ClockThứ Tư, 10/01/2024 09:02

Thử nghiệm gửi và nhận giấy chuyển tuyến bảo hiểm y tế, giấy tái khám điện tử

Từ ngày 1/4/2024, cả nước sẽ triển khai kiểm thử việc gửi và nhận dữ liệu điện tử Giấy chuyển tuyến bảo hiểm y tế (BHYT) và Giấy hẹn khám lại.

Một số thay đổi về chính sách BHXH, BHYT năm 2024 cần lưu ýThuốc bảo hiểm y tế chi trả: Mua trong hay ngoài bệnh viện cũng như nhauKý quy chế phối hợp giữa Bảo hiểm xã hội và Liên đoàn Lao động tỉnhNhiều chính sách mới về lao động, bảo hiểm có hiệu lực Đại biểu Quốc hội kiến nghị nên bãi bỏ giấy chuyển viện khi dùng bảo hiểm y tếNâng cao hiệu quả thanh, kiểm tra liên ngành về chính sách bảo hiểm

Quét hình ảnh thẻ BHYT trên VssID khi đi khám chữa bệnh. 

Đây là một trong những nội dung chính của Quyết định 4750/QĐ-BYT mới đây của Bộ Y tế về sửa đổi, bổ sung Quyết định 130/QĐ-BYT quy định chuẩn và định dạng dữ liệu đầu ra phục vụ việc quản lý, giám định, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh và giải quyết các chế độ liên quan.

Theo lộ trình từ ngày 1/4/2024, cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) và các bệnh viện trong cả nước sẽ bắt đầu triển khai kiểm thử việc gửi và nhận dữ liệu điện tử Giấy chuyển tuyến BHYT và Giấy hẹn khám lại, tiến tới triển khai chính thức trong toàn quốc từ ngày 1/7/2024.

Tại Quyết định này, Bộ Y tế chính thức bổ sung thêm hai bảng dữ liệu mới gồm: Bảng dữ liệu giấy chuyển tuyến BHYT và Bảng dữ liệu giấy hẹn khám lại theo quy định tại Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo kế hoạch trong năm 2024, Bộ Y tế sẽ phối hợp cùng với Cục C06-Bộ Công an, BHXH Việt Nam nghiên cứu, triển khai tích hợp 2 loại giấy tờ này trên các ứng dụng VNeID, VssID.

Đây là một nỗ lực của Bộ Y tế trong chuyển đổi số lĩnh vực BHYT, tiến tới loại bỏ hoàn toàn giấy chuyển tuyến và giấy hẹn khám lại bản giấy. Khi 2 loại giấy tờ này được tích hợp trên ứng dụng VNeID, VssID, người bệnh khi làm thủ tục chuyển tuyến hoặc tái khám chỉ cần xuất trình giấy chuyển tuyến điện tử hoặc giấy hẹn khám lại điện tử trên ứng dụng VNeID hoặc VssID (có tích hợp sẵn mã QR).

Việc triển khai giấy chuyển tuyến BHYT điện tử và giấy hẹn khám lại điện tử cũng rút ngắn thời gian, tạo thuận lợi, tiện ích cho người bệnh, cơ sở khám, chữa bệnh khi tiếp nhận, làm các thủ tục chuyển tuyến/tái khám, hạn chế các hành vi gian lận, giả mạo trong công tác chuyển tuyến; đồng thời, hỗ trợ cơ quan bảo hiểm xã hội trong công tác giám định, thanh toán BHYT.

Trước đó, tại Nghị định số 75/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT do Chính phủ ban hành, có hiệu lực từ 3/12/2023 cũng có quy định liên quan giấy hẹn khám lại, trong đó đã có những giải pháp để giảm thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người bệnh.

Cụ thể, theo quy định cũ, bệnh nhân được hẹn khám lại vào một thời điểm nhất định hoặc đến bất kỳ thời gian nào trước ngày hẹn khám lại nếu có dấu hiệu (triệu chứng) bất thường. Giấy hẹn chỉ có giá trị sử dụng 1 lần trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày được hẹn khám lại. Nếu quá 10 ngày mà không đi khám lại, giấy hẹn sẽ hết hiệu lực, nếu muốn hưởng BHYT đúng tuyến phải xin giấy chuyển tuyến đúng quy định.

Theo quy định mới, nếu người bệnh không thể quay lại trong vòng thời gian 10 ngày của giấy hẹn khám lại, thì có thể liên hệ trước với cơ sở y tế để đề nghị một lịch hẹn khác. Như vậy, bệnh nhân không phải xin giấy lại giấy hẹn và không phải chờ đợi.

Nếu quy định này áp dụng phổ cập, đồng bộ sẽ là bước tiến lớn trong cải cách hành chính và tạo thuận lợi cho người dân khi đi khám bệnh, nhất là với người có thẻ BHYT.

Báo Tin tức
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top