ClockThứ Hai, 27/01/2020 06:19

Bác sĩ quân y tận tâm

TTH - Mấy năm gần đây, phòng khám đa khoa Âu Lạc-Thanh Sơn ở phường Hương Sơ, TP. Huế trở thành địa chỉ khám điều trị bệnh tin cậy. Kết quả này phải kể đến vai trò của bác sĩ CK II Nguyễn Thanh Sơn, một thương binh, thượng tá quân đội đang tận tụy quản lý phát triển phòng khám với phương châm làm hài lòng người bệnh và tổ chức các hoạt động thiện nguyện hướng về cộng đồng.

Những bác sĩ “đi trước, về sau”

Bác sĩ Sơn thực hiện kỹ thuật nội soi tại Phòng khám Âu Lạc-Thanh Sơn

Tự hào bác sĩ quân y

Gặp được bác sĩ Nguyễn Thanh Sơn không dễ vì ông khá bận với công tác quản lý, lại vừa trực tiếp làm chuyên môn. Trung bình mỗi ngày, phòng khám có từ 150-200 lượt đến khám, điều trị (phần lớn là KCB BHYT). Bệnh nhân đến với phòng khám Âu Lạc-Thanh Sơn đa phần vì tin bác sĩ Sơn bởi ông có chuyên môn vững được đào tạo bài bản về ngoại khoa, chấn đoán hình ảnh, nội soi chẩn đoán.... và nhiều năm kinh nghiệm trong nghề.

Bác sĩ Sơn sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở Phú Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình. Thời niên thiếu, ông là đứa trẻ năng động, hiếu học và luôn được gia đình kỳ vọng lớn lên trở thành một người có ích cho cộng đồng. Trong những tháng năm ngồi trên ghế nhà trường, ông mong ước trở thành một người thầy thuốc giỏi để khám điều trị bệnh cho người dân. Thế rồi hoài bão của ông đành tạm gác để theo tiếng gọi của Tổ quốc bảo vệ đất nước. May mắn năm 1980, khi vào quân ngũ, ước mơ của ông được chắp cánh khi được vào đại đội quân y, trung đoàn 19-F968 chiến đấu ở nước bạn Lào (giai đoạn1983-1988).

Đồng nghiệp trẻ của bác sĩ Sơn thực hiện chuyên môn tại Phòng khám Âu Lạc-Thanh Sơn

Nhớ lại ký ức, ông kể những năm tháng ở Lào, ông và đồng đội gặp vô vàn khó khăn gian khổ, luôn sống trong địa hình đồi núi hiểm trở. Có những trận chiến nhiều đồng đội đã ngã xuống. Thế nhưng, điều ấy không làm ông nhụt chí mà ngược lại ông bất chấp hiểm nguy, làm tròn trách nhiệm một người lính quân y.

Hoàn thành nhiệm vụ ở Lào, trở về nước năm 1988, ông là một thương binh hạng 3/4. Bằng ý chí của người lính, ông quyết tâm thi đỗ vào Trường đại học Y dược-Đại học Huế. Năm 1995, ông nhận tấm bằng bác sĩ đa khoa, sau đó chuyển về công tác tại sư đoàn 968-QK4 đóng tại Đông Hà, Quảng Trị. Năm 2001, ông vào công tác tại Bệnh viện Quân y 268, QK 4. Những năm làm việc ở BV Quân y 268 môi trường bệnh nhân đa dạng nhưng cơ sở vật chất trang thiết y tế hạn chế làm ông trăn trở.

Với mong muốn tốt hơn cho người bệnh, ông luôn tham vấn với lãnh đạo tìm những kế sách cho BV ngày càng phát triển xứng tầm, thu hút điều trị bệnh nhân hiệu quả. Thời gian ở đây, ông không ngừng tìm tòi nghiên cứu tài liệu, tham gia nhiều khóa đào tạo nghiệp vụ chuyên sâu về ngoại, chẩn đoán hình ảnh, nhất là kỹ thuật nội soi chẩn đoán... Ông là một trong những bác sĩ ngoại trực tiếp phẫu thuật thành công nhiều ca bệnh phức tạp, tạo dấu ấn ở BV Quân y 268.

Bác sĩ CK II Nguyễn Thanh Sơn (phải) chụp ảnh lưu niệm với Chủ tịch Hội CCB Việt Nam Nguyễn Văn Được nhân dịp ra Hà Nội dự Đại hội thi đua yêu nước CCB Việt Nam đầu tháng 12/2019

“Tôi luôn tự hào là bác sĩ quân y. Những tháng năm ở Lào, tôi luôn sát cánh, sẵn sàng ứng cứu, xử lý các tình huống bị thương khi đang làm nhiệm vụ. Về Việt Nam tôi được đào tạo trở thành một bác sĩ không chỉ tham gia khám chữa bệnh cho chiến sĩ mà còn hỗ trợ giúp đỡ, bảo vệ sức khỏe cho người dân biên giới, hải đảo ở khu vực miền Trung ”-bác sĩ Sơn nói.

Sống là chia sẻ

Nghỉ hưu vào cuối năm 2014, bác sĩ Sơn quyết định mở Phòng khám đa khoa Âu Lạc ở đường An Dương Vương, TP. Huế với mục đích là được tiếp tục mặc áo blouse trắng vì lửa nghề trong ông vẫn cháy bỏng. Sau đó, phòng khám này chuyển đến phường Hương Sơ, TP. Huế vào năm 2016 với tên gọi Âu Lạc-Thanh Sơn. Bước ngoặt mở phòng khám nhiều bạn bè đồng nghiệp cho rằng, ông “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, đột phá để làm kinh tế.

