Chốt kiểm soát y tế tại Câu Nhi (Phong Hòa) được lập không cho người dân qua địa bàn bằng đường sông Ô Lâu
Như vậy, tính đến nay trên địa bàn huyện Phong Điền đã có 13 chốt kiểm soát y tế (5 chốt do tỉnh lập, 7 chốt do huyện lập trên cả đường đường bộ và đường sông) nhằm chốt chặn chặt tất cả các đối tượng từ tỉnh Quảng Trị và các tỉnh phía bắc vào địa bàn (trừ trường hợp các xe đi qua địa bàn tỉnh trên Quốc lộ 1A)
Khóa chặt
2 chốt chặn ở Cầu Nhi, thôn Đông Thượng xã Phong Hòa do tỉnh và huyện lập nhằm ngăn chặn người Quảng Trị vào địa bàn Thừa Thiên Huế bằng đường sông Ô Lâu vừa mới được lập ngày 14/7 và 16/8. Ông Nguyễn Ngọc Quốc, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hòa thông tin: Từ ngày lập chốt, xã không cho bất kỳ người Quảng Trị vào địa bàn qua đường sông ở thôn Câu Nhi. Hiện, chỉ có khoảng 10 người thôn Câu Nhi được phép qua sông về nhà và những người này phải được UBND xã Hải Phong cấp phép, khi về phải được kiểm tra y tế cẩn thận.
Ông Đoàn Văn Quốc, Chủ tịch UBND xã Phong Hòa thông tin: "Từ khi lập thêm chốt, đã có 6 người (làng Phước Tích) từ Quảng Trị về đã được đưa đi cách ly tập trung. Riêng chốt tại làng Phước Tích đã cấm tất cả người và phương tiện qua về. Hiện nay, xã đã thành lập 2 đội phản ứng nhanh, gồm 20 người có nhiệm vụ tuần tra kiểm soát liên tục dọc sông Ô Lâu nhằm ngăn chặn người nhập cư trái phép và xử lý những trường hợp tránh chốt kiểm soát y tế. Đến nay, tình hình cơ bản ổn định, người dân đã có ý thức hơn về chủ trương phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh, huyện, xã.
Ông Đỗ Hữu Thư, người dân ở xã Phong Hòa cho biết, việc lập chốt là rất cần thiết, khiến người dân trong khu vực yên tâm hơn khi tình hình dịch bệnh COVID-19 ở tỉnh Quảng Trị có diễn biến phức tạp.
Ông Hồ Ngọc Anh, Đội cảnh sát giao thông Công an huyện Phong Điền thông tin: Ngày 16/8, 2 chốt tuần tra lưu động trên tuyến sông Ô Lâu được lập. Hàng ngày, chốt tổ chức tuần tra 6 đến 7 đợt, phát hiện và xử lý những trường hợp có ý định vượt sông vào địa bàn Thừa Thiên Huế.
Tại chốt thôn Hòa Viện (Phong Bình), huyện đã lập thêm 2 chốt. Ông Nguyễn Văn Tây, Bí thư Xã đoàn Phong Bình, thành viên chốt Hòa Viện cho biết, những người đi về trong các chốt không được quá 1 phút, để khẳng định họ không dừng ở đâu. Riêng ngày 16/8, đã buộc 1 người đi cách ly tập trung vì từ địa bàn tỉnh Quảng Trị về.
Tiếp tục các biện pháp cứng rắn
Tất cả người dân từ địa bàn Quảng Trị không được vào địa bàn Thừa Thiên Huế, hàng hóa chỉ được giao trung chuyển ở chốt
Để tiếp tục các biện pháp phòng, chống dịch theo Thông báo và kết luận của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh, tại cuộc họp Ban chỉ đạo huyện Phong Điền vào sáng 17/8, ông Nguyễn Văn Bình, Quyền Chủ tịch UBND huyện Phong Điền đã chỉ đạo lực lượng Công an huyện làm việc với Công an tỉnh và xã Phong Hòa để tăng cường tuần tra, kiểm soát tất cả các phương tiện đi trên sông Ô Lâu từ thượng nguồn về hạ nguồn, không để người từ Quảng Trị và các tỉnh phía bắc vào địa bàn.
Đối với các loại xe tải lớn chưa đến chốt vẫn dừng, đỗ để ăn cơm, uống nước hoặc rẽ về các hướng để về vùng Ngũ Điền, vào Huế, ông Bình yêu cầu trước mắt, công an huyện và các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra trên các tuyến đường bộ để xử lý nghiêm tất cả các trường hợp tránh chốt kiếm soát y tế. Đối với trường hợp dừng đỗ không đúng địa điểm phải đẩy đuổi hoặc đưa vào khu cách ly có thu phí. Ngoài ra, các xã Phong Thu, Phong Mỹ rà soát lại tất cả các con đường mòn, lối mở mà người dân Quảng Trị và các tỉnh phía bắc có thể xâm nhập vào địa bàn để lập thêm chốt. Việc xe tải chưa đến chốt kiểm soát y tế đã dừng, đỗ và di chuyển hướng nhằm tránh kiểm tra, huyện sẽ kiến nghị với tỉnh chuyển địa điểm ra ngoài địa bàn xã Phong Thu để quản lý chặt hơn các đối tượng này.
Ông Nguyễn Văn Bình cũng đề nghị Đồn Biên phòng Phong Hải tuần tra, kiểm soát khu vực biên giới biển do đơn vị phụ trách, chống việc xâm nhập bất hợp pháp của các đối tượng từ tỉnh Quảng Trị và các vùng có dịch. Ngoài ra, hỗ trợ thêm người cho chốt mới lập.
Mặc dù kiểm soát chặt cửa ngõ phía bắc nhưng ông Bình cũng yêu cầu ngành chức năng, các xã, thị trấn vừa đảm bảo chống dịch hiệu quả vừa giúp Nhân dân ổn định đầu ra cho nông sản, nhất là cây lúa, thanh trà và sắn.
Bài, ảnh: Hải Huế