Bộ Y tê tiếp tục nhắc các địa phương tăng cường triển khai tiêm vaccine COVID-19. Ảnh: Trần Minh
Bộ Y tế vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước đề nghị tăng cường triển khai tiêm vaccine COVID-19.
Theo Bộ Y tế, thời gian gần đây, số ca mắc bệnh COVID-19 có xu hướng tăng trở lại trên cả nước với sự xuất hiện của một số biến thể mới của chúng Omicron như BA.04, BA.05, BA.2.12.1... có khả năng lây lan và khả năng lẩn tránh hệ miễn dịch cao hơn.
Việc tiêm vaccine COVID-19 hiện tại vẫn là biện pháp hiệu quả và có ý nghĩa chiến lược trong phòng, chống dịch bệnh.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của Bộ Y tế vẫn còn có một số địa phương có tiến độ tiêm chủng vaccine cho các nhóm đối tượng còn chậm, vaccine được phân bổ nhưng chưa sử dụng còn nhiều.
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 có những diễn biến mới phức tạp, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 664/CĐ-TTg ngày 25/7/2022 và Công văn số 4707/VPCP-KGVX ngày 27/7/2022, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát đối tượng, lập kế hoạch triển khai và tổ chức tiêm ngay cho các nhóm đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công văn số 3309/BYT-DP ngày 23/6/2022 về hướng dẫn tiêm chủng vaccine COVID 19 và Công văn số 3896/BYT-DP ngày 22/7/2022 về tăng cường triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19.
Quan tâm và chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp, giao chỉ tiêu tiêm chủng cho từng cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm các mũi vaccine COVID-19 an toàn cho các nhóm đối tượng để cơ bản hoàn thành tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi trong tháng 8/2022 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt nhóm trẻ có nguy cơ cao (trẻ béo phì, mắc bệnh nền, suy giảm miễn dịch...), tiêm mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên và mũi 4 cho các đối tượng có chỉ định theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác triển khai tiêm chủng vaccine COVID-19 trên địa bàn; quán triệt, đảm bảo nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong việc đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, sử dụng hiệu quả số vaccine được phân bố.
Bộ nêu rõ các địa phương chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, Chính phủ nếu để xảy ra tình trạng vaccine quá hạn phải hủy bỏ trong khi vẫn còn đối tượng có chỉ định nhưng chưa được tiêm chủng hoặc không nhận vaccine để xảy ra dịch trên địa bàn.
Theo thống kê của Bộ Y tế tổng số liều vaccine COVID-19 đã được tiêm đến ngày 28/7 là 243.823.801 liều, trong đó:
+ Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 211.820.564 liều: Mũi 1 là 71.301.286 liều; Mũi 2 là 68.822.036 liều; Mũi 3 (vaccine Abdala) là 1.513.298 liều; Mũi bổ sung là 14.001.834 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 47.681.050 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 8.501.060 liều.
+ Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 20.372.625 liều: Mũi 1 là 9.038.123 liều; Mũi 2 là 8.686.354 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 2.648.148 liều.
+ Số liều tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi là 11.630.612 liều: Mũi 1 là 7.683.846 liều; Mũi 2 là 3.946.766 liều.
Về phía Bộ Y tế "sốt ruột" với tình hình tiêm vaccine COVID-19 tại nhiều địa phương chưa đạt tiến độ, thời gian qua Bộ Y tế đã nhiều lần có văn bản đề nghị các bộ ngành liên quan và các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm.
Theo suckhoedoisong.vn