Gia đình Nhà giáo Nhân dân, GSTS, bác sĩ Huỳnh Văn Minh
Ông nội của GS Minh trước đây là thầy thuốc đông y ở quê nhà Phú Lộc. Ba, mẹ của GS từng là y tá thời Pháp thuộc “Mẹ và cậu ruột của tôi là hai tấm gương mẫu mực của người thầy thuốc. Mẹ luôn yêu thương, tận tình chăm sóc bệnh nhân. Cậu là người uyên bác về kiến thức y học. Cả hai truyền cho tôi ngọn lửa đam mê về ngành y”, ông tâm sự. Từ đó ông miệt mài học tập, trở thành một bác sĩ giỏi về lĩnh vực tim mạch học của Huế, toàn quốc và thành viên Hội Tim mạch học Hoa Kỳ. Ông có gần 50 đề tài nghiên cứu khoa học giá trị trong điều trị bệnh, nghiên cứu, biên soạn và biên dịch nhiều tài liệu, giáo trình với mục đích phục vụ công tác đào tạo đại học và sau đại học tại trường. Tác giả của hàng trăm bài báo khoa học chuyên ngành được đăng trên các tạp chí nghiên cứu khoa học ngành y trong nước và thế giới. Bản thân ông, tham gia đào tạo hàng trăm thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II và hướng dẫn nhiều luận án tiến sĩ, xây dựng và phát huy ảnh hưởng của tim mạch đặc biệt về lĩnh vực tạo nhịp, tăng huyết áp cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Liên kết các bác sĩ tham gia hoạt động trong các hội, câu lạc bộ, ông trực tiếp tổ chức 8 hội nghị tim mạch miền Trung - Tây Nguyên 2 năm 1 lần.
Được làm việc tại Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Trung ương Huế hiện đại nhất Việt Nam, và Bệnh viện Trường Đại học Y dược, nơi có nhiều phương tiện điều trị tim mạch hiện đại, ông bồi hồi nhớ lại lần vượt khó cứu sống bệnh nhân của thế kỷ trước. Đó là kỷ niệm đẹp, không thể quên. Những năm 1990, khi điều kiện trang thiết bị y tế của Bệnh viện Trung ương Huế còn lạc hậu, lần ấy, đoàn ADS của Pháp đến làm việc tại Khoa Tim mạch, tặng bệnh viện một số máy tạo nhịp tim một buồng để cấy cho bệnh nhân bị ngất do bloc nhĩ thất cấp 3. Muốn thực hiện, phải có máy tăng sáng truyền hình theo dõi điện cực trong buồng tim để đặt máy đúng vị trí. Đúng hôm ấy một bệnh nhân nhập viện, bệnh rất nặng do cơn ngất adamstoke, nguy cơ tử vong, nếu không cấy máy tạo nhịp tim. Đoàn Pháp và Ban Chủ nhiệm Khoa Tim mạch BVTW Huế quyết định đặt máy cho bệnh nhân nhưng bệnh viện không có máy theo dõi điện cực. Ông đã trao đổi với bác sĩ của khoa và quyết định sử dụng máy siêu âm tim để cứu sống bệnh nhân. Một ca thực hiện đặt máy vất vả. Sau 2 tiếng đồng hồ (bây giờ chỉ mất 20 phút nhờ thiết bị máy hiện đại) giành giật với tử thần, ông và đồng nghiệp đã cứu sống bệnh nhân trong điều kiện thiết bị lạc hậu, khó khăn. Nhưng đó mới là hạnh phúc của người thầy thuốc. Ông nghĩ vậy. Sau đó, ông áp dụng kỹ thuật này để cứu sống hàng chục bệnh nhân. Một năm sau, qua Pháp tu nghiệp, ông kể chuyện này cho GS Dodinot, một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tạo nhịp tim của Pháp, ông ngạc nhiên, bảo: “Trên thế giới chỉ có một ca duy nhất ở Brazin thực hiện giống vậy, nhưng do quá trình thao tác, bị mất điện nên họ quyết định sử dụng máy siêu âm để tiếp tục, chứ không nơi nào dám làm. Nếu bác sĩ không vững chuyên môn thì sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng bệnh nhân”.
Ông nói rằng; Những thành tích đó là hạnh phúc lớn nhất của cuộc đời theo nghiệp y khoa,vì được đóng góp, giúp ích nhiều cho bệnh nhân.
“Giờ trên 60 tuổi, khi đã cống hiến cho xã hội, cho bệnh nhân cả sức lực, trí tuệ tài năng, nhìn lại hạnh phúc của gia đình, GS có bằng lòng không?” Tôi hỏi. Ông cười hiền lành, bảo: “Cứ nghĩ rằng, chỉ một mình theo nghiệp y vì thế hệ trước, không ngờ, “một nửa cuộc đời” cũng là một điều dưỡng, nguyên là cán bộ của Bệnh viện Trung ương Huế. Sau này lại cả con gái, con trai, dâu rể đều theo nghiệp của cha, mẹ”.
Con trai đầu lòng, PGS TS, bác sĩ Hoàng Anh Tiến được phong hàm Phó Giáo sư ngành y trẻ nhất năm 2013. Trong hoàn cảnh cả nước và gia đình rất khó khăn năm 1979, khi Tiến mới ra đời được 6 tháng, ông đã phải xa con để học thêm tại Hà Nội, nay Tiến đã trở thành bác sĩ có chuyên môn giỏi của Trường đại học Y Dược Huế, là 1 trong 10 người được vinh danh nhân tài trẻ đất Việt và nhận quả Cầu vàng Khoa học Công nghệ Việt Nam. Năm 2007, mới 28 tuổi, Tiến nghiên cứu thành công máy chẩn đoán hội chứng ngưng thở khi ngủ để giúp cứu sống bệnh nhân không bị đột tử trong lúc đang ngủ. Nhà giáo ND, Giáo sư, Hiệu trưởng Trường đại học Y dược Huế Cao Ngọc Thành đánh giá cao quá trình học tập, nghiên cứu, cống hiến của Tiến, là thế hệ “vàng” của trường. Con gái, con dâu và con rể của ông đều là những bác sĩ đang giảng dạy tại Trường đại học Y Dược Huế, đồng thời là bác sĩ của Bệnh viện Trường đại học Y dược Huế. Theo gương của ông, họ luôn phấn đấu học tập chuyên môn, đều tốt nghiệp TS, thạc sĩ. TS Nguyễn Minh Tâm, con rể ông được vinh danh tài năng trẻ Việt Nam và Thầy thuốc trẻ Việt Nam, đang tham gia xây dựng hệ thống bác sĩ y học gia đình tại khu vực miền Trung, là lĩnh vực mới tại nước ta. Sống trong gia đình thành đạt, nhưng các con của ông đều có cuộc sống giản dị, khiêm tốn.
Dù đã đến tuổi để nghỉ ngơi, nhưng duyên nghiệp vẫn còn theo ông suốt cả cuộc đời. Các con ông cũng vậy, suốt đời học tập, nghiên cứu, phục vụ, chăm sóc bệnh nhân tốt như người thầy, người cha mẫu mực của mình đã và đang thực hiện.
Đinh Hoàng Xuân Hồng