Trong giai đoạn mới, cả nước vừa phòng chống dịch bệnh, vừa tạo điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, việc làm và đời sống người dân
Cả nước bước sang giai đoạn mới
Theo Bộ Y tế, cả nước đã chuyển sang giai đoạn mới phòng, chống dịch dài hơi hơn, căn cơ hơn cùng với phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm người dân sẵn sàng thích nghi trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát tốt.
Trong giai đoạn mới, cả nước cần vừa thực hiện giãn cách xã hội, vừa tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa, phát triển sản xuất kinh doanh, việc làm và đời sống người dân.
Thực hiện chủ trương: Ngăn chặn triệt để dịch bệnh từ bên ngoài, dập dịch bên trong. Tiếp tục thực hiện cách ly tất cả những người nhập cảnh vào nước ta và người bị nhiễm bệnh, người có nguy cơ cao với hình thức cách ly linh hoạt, nhưng phải đảm bảo nghiêm túc, chặt chẽ, thường xuyên rà soát, kịp thời phát hiện ca bệnh để cách ly, điều trị hiệu quả; sử dụng công nghệ thông tin để nhanh chóng truy vết, khoanh vùng dập dịch; vừa thực hiện giãn cách xã hội, vừa tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa, phát triển sản xuất kinh doanh, việc làm và đời sống người dân.
Các địa phương phải tiếp tục thực hiện cách ly xã hội đối với khu vực có nguy cơ cao; vận động người dân thường xuyên rửa tay sát khuẩn, tạo thói quen đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tại nơi công cộng, kể cả trên phương tiện giao thông công cộng; hạn chế ra ngoài nếu không cần thiết, hạn chế tập trung đông người tại nơi công cộng, nhất là TP.Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh; người có dấu hiệu ốm sốt nên ở nhà, không đến công sở, cơ quan, trường học, nơi công cộng, phải liên hệ với bệnh viện, bác sĩ để được tư vấn và thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ.
Đảm bảo tuyệt đối an toàn cho học sinh, sinh viên đi học lại. Tổ chức dạy và học có trọng tâm, trọng điểm; tiếp tục phát huy học trực tuyến, học qua truyền hình.
Bộ Y tế nghiên cứu trình Chính phủ sửa đổi Nghị quyết số 20/NQ-CP về việc áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19 theo nguyên tắc cho xuất khẩu số khẩu trang sản xuất được trên cơ sở bảo đảm đủ nhu cầu sử dụng trong nước (kể cả dự trữ).
Thủ tướng cho phép các chuyến bay đơn lẻ đón công dân Việt Nam là học sinh dưới 18 tuổi, người đi chữa bệnh, du lịch, thăm thân, công tác hết hạn phải về nước, bảo đảm phù hợp diễn biến dịch bệnh trong nước và quốc tế, nhu cầu về nước của công dân Việt Nam, khả năng tổ chức tiếp nhận, cách ly và tổ chức các chuyến bay.
Nhiều bệnh nhân nặng được cứu sống
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Phó Trưởng Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch COVID-19, đến nay các cơ sở khám chữa bệnh đã điều trị khỏi/ra viện 224 trường hợp bệnh nhân COVID-19. Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh mới nhất- ngày 23/4 là BN206, 48 tuổi, quốc tịch Việt Nam, địa chỉ Quận 2, TP. Hồ Chí Minh.
Trong số 44 ca đang điều trị tại 7 bệnh viện, đa số đều có tình trạng sức khoẻ ổn định. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2: 38 bệnh nhân và đang theo dõi BN188; Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh: 1 bệnh nhân người Anh; Bệnh viện Đa khoa Cầu Treo Hà Tĩnh: 1 bệnh nhân người Việt Nam; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình: 1 bệnh nhân người Việt Nam; Bệnh viện Đa khoa Kim Sơn Ninh Bình: 1 bệnh nhân người Việt Nam; Bệnh viện Phổi Đồng Nai: 1 bệnh nhân người Việt Nam; Bệnh viện Đa khoa Đồng Văn: 1 bệnh nhân người Việt Nam.
Trong số này, có 3 bệnh nhân nặng trong tình trạng nguy kịch gồm 2 ca (BN 19 và BN 161) đang điều trị tại Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh; 01 ca tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.Hồ Chí Minh (BN 91).
PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết, đến giờ phút này, ngoài sự nỗ lực của các thầy thuốc, nhân viên y tế điều trị trực tiếp, tất cả các bệnh nhân COVID-19 nặng đều được hội chẩn thường xuyên bởi các chuyên gia đầu ngành với tinh thần quyết tâm cao nhất, dành nguồn lực tốt nhất có thể để cứu chữa các trường hợp này. Chính vì thế các ca bệnh nặng đều cơ bản được điều trị thành công. Đã có vài bệnh nhân nặng, nguy kịch được cứu sống, khỏi bệnh và ra viện.
