóc độc, chỉ cần ăn 10 gam thịt sẽ bị ngộ độc và chỉ cần từ 1-2mg độc tố có thể gây chết người.
Trong số nhiều loại cá nóc độc, loại cá nóc mà người dân thường ăn hiện nay rất dễ nhận dạng. Loài cá này có thân ngắn từ 4-40 cm, vây ngắn, đầu to, mắt lồi, thịt trắng, bụng thường tự to phình. Các bộ phận nội tạng đều là chất độc, kể cả da, trong đó trứng chứa chất độc nhiều nhất. Vì vậy cá nóc cái vào mùa sinh sản (từ tháng 2 đến tháng 7) rất độc.
Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe tỉnh khuyến cáo, người dân không nên ăn cá nóc. Hoặc ngay sau khi ăn cá nóc cảm thấy có các dấu hiệu, triệu chứng như tê lưỡi, tê môi, tê ngón tay thì cần phải tìm cách gây nôn như móc họng, ngoáy họng, cho uống mùn thớt theo kinh nghiệm dân gian. Đồng thời khẩn trương đưa đến các cơ sở y tế gần nhất để được chữa trị kịp thời.
Bài, ảnh: Hoàng Triều