Mổ sinh tại BV Chân Mây
Vắng bệnh nhân
Mới đây ghé thăm BV đa khoa Chân Mây (xã Lộc Thủy, Phú Lộc) chứng khiến cảnh đìu hiu vắng khách đến lạ. Ở khu vực nhà xe, chỉ lác đác vài chiếc. Khu vực đón tiếp bệnh nhân, đến khoa ngoại sản, nội, nhi, nhiễm khuẩn chỉ vài phòng có bệnh nhân. Tầng 3, nhiều khoa phòng cửa chốt then cài, rêu mốc bám vào nhiều mảng tường... Một nhân viên y tế ở đây chia sẻ: "Đã nhiều năm nay, khu vực tầng 3 chưa sáng đèn. Nhiều y, bác sĩ nơi đây đang muốn tìm nơi làm việc khác".
BV đa khoa Chân Mây xây dựng đi vào hoạt động từ tháng 2/2013, với kinh phí gần 100 tỷ đồng. BV có quy mô 200 giường bệnh, đầy đủ các phòng chức năng, trang thiết bị với mục đích đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh (KCB) không chỉ cho người dân không vực nam chân đèo Phước Tượng. Khi tiến hành xây dựng, nhiều người cho rằng, đó là bài toán thiếu chuẩn xác trong quy hoạch mạng lưới y tế địa phương. Xét về yếu tố địa lý, BV đa khoa Chân Mây chỉ nằm cách Trung tâm y tế (TTYT) huyện Phú Lộc về phía bắc chừng 15km. Nơi đây có đội ngũ cán bộ y, bác sĩ vừa đảm bảo vai trò khám điều trị, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân cũng như phòng dịch bệnh trên địa bàn khá tốt. Thời điểm BV đa khoa Chân Mây ra đời, phần lớn người dân Phú Lộc khi có nhu cầu KCB đều đến TTYT huyện Phú Lộc.
Ông Lê Văn H. (xã Lộc Thủy, Phú Lộc) chia sẻ, hai năm trước đã đưa người thân vào điều trị bệnh viêm phế quản mạn tính tại BV Chân Mây, đánh giá cao về cơ sở hạ tầng phòng ốc, trang thiết và sự nhiệt tình, ân cần trong khám, điều trị của cán bộ y, bác sĩ ở đây. Thế nhưng không hiểu sao BV Chân Mây hiện nay đang dần vắng bệnh nhân. "Nếu tình trạng như hiện nay kéo dài rất lãng phí cho một BV được xem là khang trang, bề thế trong tốp đầu ở tỉnh Thừa Thiên Huế". Ông H. nói.
Cần mô hình mới
Bác sĩ CK II Hoàng Văn Thám, Giám đốc BV đa khoa Chân Mây cho rằng, khó khăn lớn nhất với quy mô của BV 200 giường bệnh nhưng hiện nay chỉ hoạt động 70 giường, hạng III. Với mô hình này nhưng lại thuộc tuyến tỉnh nên thời gian qua BV không được khám thông tuyến, thu hút bệnh nhân khám BHYT trong khu vực. Trong khi đó, không xa BV Chân Mây có BV Phú Lộc thuộc Trung tâm Y tế huyện đang hoạt động với mô hình hạng II được khám thông tuyến, thu hút bệnh nhân từ cơ sở. Bác sĩ Thám nêu thực tế, thông thường một BV đa khoa tỉnh không thể hoạt động quy mô 70 giường bệnh, lại hạng III và chỉ có 72 cán bộ y, bác sĩ. Chính lý do này, việc thu hút bệnh nhân ở BV đa khoa Chân Mây ngày càng giảm. Trước đây, mỗi ngày BV này đón từ 120-150 lượt bệnh nhân nội, ngoại trú, nhưng hiện chỉ 70-80 lượt. Công suất giường bệnh chỉ đạt 60-70% KH.
Với vai trò người "cầm trịch" lâu nay ở BV đa khoa Chân Mây, bác sĩ Thám mong các ban, ngành chức năng của tỉnh sớm có những giải pháp tích cực giúp BV phát huy hoạt động hiệu quả, tránh lãng phí về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị máy móc hiện có.
Nhiều chuyên gia y tế địa phương chia sẻ, mô hình hoạt động của BV đa khoa Chân Mây tuy nhỏ nhưng không khác BV đa khoa phía bắc tỉnh khi chưa sáp nhập vào BV Trung ương Huế trước năm 2015. Để BV đa khoa Chân Mây phát triển, tỉnh cần sớm có chiến lược thay đổi. Có thể tách nhập, “thay tên đổi chủ”, tạo điều kiện thuận lợi để trở thành BV có thương hiệu ở khu vực phía nam tỉnh, phục vụ tốt nhu cầu của người dân.
Đại diện lãnh đạo Sở Y tế cho biết, hiện ngành y tế địa phương đã tiến hành nhiều cuộc họp, xây dựng đề án trình UBND tỉnh để hợp nhất BV đa khoa Chân Mây vào TTYT huyện Phú Lộc, nhằm có nguồn nhân lực và hệ thống hạ tầng, trang thiết bị đủ mạnh, đúng tầm BV hạng II, đáp ứng nhu cầu KCB cho người dân khu vực phía nam của tỉnh. "Phương án này mong tỉnh thống nhất, để BV đa khoa Chân Mây trở thành cơ sở 2 của TTYT huyện Phú Lộc và tạo điều kiện tốt cho đội ngũ cán bộ y, bác sĩ yên tâm gắn bó lâu dài". Đại diện Sở Y tế nói.
Bài, ảnh: Minh Trường