Phòng cấp cứu được trang bị máy điều hòa tại BV Trường đại học Y dược Huế
Phòng chờ khám của Phòng khám Gia đình, không khí cũng tương tự. Bệnh nhân cũng đông, nhưng tương đối mát vì được trang bị khá nhiều quạt treo tường. Dọc các hành lang phòng bệnh nơi ngồi chờ của người nhà, quạt treo tường hoạt động hết công suất.
“Nóng vậy mà phải chăm sóc cho bệnh nhân, vất vả quá!”. Tôi bắt chuyện với ông K., người nhà của bệnh nhân đang ngồi chờ ở hành lang Khoa Ngoại tiết niệu. Ông K. cười: “Tôi chăm sóc cho vợ mới mổ được vài ngày ni. Trời nóng, nhưng trong này thấy mát. Tôi đánh giá cao việc bệnh viện chống nóng cho bệnh nhân và người nhà rất chu đáo”.
Tôi đi thăm hầu hết các phòng bệnh điều trị, phòng nào cũng có máy điều hòa. Bệnh nhân đều hài lòng với phòng bệnh. Bà N., bệnh nhân Khoa Nội, cho biết: "Vừa dùng điều hòa, quạt máy, vừa có đủ nước uống và sinh hoạt, tôi thấy việc bệnh viện trang bị phương tiện phục vụ bệnh nhân vậy là hợp lý”.
Thực hiện chống nóng cho bệnh nhân và người nhà, bệnh viện đầu tư mỗi tầng nhà một bình nước nóng lạnh. Trao đổi với một số người nhà đang dùng nước ở tầng hai, nhà 6 tầng (Khoa Tiết niệu), họ đều nói rằng, bệnh viện làm vậy rất tiện lợi vì không phải đi mua nước ở nơi khác, đỡ mất thời gian, tốn kém lại bảo đảm vệ sinh.
PGS, TS, bác sĩ Nguyễn Khoa Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Y dược Huế, Quyền Giám đốc Bệnh viện Trường đại học Y dược Huế, cho biết: Để đảm bảo chất lượng phòng bệnh, đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân, BV bỏ ra một khoản tiền lớn để trang bị các phương tiện chống nóng cho bệnh nhân (máy lạnh, quạt, máy cung cấp nước uống) và vệ sinh môi trường sạch sẽ. Phương tiện máy móc chuyên dùng trong khám chữa bệnh trang bị tại bệnh viện (máy chụp cắt lớp vi tính CT Scanner, chụp cộng hưởng từ MRI, máy soi XQ trên bàn mổ C-Arm, máy tán sỏi ngoài cơ thể, dao điện...) là những máy có công suất lớn, tiêu thụ điện năng cao khi sử dụng.
Mùa cao điểm nắng nóng này vừa phải đảm bảo công tác khám chữa bệnh, vừa đảm bảo yêu cầu bệnh phòng, riêng tiền điện một tháng là 500 triệu đồng, tiền nước là 300 triệu đồng, dù bệnh viện đã có biện pháp thường xuyên nhắc nhở nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà tiết kiệm trong việc sử dụng điện, nước. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng Bệnh viện Trường đại học Y được Huế vẫn cố gắng thực hiện tốt việc khám chữa bệnh, bao gồm cả việc chống nóng cho bệnh nhân.
Bài, ảnh: ĐINH HOÀNG XUÂN HỒNG