Trong số các bệnh nhân nặng hiện đang điều trị tại hai bệnh viện nêu trên, riêng trường hợp nặng nhất là bệnh nhân phi công người Anh (BN91) đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh đã có nhiều tiến triển.
Tất cả bệnh phẩm ở Hạ Lôi, Đồng Văn, Đông Cứu âm tính
Sáng 24/4, Bộ Y tế cho biết, tất cả các mẫu bệnh phẩm lấy tại các ổ dịch: Hạ Lôi (Mê Linh, Hà Nội); Đồng Văn (Hà Giang) và Đông Cứu (Thường Tín, Hà Nội) đều cho kết quả âm tính.
Theo đó, có tổng cộng 15.903 mẫu xét nghiệm đã được lấy tại 3 ổ dịch nói trên. Cụ thể:
Tại ổ dịch Hạ Lôi (Mê Linh, Hà Nội) đã ghi nhận tổng số 13 ca mắc COVID-19; đang cách ly, theo dõi 1.684 người. Các cơ quan chuyên môn đã tiến hành lấy 14.242 mẫu xét nghiệm và cho kết quả tất cả các mẫu đều âm tính.
Ngày phát hiện trường hợp bệnh cuối cùng tại ổ dịch này là 14/4 - trường hợp BN267. Không phát sinh ca mới kể từ khi công bố bệnh nhân số 267. Đã lập 12 chốt kiểm soát, tiếp tục khoanh vùng, cách ly toàn thôn; thành lập 74 tổ giám sát sức khoẻ người dân toàn thôn 2 lần/ngày.
Tại ổ dịch Đồng Văn (Hà Giang) đã ghi nhận tổng số 1 ca mắc COVID-19; đang cách ly, theo dõi 262 người. Các cơ quan chuyên môn đã tiến hành lấy 415 mẫu xét nghiệm và cho kết quả tất cả các mẫu đều âm tính.
Ngày phát hiện trường hợp bệnh cuối cùng tại ổ dịch này là 11/4 - trường hợp BN268. Không phát sinh ca mới kể từ khi công bố bệnh nhân số 268.
Tại ổ dịch Đông Cứu (Thường Tín, Hà Nội) đã ghi nhận tổng số 1 ca mắc COVID-19; đang cách ly, theo dõi 226 người. Các cơ quan chuyên môn đã tiến hành lấy 1.246 mẫu xét nghiệm và cho kết quả tất cả các mẫu đều âm tính.
Ngày phát hiện trường hợp bệnh cuối cùng tại ổ dịch này là 14/4 - trường hợp BN266. Không phát sinh ca mới kể từ khi công bố bệnh nhân số 266.
Bộ Y tế cho biết, sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch khẩn cấp, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên cả nước, đặc biệt là ổ dịch tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh (huyện Mê Linh, TP. Hà Nội), nhà máy Sam Sung (tỉnh Bắc Ninh), thôn Đông Cứu, xã Dũng Tiến (huyện Thường Tín, TP. Hà Nội), bệnh viện Thận Hà Nội; quán bar Buddha (Thành phố Hồ Chí Minh); Bệnh viện Bạch Mai; xã Phố Là, huyện Đồng Văn (Hà Giang). Tăng cường hoạt động kiểm tra, chỉ đạo công tác triển khai phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại các địa phương.
Nguy cơ bệnh xâm nhập vẫn còn
Như vậy, tính từ sáng ngày 16/4 đến nay đã 8 ngày liên tiếp, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 ( tính riêng từ ngày 14/4 đến nay là bước sang ngày thứ 11, cả nước chỉ ghi nhận 3 ca mắc COVID-19), số ca mắc hiện vẫn là 268.
Đánh giá về những tín hiệu tích cực trên, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y té dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện Y tế công cộng (Bộ Y tế) cho rằng: Trong 8 ngày qua, Việt Nam không có ca mắc mới, đã khống chế được các ổ dịch, số ca bệnh chữa khỏi tăng lên (hiện chỉ có 44 ca đang điều trị).
Tuy tình hình các ca bệnh nhập cảnh hoặc lây lan đều đã được khống chế nhưng tình hình dịch nói chung vẫn còn phức tạp. Trên thế giới vẫn có nhiều người mắc bệnh, người tử vong vì COVID-19, nguy cơ bệnh xâm nhập Việt Nam là vẫn còn, kể cả các trường hợp qua đường mòn lối mở...
Do đó, người dân cả nước, nhất là các địa phương nguy cơ thấp không nên chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
“Người dân vẫn cần tiếp tục thực hiện đầy đủ các nguyên tắc đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Đó là: Đeo khẩu trang; rửa tay thường xuyên; tránh giao tiếp quá gần, giữ khoảng cách tiếp xúc tốt nhất là 2m; không tập trung đông người, trong đó đặc biệt lưu ý đối tượng người cao tuổi, người có bệnh lý mãn tính; không ra khỏi nhà khi không thật cần thiết và thực hiện khai báo y tế”- PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo.
Theo baochinhphu.vn