Thứ Sáu, 25/03/2022 06:44
(GMT+7)
Gạn tách bạch cầu cho trẻ lần đầu tiên ở miền Trung-Tây Nguyên
TTH.VN - Chiều 24/3, bệnh nhi đã được xuất viện sau 1 tháng điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế.
Bệnh nhi Nguyễn Tuấn H. trong ngày xuất viện. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Trước đó, Nguyễn Tuấn H. khởi bệnh với biểu hiện mệt mỏi, đau đầu nhiều, được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam phát hiện bạch cầu tăng rất cao nên được chuyển ngay đến Bệnh viện Trung ương Huế.
Tại đây, bệnh nhi được làm các xét nghiệm chẩn đoán với tủy đồ, công thức máu và sinh hóa máu. Tuy nhiên, với số lượng bạch cầu tăng quá cao, trẻ mệt và đau đầu nhiều, nguy cơ tắc mạch, nhất là tắc mạch não. Bệnh nhi được các bác sĩ thực hiện gạn tách bạch cầu.
Trong quá trình gạn tách, trẻ được theo dõi sát và không xảy ra tai biến. Sau 4 tiếng gạn tách, số lượng bạch cầu của trẻ từ mức 400.000/l xuống còn 220.000/l. Trẻ khỏe hơn và không còn đau đầu nữa. Cùng với nhiều biện pháp điều trị phối hợp khác, trẻ đã khỏe mạnh trở lại, bạch cầu trở về giá trị bình thường 3.000/l.
Tăng bạch cầu là một cấp cứu nhi khoa. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể dẫn đến ngưng kết bạch cầu, tắc mạch và tử vong. Theo GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, kỹ thuật gạn tách bạch cầu là kỹ thuật cao, sử dụng để điều trị trong các bệnh lý huyết học ác tính, giúp hạ nhanh số lượng bạch cầu trong giai đoạn cấp. Đây là trường hợp đầu tiên gạn tách bạch cầu điều trị cho trẻ em tại Bệnh viện Trung ương Huế nói riêng, cũng như khu vực Miền Trung-Tây Nguyên nói chung.
Đồng Văn