Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) phun thuốc diệt muỗi tại cộng đồng để phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Ảnh tư liệu: Dương Ngọc/TTXVN
Số mắc mới những tuần cuối của năm 2022 giảm do thời tiết lạnh không thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển, tuy nhiên các chuyên gia y tế vẫn tiếp tục khuyến cáo người dân không chủ quan với dịch.
Ngay từ cuối tháng 6/2022, khi số ca mắc sốt xuất huyết trên cả nước có chiều hướng gia tăng, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố khu vực miền Nam với số mắc và tử vong liên tục tăng cao, Bộ Y tế đã lập 7 đoàn đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống dịch tại các tỉnh/thành phố trọng điểm.
Tiếp đó, nhằm tăng cường công tác phòng, chống dịch, kiên quyết không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài, cuối tháng 11/2022, Bộ Y tế tiếp tục có Công điện số 1576/CĐ-BYT gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết; đề nghị triển khai ngay chiến dịch diệt loăng quăng/bọ gậy, đảm bảo tất cả các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, tiêu diệt bọ gậy qua giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi.
Số liệu thống kê cho thấy, trong tuần cuối cùng của năm 2022, số ca mắc sốt xuất huyết trên cả nước đã giảm mạnh so với các tuần trước đó của tháng 10,11 và đầu tháng 12 (số ca mắc thường trên 10.000 trường hợp/ tuần, thậm chí có những đợt cao điểm còn gần 12.000 ca/ tuần).
Trong tuần 51, cả nước ghi nhận 6.266 trường hợp mắc sốt xuất huyết, không ghi nhận trường hợp tử vong. So với tuần 50, số mắc giảm 23,3%, số nhập viện giảm 25,1%.
Tại Hà Nội, vào những tuần cuối cùng của năm 2022 chỉ ghi nhận hơn 400 ca/tuần, giảm sâu so với thời điểm tháng 11 và đầu tháng 12/2022, trung bình mỗi tuần ghi nhận từ 1.300-1.400 ca sốt xuất huyết. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đánh giá, số ca mắc mới sốt xuất huyết đang giảm mạnh vì thời tiết mức nhiệt độ không thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển.
Cộng dồn từ đầu năm 2022 cho đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 19.215 ca mắc sốt xuất huyết, (trong đó có 25 ca tử vong), tăng gấp 5,7 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Thành phố đã ghi nhận 1.409 ổ dịch tại tất cả 30 quận, huyện, thị xã. Hiện còn 29 ổ dịch đang hoạt động tại 11 quận, huyện.
Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 568/579 xã, phường, thị trấn. Tuýp virus Dengue lưu hành đã xác định được là DENV1 và DENV2, DENV4.
Tại TP Hồ Chí Minh, số ca mắc sốt xuất huyết cũng trên đà giảm. Tính đến tuần 50, Thành phố ghi nhận 78.561 trường hợp mắc bệnh, tăng gần 7 lần với cùng kỳ năm 2021 với số ca nặng là 1.930 ca. Tỷ lệ ca nặng trên tổng số ca mắc sốt xuất huyết đến tuần 50 là 2,46% (1.930/78.561) tăng hơn 3,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong tuần 50, Thành phố ghi nhận 1.100 ca bệnh số xuất huyết, giảm 14,7% so với trung bình 4 tuần trước, số ca nội trú giảm 18,7% và ngoại trú giảm 10,5%; không có trường hợp tử vong. Tổng số ca tử vong do sốt xuất huyết là 29 trường hợp, tăng 23 ca so với cùng kỳ năm 2021.
Các chuyên gia Trung tâm kiểm soát dịch bệnh TP Hồ Chí Minh cho biết, theo thống kê, khoảng 75% trường hợp tử vong do số xuất huyết là người lớn. Có những trường hợp đến bệnh viện trễ khiến gia tăng nguy cơ tử vong do không được can thiệp điều trị kịp thời.
Mặc dù số ca mắc sốt xuất huyết trên cả nước thời gian gần đây giảm, nhưng theo chuyên gia dịch tễ, do dịch sốt xuất huyết có tính chất chu kỳ, điều kiện thời tiết, tốc độ đô thị hóa nhanh và gia tăng sự giao lưu, đi lại của người dân sau dịch COVID-19. Ngoài ra, ý thức của người dân trong chủ động phòng, chống dịch chưa cao, qua kiểm tra giám sát vẫn còn phát hiện nhiều ổ bọ gậy, lăng quăng trong hộ gia đình, khu dân cư. Đây là những lý do khiến ca mắc sốt xuất trong năm 2022 tăng vọt so với năm 2021.
Các chuyên gia khuyến cáo, người dân cần tiếp tục nâng cao ý thức của bản thân đối với cộng đồng; chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Để hạn chế số ca mắc mới, người dân phối hợp diệt muỗi, diệt bọ gậy, loăng quăng, loại bỏ các dụng cụ chứa nước đọng, tích cực vệ sinh môi trường, không cho muỗi truyền bệnh sinh sôi, phát triển.
Bên cạnh đó, vì sốt xuất huyết có biểu hiện giống như sốt do các virus khác nên nhiều người chủ quan, không đi khám hoặc tự điều trị tại nhà. Thậm chí, có trường hợp tự ý truyền dịch và dùng kháng sinh, điều này có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Vì vậy, khi có dấu hiệu sốt cao 39-40 độ C, đột ngột, liên tục, cần đi khám bệnh để được chẩn đoán và hướng dẫn chăm sóc điều trị phù hợp.
Trong quá trình điều trị bệnh sốt xuất huyết tại nhà, người chăm sóc/bệnh nhân cần lưu ý các dấu hiệu bệnh chuyển nặng để đưa bệnh nhân nhanh chóng đến bệnh viện.
Đối với bệnh sốt xuất huyết, khi hạ sốt thì càng cần phải theo dõi sát dấu hiệu chuyển nặng.
Theo TTXVN/Báo Tin tức