ClockThứ Tư, 31/08/2022 07:28

Tiêm nhắc lại vắc-xin phòng COVID-19: Người dân vẫn chủ quan

TTH - Trong khi ngành y tế, chính quyền các cấp và các ban, ngành, đoàn thể liên tục tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia tiêm các mũi nhắc lại vắc-xin phòng COVID-19, thì tỷ lệ các mũi tiêm được thực hiện của Thừa Thiên Huế chỉ tăng không đáng kể.

Phát động tiêm chủng vắc xin phòng chống dịch COVID-19Người dân đi tiêm các mũi nhắc lại nhiều hơnBộ Y tế tiếp tục nhắc phải tiêm vaccine COVID-19 nhanh hơnGia hạn hiệu lực số đăng ký cho 3.579 thuốc, nguyên liệu thuốcTiêm hơn 10 triệu liều vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi

Khám sàng lọc cho trẻ trước khi tiêm

Tỷ lệ tiêm mũi nhắc lại lần 2 chưa tới 30%

Tình hình dịch COVID-19 hiện nay trên thế giới vẫn phức tạp, khó lường. Ở Việt Nam, riêng trong ngày 23/8, Bộ Y tế ghi nhận 3.195 ca COVID-19 mới, tăng gần 1.000 ca so với ngày trước đó. Phòng, chống COVID-19, Bộ Y tế khuyến cáo vắc-xin vẫn là một trong những “vũ khí chiến lược” hiệu quả, quan trọng để bảo vệ sức khỏe người dân. Cùng với việc tiếp tục tổ chức tốt việc phân luồng, thu dung, cấp cứu, cách ly và điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tiếp tục tăng cường chỉ đạo đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vắc-xin phòng COVID-19, đẩy mạnh việc vận động, khuyến khích người dân tham gia tiêm vắc-xin đầy đủ, đúng lịch.

Tính đến ngày 23/8, Thừa Thiên Huế thực hiện tiêm mũi nhắc lại lần 1 cho nhóm người trên 18 tuổi đạt 58,3%, mũi nhắc lại lần 2 đạt 22,7%. Huyện Phú Lộc và thị xã Hương Trà là 2 địa phương đang có tỷ lệ tiêm mũi nhắc lại lần 2 dưới 15%. Ở nhóm tuổi từ 12 đến dưới 18, toàn tỉnh thực hiện tiêm mũi 3 đạt 41,9% (xếp thứ 43 toàn quốc). Ở nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, toàn tỉnh thực hiện tiêm mũi 1 và mũi 2 lần lượt là 60,7% (xếp thứ 56 toàn quốc) và 37,8% (xếp thứ 48 toàn quốc). TP. Huế, huyện Phú Lộc và huyện Phong Điền là 3 địa phương đang có tỷ lệ tiêm mũi 2 vắc-xin phòng COVID-19 trong nhóm tuổi này dưới 40%. Trước diễn biến khó lường của dịch COVID-19, nhất là việc xuất hiện biến chủng mới của SARS-CoV-2 làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh trở lại, ngành y tế đã bố trí hơn 100 điểm tiêm chủng để đáp ứng nhu cầu của người dân “cần là có”. Cụ thể, TP. Huế có 27 điểm; Hương Trà 6 điểm, Hương Thủy 11 điểm, Phong Điền 3 điểm, Quảng Điền 2 điểm, Phú Vang 14 điểm, Phú Lộc 17 điểm, A Lưới 19 điểm và Nam Đông 10 điểm.

Theo ông Nguyễn Lê Tâm, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, hiện nay phần lớn người dân vẫn rất chủ quan với việc tiêm các mũi nhắc lại vắc-xin phòng COVID-19. Nguyên nhân là nhiều người cảm thấy bản thân đã “đủ an toàn” với 2 mũi cơ bản và đã từng mắc COVID-19. Thêm nữa, tình hình dịch bệnh cũng đang được kiểm soát trên diện rộng, số ca mắc COVID-19 chuyển nặng và tử vong ở mức rất thấp. Một số khác thì lại e ngại mũi tiêm sau phản ứng mạnh hơn khi mũi tiêm trước đã từng có phản ứng, hay tin theo dư luận cho rằng, việc tiêm các mũi nhắc lại sẽ khiến bản thân suy giảm trí nhớ nghiêm trọng hơn.

