Ghép giác mạc, mang lại ánh sáng cho người mù tại BV Trung ương Huế
Kỳ tích ghép tim "xuyên Việt"
Thời quan qua, BV Trung ương Huế liên tục khẳng định trình độ chuyên môn qua những ca ghép tim "xuyên Việt", tạo nên kỳ tích trong ngành ghép tạng Việt Nam.
Ca ghép tim "xuyên Việt" đầu tiên thực hiện cho bệnh nhân TT. (Phú Lộc,Thừa Thiên Huế) suy tim giai đoạn cuối vào ngày 16/5/2018. Chỉ sau một tháng, ca ghép thứ 2 dành cho bệnh nhân PVC. (15 tuổi ở TP. Đà Nẵng) bị giãn cơ tim, sự sống chỉ tính bằng ngày. Hai trường hợp này được xem như những câu chuyện cổ tích thời nay, làm lay động bao trái tim của cả nước thổn thức và được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tặng bằng khen.
Mới đây, các y, bác sĩ BV Trung ương Huế tiếp tục thực hiện thành công ca ghép tim "xuyên Việt" cho bệnh nhân LHH. (36 tuổi, quê ở Quảng Ngãi). Bệnh nhân này được ghép tim từ người cho chết não vào ngày 15/8 từ BV Quân đội 108 (Hà Nội). Ngay trong đêm đầu tiên sau ghép tim, các thông số huyết động hoàn toàn ổn định, chức năng quả tim ghép tốt với phân xuất tống máu 62%, chức năng các tạng các chỉ số sinh hóa và huyết học trong giới hạn bình thường. Sau đó, sức khỏe bệnh nhân H. hồi phục, ổn định tốt.
Đáng nói, hầu hết những ca ghép này các quả tim của người hiến đã chết não đều ở BV Hữu nghị Việt Đức và Quân y 108 (Hà Nội). Khoảng cách địa lý khá xa, nhưng để quả tim đến được người nhận, cứu sống bệnh nhân, các êkip bác sĩ hai bên đã đồng hành "chạy đua" thời gian vượt qua gần 900km từ Hà Nội vào Đà Nẵng bằng đường hàng không; sau đó trở ra Huế bằng ô tô là thách thức không hề nhỏ. Thế nhưng không có sai sót nhỏ xảy ra, mọi chuyện suôn sẻ, thành công ngoài mong đợi.
Bác sĩ Trần Hoài Ân, Giám đốc Trung tâm Tim mạch, trưởng ê kíp ghép tim "xuyên Việt", BV Trung ương Huế chia sẻ, đến thời điểm này, BV Trung ương Huế đã thực hiện thành công 5 trường hợp ghép tim "xuyên Việt". Thách thức đặt ra trong việc ghép tim "xuyên Việt" chính là bảo đảm thời gian. Bởi “thời gian vàng” của quả tim khi lấy ra khỏi cơ thể người chỉ có thể bảo quản trong vòng 6 tiếng. Nếu quá trình vận chuyển quả tim gặp trục trặc thì nguồn tạng hiến trở nên vô nghĩa. Vì vậy, các y bác sĩ của BV Trung ương Huế và BV Việt Đức hay Quân đội 108 luôn "cân não" có phương án dự phòng, đảm bảo đưa tạng về BV an toàn, để "hồi sinh" sự sống cho các bệnh nhân.
Em PVC và mẹ chia sẻ niềm vui với GS. Phạm Như Hiệp dịp thành lập Trung tâm ghép mô/tạng của BV Trung ương Huế
Em PVC., một trong năm bệnh nhân được ghép tim "xuyên Việt" tại BV Trung ương Huế cách đây chừng 1 năm, giờ đã trở thành một thanh niên khỏe mạnh. Mới đây, trong dịp cùng mẹ tham dự lễ thành lập Trung tâm ghép mô/tạng tại BV Trung ương Huế, PVC. bật khóc khi gặp lại những bác sĩ ở đây. C. nói: "Em luôn xem BV Trung ương Huế là ân nhân. Các y, bác sĩ ở đây đã cho em sống lại lần thứ hai trên cõi đời này".
Tạo niềm tin cho bệnh nhân
Ngoài việc ghi tên vào bản đồ ghép tim của Việt Nam và thế giới, nhiều bác sĩ BV Trung ương Huế đã nghiên cứu, chinh phục triển khai thường quy nhiều kỹ thuật mới hiện đại, rút khoảng cách và giảm chi phí điều trị cho người bệnh khi trước đây phải ra nước ngoài. Điển hình là BV đã phát triển mạnh về lĩnh vực nội soi 3D nhằm phát hiện và điều trị các bệnh ung thư dạ dày, đại trực tràng; tiến hành ghép tế bào gốc trong điều trị bệnh nhân chấn thượng sọ não nặng; điều trị hiếm muộn cho những cặp vợ chồng bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm... Mới đây, BV tiến hành ghép giác mạc mang lại ánh sáng cho 7 trường hợp sống trong bóng tối qua nhiều năm.
Hiện nay, dù nguồn nhân lực ở BV Trung ương Huế đã đủ sức đảm trách, chinh phục những kỹ thuật can thiệp y khoa khó khăn và phức tạp. Thế nhưng hàng năm BV vẫn chủ động gửi hàng chục cán bộ, bác sĩ đi đào tạo ở Pháp, Hoa Kỳ, Ý, Nhật Bản..., đồng thời đón nhiều tổ chức, cá nhân quốc tế đến hội thảo, trao đổi chuyên môn, nghiên cứu khoa học và mở các lớp đào tạo ngắn, dài hạn trong các lĩnh vực: Thận học và ghép tạng, chẩn đoán hình ảnh, tim mạch, răng hàm mặt, mắt, huyết học truyền máu, sản, ung thư, nhi, gây mê hồi sức, chấn thương chỉnh hình, nội soi, tiết niệu... để xây dựng thương hiệu cơ sở y tế hàng đầu của Việt Nam và mang tầm quốc tế.
Dịp sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2019, GS. TS. Phạm Như Hiệp, Giám đốc BV Trung ương Huế chia sẻ, những mục tiêu trước mắt và lâu dài là xây dựng BV Trung ương Huế thương hiệu quốc tế, là trung tâm y học cao cấp; trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao phục vụ và chăm sóc sức khỏe người dân... Để đạt mục tiêu đề ra, BV không ngừng nỗ lực, khai thác các thế mạnh trên các lĩnh vực từ nguồn nhân lực giàu chuyên môn, y đức trong sáng đến cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại...
BV Trung ương Huế là bệnh viện hạng đặc biệt, có trên 100 khoa, phòng chức năng và 8 trung tâm trực thuộc. BV Trung ương Huế trở thành cơ sở đào tạo thực hành thạc sĩ, tiến sĩ y khoa trong cả nước; đồng thời, hàng năm đón nhận nhiều sinh viên, bác sĩ người nước ngoài, như Singapore,Thái Lan, Malaysia... đến nghiên cứu sinh, học tập. BV Trung ương Huế là hạt nhân đã hỗ trợ cho 9 BV tỉnh ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên và các BV tuyến huyện ở tỉnh Thừa Thiên Huế theo phương thức “cầm tay chỉ việc”, góp phần giải quyết nhiều trường hợp bệnh khó, cứu sống nhiều người dân mắc bệnh hiểm nghèo.
|
Bài, ảnh: Minh Văn