ClockThứ Sáu, 12/08/2016 05:56

Thận trọng với sốt xuất huyết

TTH - Mới đây, Bộ Y tế có công điện khẩn đối với các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên về việc phòng, chống dịch sốt xuất huyết (SXH) có dấu hiệu tăng mạnh. Ở Thừa Thiên Huế, dù không xuất hiện dịch hay nhiều trường hợp mắc bệnh nhưng vẫn thận trọng phòng ngừa.

Cán bộ Trung tâm y tế dự phòng tỉnh kiểm tra chỉ số loăng quăng ở địa bàn huyện Phú Lộc

PGS. TS. Nguyễn Đình Sơn, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết, thông thường dịch SXH xuất hiện vào khoảng tháng 7 năm này kéo dài đến tháng 3 của năm sau thì dứt. Tuy nhiên, thời tiết năm nay diễn biến phức tạp, nắng nóng kèm theo những cơn mưa là điều kiện phát sinh dịch SXH. Hơn nữa, hiện nay các tỉnh, thành ở Nam Bộ và Tây Nguyên đang bùng phát dịch SXH nên ở địa phương luôn chú trọng phòng ngừa.

Hiện nay, các bệnh viện trên địa bàn đã và đang tiếp nhận điều trị nhiều trường hợp bị SXH. Tại huyện Phong Điền, gần đây bệnh SXH có dấu hiệu xuất hiện trở lại ở khu vực đồng bằng, miền núi và vùng biển. Bác sĩ Cao Thuyết, Đội trưởng Y tế dự phòng huyện Phong Điền cho biết, từ đầu tháng 7 đến nay, toàn huyện ghi nhận 27 trường hợp mắc SXH; trong đó, vùng núi Phong Mỹ có 10 trường hợp. Theo bác sĩ Thuyết, nguyên nhân bệnh SXH xuất hiện ở Phong Mỹ là do địa bàn này thường xuyên mưa chiều, người dân chưa quan tâm về công tác vệ sinh môi trường, các chén bát, xô, chậu dùng hứng mủ từ rừng cao su nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho loăng quăng phát triển sinh trưởng thành muỗi truyền bệnh. Khi phát hiện những trường hợp mắc bệnh SXH đầu tiên ở địa bàn, Đội Y tế dự phòng huyện đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể địa phương tuyên truyền, phổ biến những kiến thức phòng chống bệnh SXH lây lan trên diện rộng. Đến thời điểm này, huyện Phong Điền đã tiến hành phun hóa chất, chủ động phòng dịch ở các xã Phong Mỹ, Phong An, Điền Hải, Điền Lộc và thị trấn Phong Điền; đồng thời, đang phun ở xã Phong Xuân, Phong Sơn, Phong Hải. Ngoài ra, đội y tế dự phòng tiến hành kiểm tra giám sát chỉ số loăng quăng ở các địa bàn vừa xuất hiện những ca bệnh để chủ động khoanh vùng thau vét loăng quăng, vệ sinh môi trường khống chế bệnh lan rộng...

Đoàn thanh niên xã Vinh Hưng (Phú Lộc) truyền thông phòng chống SXH 

Từ đầu năm 2016 đến nay, Thừa Thiên Huế có 127 ca mắc bệnh SXH, được thu dung điều trị kịp thời, không để tử vong; bằng 50% so với cùng kỳ năm 2015. Trường hợp xảy ra SXH nằm rải rác ở các địa phương chứ không tập trung ở một địa điểm cụ thể, như TP. Huế có 39 ca, Phong Điền 27 ca, Phú Vang 16 ca...

Ở các huyện Phú Vang, Phú Lộc và thị xã Hương Thủy, Hương Trà... gần đây cũng đã xuất hiện một số trường hợp mắc SXH. Tuy vậy, các đội y tế dự phòng đã phối hợp với trạm y tế, y tế thôn đến tận gia đình để xử lý bệnh. Ngoài biện pháp như phun thuốc diệt muỗi, khử khuẩn ở các khu vực tiềm ẩn nguy cơ, cán bộ y tế cùng người dân tiến hành diệt loăng quăng, bọ gậy và tư vấn cho học sinh, gia đình, cộng đồng biết cách phòng bệnh, hạn chế thấp nhất sự lây lan của bệnh.

Bác sĩ Đặng Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Phú Vang cho hay: “Vừa qua, Phú Vang xuất hiện một số trường hợp mắc SXH nhưng chỉ rải rác ở nhiều địa phương. Tuy vậy, chúng tôi không chủ quan mà đã khống chế ngay khi phát hiện có người bệnh. Hiện, Trung tâm đã phối hợp với các ban ngành đoàn thể ở các xã, thị trấn mở các chiến dịch truyền thông vệ sinh môi trường ở đường làng, ngõ xóm..., có kế hoạch theo dõi, kiểm tra chỉ số loăng quăng ở khu vực tiềm ẩn nguy cơ phát sinh bệnh SXH, tiến hành khoanh vùng, chủ động phun thuốc”.

Trước nguy cơ bùng phát dịch SXH ở nhiều tỉnh thành, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh có công văn yêu cầu các địa phương vào cuộc để giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch. “Chủ yếu là chủ động trong mọi tình huống để kịp thời ứng phó khi dịch bệnh xảy ra. Vấn đề quan trọng là tuyên truyền cho người dân cùng chung tay phòng chống dịch bệnh lây lan, tự biết cách bảo vệ mình. SXH là bệnh lưu hành, khi đã có trường hợp mắc bệnh, cần cẩn trọng để giảm thiểu tối đa sự lây lan và nhiễm bệnh chéo mới khống chế được”- PGS TS Nguyễn Đình Sơn nói.

Bài, ảnh: Khánh Quan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Không để dịch bệnh mùa bão lũ bùng phát

Ngày 7/11, Sở Y tế cho biết vừa ban hành công văn yêu cầu tăng cường phòng chống dịch trước, trong và sau các đợt mưa lũ đối với các đơn vị trực thuộc và 9 trung tâm y tế (TTYT) huyện, thị, thành phố. Tinh thần chỉ đạo chú trọng việc không để dịch bệnh bùng phát trong cộng đồng.

Không để dịch bệnh mùa bão lũ bùng phát
Thận trọng kẻo tiền mất mà đất… không có

Với thủ đoạn nhận tiền đặt cọc, bán các thửa đất không thuộc quyền sử dụng của mình, đặt cọc một số tiền nhỏ để mua lại các thửa đất rồi bán cho người khác, nhiều người đã sập bẫy lừa đảo, để rồi mất tiền tỷ mà đất… không có.

Thận trọng kẻo tiền mất mà đất… không có
Chủ động phòng dịch trong mùa tựu trường

Học sinh các trường bắt đầu bước vào năm học mới, cùng với thời tiết diễn biến phức tạp, nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm tăng cao, nhất là các bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, ho gà, bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Vì vậy, nâng cao nhận thức, phối hợp theo dõi, xử lý ca bệnh giữa trường học và y tế cơ sở đóng vai trò rất quan trọng.

Chủ động phòng dịch trong mùa tựu trường
Thận trọng và chủ động ứng phó bệnh đậu mùa khỉ

Ngày 14/8/2024, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố bùng phát bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được quốc tế quan tâm (PHEIC) nhằm huy động các nguồn lực y tế công cộng toàn cầu và khu vực để giám sát, ứng phó tốt hơn với các mối đe dọa đang đặt ra.

Thận trọng và chủ động ứng phó bệnh đậu mùa khỉ

TIN MỚI

Return to top