Hương Trà tiêm mũi nhắc lại cho nhóm đối tượng nguy cơ cao

Nhiều bậc cha mẹ chần chừ

Nhiều bậc cha mẹ có con trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12 vẫn còn e ngại về phản ứng sau tiêm, lo sợ ảnh hưởng lâu dài của vắc-xin đến sức khỏe của trẻ, dễ dàng bỏ qua lợi ích tiêm chủng cho con khi được nhân viên y tế và các phụ huynh khác tư vấn. Cùng với đó, việc hầu hết các trường hợp trẻ mắc COVID-19 ở mức độ nhẹ đã khiến nhiều bậc cha mẹ chủ quan, cho rằng việc tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho trẻ là không cần thiết. Những phụ huynh theo quan điểm này cũng dễ dàng tin rằng, những trường hợp trẻ bị hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C) do mắc COVID-19, gây tổn thương đến tất cả các cơ quan: tim mạch, hệ thống da, cơ, gan, thần kinh, thận… chỉ là “thiểu của thiểu số” nên không quá đáng lo.

Ở một lớp học có 35 học sinh cấp tiểu học của phường Phú Bài (thị xã Hương Thủy), bé Nguyễn H. A là một trong số 7 học sinh chưa được tiêm bất cứ mũi vắc-xin phòng COVID-19 nào. Trong khi phần lớn các bạn cùng lớp có lý do trì hoãn vì vừa mới mắc COVID-19, thì H.A chưa từng nhiễm SARS-CoV-2 lần nào. Em chưa được tiêm phòng chỉ vì ba em khăng khăng cho rằng “COVID-19” có thể phòng và tránh, còn một khi vắc-xin đã tiêm vào người thì tác dụng phụ là lâu dài. Dù không thể chắc chắn những tác dụng phụ ấy là gì, chúng ảnh hưởng như thế nào đến con nhưng người cha ấy vẫn bỏ qua mọi lời thuyết phục, vận động của cô giáo chủ nhiệm và nhân viên trạm y tế.

Theo WHO, có nhiều chứng cứ khoa học cho thấy hiệu quả khi cho trẻ em tiêm vắc-xin, trong đó tác dụng mong đợi nhất là làm giảm tỷ lệ nhập viện. Tiêm vắc-xin không làm gián đoạn chuyện học hành của trẻ mà còn giảm nguy cơ chuyển nặng và giảm tử vong ở trẻ. Nhiều bác sĩ chuyên khoa nhi ở các bệnh viện cũng khuyến cáo, phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm vắc-xin phòng COVID-19 để bảo đảm an toàn, không chủ quan vì dịch vẫn đang có những diễn biến khó lường.

Để đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi và trẻ từ 12 đến 17 tuổi hoàn thành trong tháng 8/2022, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối hợp để triển khai tổ chức tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 liều cơ bản cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi và liều nhắc lại cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi vào ngày tựu trường (dự kiến ngày 29/8/2022) và ngày khai giảng năm học mới (dự kiến ngày 5/9/2022). Đồng thời, tiếp tục tăng cường tuyên truyền lợi ích tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19, vận động phụ huynh học sinh đồng ý cho trẻ tham gia tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19.

Bài, ảnh: THU THỦY

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phòng, chống bạo lực học đường: Nhà trường và gia đình cần theo sát con trẻ

Bạo lực học đường thực sự luôn rình rập, hiện hữu ở bất cứ ngôi trường nào. Ngoài những học sinh cá biệt, có xu hướng bạo lực thì nhiều hành vi bạo lực xuất phát từ sự thiếu hiểu biết của học sinh. Các con chỉ nghĩ đơn giản “dọa cho bạn sợ” chứ không lường được những hậu quả, tổn thương tâm lý mà mình gây ra cho bạn học...

Phòng, chống bạo lực học đường Nhà trường và gia đình cần theo sát con trẻ
Chủ động giúp dân phòng, chống thiên tai

Huyện A Lưới là địa bàn có đồi núi cao, hiểm trở, có nguy cơ sạt lở cao vào mùa mưa lũ. Nhiều hộ dân sinh sống ở vị trí sườn đồi, ven sông, suối và những nơi trũng thấp… Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện A Lưới đã triển khai nhiều biện pháp ứng phó, kịp thời, hiệu quả, bảo đảm an toàn cho người dân.

Chủ động giúp dân phòng, chống thiên tai
Return to top