Đề cập chuyện này, bác sĩ Sơn thực tình, lúc đó gia đình ông phản đối. Lý do một phần là kinh phí đầu tư phòng khám lớn, phần nữa là người thân muốn ông được nghỉ ngơi sau bao nhiêu năm công tác. Thế nhưng ông suy nghĩ, còn sức khỏe, lại có kinh nghiệm chuyên môn nghề y nên muốn tiếp tục cống hiến... Tôi hỏi: “Vậy kinh phí đầu tư phòng khám lúc đó là bài toán nan giải”. “Đúng nhưng vì yêu nghề, tôi phải vay mượn ngân hàng, bạn bè người thân để tạo dựng từng bước”- bác sĩ Sơn bộc bạch.

Thời điểm ban đầu, Phòng khám đa khoa Âu Lạc-Thanh Sơn ra đời có đội ngũ y, bác sĩ 32 người. Sau một năm, phòng khám hoàn thiện với ngôi nhà 5 tầng, rộng 800m2, đầy đủ với các phòng chức năng và hệ thống trang thiết bị hiện đại, đáp ứng nhu cầu khám điều trị cho người dân. Quá trình phòng khám hoạt động, ngoài việc nâng cao chất lượng khám điều trị, bác sĩ Sơn chú trọng đến việc đào tạo đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, đổi mới phong cách làm việc làm hài lòng bệnh nhân.

Hiện nay, Phòng khám đa khoa Âu Lạc-Thanh Sơn có 50 cán bộ nhân viên y tế; trong đó có 17 bác sĩ; số còn lại kỹ thuật viên, cử nhân điều dưỡng có thâm niên tay nghề cao. Uy tín, chất lượng phục vụ chuyên môn của Phòng khám đa khoa ngày càng được lan tỏa trong cộng đồng dân cư.

Có được lòng tin, tạo địa chỉ uy tín khám điều trị, Phòng khám đa khoa Âu Lạc-Thanh Sơn lại có nhiều thuận lợi để quan tâm chia sẻ với cộng đồng. Chỉ sau một năm ra đời, phòng khám thường phối hợp các tổ chức đoàn thể địa phương khám điều trị, hỗ trợ thuốc miễn phí cho các trường hợp gia đình chính sách, nhất là bạn bè, đồng đội CCB chiến binh nghèo, hoàn cảnh khó khăn... Gần đây, phòng khám trở thành địa chỉ có trách nhiệm với cộng đồng xã hội.

Trong hai năm qua, phòng khám tổ chức những đợt khám điều trị thiện nguyện cho hơn 300 đoàn viên công đoàn TP. Huế; trao tặng quà và khám điều trị bệnh cho hơn 200 lượt hội viên CCB tỉnh, chi phí mỗi suất hơn 300 nghìn đồng. Bên cạnh đó còn tổ chức các đợt truyền thông tư vấn bệnh tật cho bà con ở địa phương. Ngoài ra, hàng năm vào dịp lễ tết, phòng khám còn hỗ trợ hàng trăm suất quà cho người nghèo, nạn nhân chất độc da cam, người tàn tật, trẻ mồ côi ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn Thừa Thiên Huế. Tổng số tiền hỗ trợ làm công tác từ thiện xã hội của Phòng khám lên hơn 400 triệu đồng. Những việc làm trên do bác sĩ Sơn phát động nên đã được các ban ngành đoàn thể địa phương ghi nhận.

Bác sĩ Sơn tâm niệm: “Hạnh phúc của con người là sống biết chia sẻ. Nếu có điều kiện làm những việc có ích cho cộng đồng xã hội thì sẽ không chần chừ”.

Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh Bùi Như Ý cho biết, bác sĩ CK II Nguyễn Thanh Sơn là CCB phát huy tốt phẩm chất Bộ đội cụ Hồ, một nhân tố tích cực lan tỏa trong cộng đồng xã hội. Hiện nay, ngoài công việc chuyên môn ở Phòng khám Âu Lạc-Thanh Sơn, bác sĩ Sơn còn là Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân CCB tỉnh. Năm 2019, bác sĩ CK II Nguyễn Thanh Sơn được nhận danh hiệu Thầy thuốc tiêu biểu vì sức khỏe Cộng đồng và mới đây được Hội CCB Việt Nam tặng bằng khen CCB tiêu biểu.

Bài, ảnh: Minh Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Số ca mắc sốt xuất huyết giảm

Bộ Y tế vừa cho hay, cùng với đà giảm chung số ca mắc mới sốt xuất huyết (SXH) trên cả nước, tại miền Bắc, các ca mắc SXH thời điểm này đã giảm rõ rệt (giảm 51% so với tuần trước đó). Đến nay, tổng số ca mắc SXH của các tỉnh khu vực phía Bắc là hơn 34.000 ca, ghi nhận chủ yếu tại Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Nam Định...

Số ca mắc sốt xuất huyết giảm
Bác sĩ quân y nơi tuyến đầu chống dịch

Gặp lại Thiếu tá, BS quân y Nguyễn Trung Giang (Trưởng khoa Y dược, Trường cao đẳng Nghề số 23) tại Khung cách ly T2 (nay là T2 - F0) trong đợt dịch thứ 4, cũng là lần thứ năm anh nhận nhiệm vụ nơi tuyến đầu chống dịch.

Bác sĩ quân y nơi tuyến đầu chống dịch
Khi người dân chọn trạm y tế

Tại huyện Quảng Điền, các trạm y tế xã thu hút người dân khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) bởi đáp ứng tốt dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Khi người dân chọn trạm y tế
Cũng là bác sĩ

“Lương y như từ mẫu”, bác sĩ nào cũng cần có cái tâm, cái tình đối với người bệnh, nhất là đối với trẻ nhỏ thì lại càng cần cái tâm, cái tình ấy...

Cũng là bác sĩ

TIN MỚI

Return to top