Điểm đáng chú ý trong Thông tư 15 vừa được Bộ Y tế ban hành, có hiệu lực từ ngày 15/7 là các cơ sở y tế sẽ phải điều chỉnh tăng định mức số lượt khám/bàn khám tối đa lên 65 lượt/ngày.
Với quy định này, mức tối đa số lượt khám/bàn khám đang tăng lên khá cao so với quy định trước đó, tăng khoảng 38% (trước đây là không quá 45 lượt khám/bàn khám/ngày). Điều này khiến nhiều người không khỏi lo lắng sẽ bị giảm thời gian khám và không được khám kỹ.
Mức tối đa số lượt khám/bàn khám tăng khoảng 38% khiến nhiều người lo lắng. (Ảnh: KT)
Về vấn đề này, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch- Tài chính (Bộ Y tế) cho biết: Thông tư 15 quy định mức cao nhất là 65 người/bàn khám là mức để BHYT chi trả tiền khám. Hiện Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế điều chỉnh cho phù hợp, tuy nhiên một vài cơ sở chưa thể thực hiện ngay việc mở thêm phòng khám, tăng cường bác sĩ, bàn khám; trong khi đó không thể để bệnh nhân ra về nhưng chưa được khám trong ngày.
“Ngoài việc yêu cầu các cơ sở y tế tăng số lượng bàn khám, thì phải tăng lượt khám để đảm bảo mức bình quân được chấp nhận chi trả, thanh toán BHYT. Những đơn vị quá khó khăn trong việc sắp xếp thì có thể điều chỉnh lượt khám cao hơn tại các bàn khám, nhưng không vượt mức tối đa 65 người/bàn”- ông Liên cho biết.
Ông Lê Văn Phúc - Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT - BHXH Việt Nam cho biết, qua khảo sát hiện tượng khám “qua loa” cho người bệnh xảy ra khá phổ biến ở nhiều bệnh viện. “Một bác sĩ khám một ngày từ 80 - 100 người bệnh thì rõ ràng việc hỏi, khám lâm sàng với người bệnh không được kỹ lưỡng. Từ đó dẫn tới chỉ định lâm sàng không được chuẩn xác”, ông Phúc nói.
Trên thực tế, qua quá trình kiểm tra, rất nhiều bệnh viện “tham” số lượt khám bệnh. Tính ra, bệnh nhân chỉ có vài phút để được bác sĩ khám, tư vấn về bệnh. Và khi việc khám lâm sàng trực tiếp không kỹ lưỡng sẽ dẫn đến chỉ định các cận lâm sàng không chuẩn xác.
Cần sắp xếp lịch khám hợp lý
Theo khảo sát của Bộ Y tế, hiện nay, số lượng người đến khám bệnh tại các cơ sở y tế rất đông và không đồng đều. Tại một số bệnh viện, lượng khám chỉ đông và quá tải vào đầu tuần, sau đó cuối tuần thì rất vắng dẫn đến tình trạng số lượt khám/bàn khám/ngày không đồng đều.
Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, hiện Bộ đang tiến hành các giải pháp để khắc phục tình trạng quá tải, sắp xếp lịch khám hợp lý cho từng đối tượng bệnh nhân. Theo đó, với các bệnh nhân mắc bệnh mãn tính, khám định kỳ thì không nhất thiết phải đến khám vào buổi sáng, có thể đến buổi chiều để tránh tình trạng quá tải.
Nếu thời gian khám bệnh ít, chất lượng khám bệnh cũng sẽ bị ảnh hưởng.
“Nếu thời gian khám bệnh ít, chất lượng khám bệnh cũng sẽ bị ảnh hưởng. Bộ Y tế đã yêu cầu các bệnh viện ngoài việc tăng bàn khám, tăng bác sĩ… Phải bố trí hợp lý bác sĩ điều trị nội trú, thăm khám buồng bệnh vào buổi chiều để tập trung giải quyết cho bệnh nhân khám ngoại trú trước, tránh để người bệnh chờ lâu, không bị rút ngắn thời gian khám bệnh cho bệnh nhân”- ông Nguyễn Trọng Khoa cho biết.
Để thuận tiện sắp xếp lịch đến bệnh viện khám, tránh quá tải bàn khám tại bệnh viện, hiện nay nhiều bệnh viện đã áp dụng công nghệ trong đặt lịch khám qua điện thoại, qua mạng như: Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), Bệnh viện Thống Nhất (TP. Hồ Chí Minh)... Tuy nhiên cách làm này cũng chưa phổ biến và phần lớn người dân vẫn chưa có thói quen thực hiện. Thời gian tới, cần có các biện pháp tuyên truyền rộng hơn để người dân biết những bệnh viện nào đã áp dụng việc đặt lịch khám trước và dần có thói quen sử dụng rộng rãi mới đạt hiệu quả.
Theo VOV