ClockThứ Bảy, 09/03/2019 12:27

Kịp thời phòng ngừa khi sốt xuất huyết xuất hiện

TTH.VN - Từ đầu năm 2019 đến nay sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn có hướng gia tăng về số lượng. Trước tình hình này, ngành y tế tỉnh đã phối hợp các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, nêu cao ý thức tự giác phòng, chống dịch bệnh...

Thận trọng với sốt xuất huyếtTăng cường tuyên truyền về virus Zika đến phụ nữ mang thai

Cán bộ phòng dịch tỉnh kiểm tra chỉ số bọ gậy phát sinh bệnh SXH ở cơ sở

Thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng (CDC) tỉnh, từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn ghi nhận 71 trường hợp SXH. Trong số này phần lớn xuất hiện ở Phú Vang, Phú Lộc và TP. Huế.

Tại huyện Phú Vang, thời gian gần đây có 24 trường hợp SXH, trong đó có 5 ca bệnh ngoại lai. Những trường hợp mắc nằm rải rác ở vùng ven đầm phá; trong đó thôn định cư vạn đò Lại Tân, xã Phú Mậu sống gần sông nước đã có 4 trường hợp mắc bệnh. Bác sĩ Đặng Văn Tuấn, Phó Giám đốc TTYT Phú Vang cho biết, mặc dù SXH mới xuất hiện rải rác nhưng ngành y tế địa phương xác định được các yếu tố nguy cơ cao của các vùng thấp trũng, khu dân vạn đò để vận động tuyên truyền giúp người dân nâng cao kiến thức trong phòng ngừa dịch SXH. Những ngày qua, đội y tế dự phòng huyện tiến hành khoanh vùng, phun hóa chất tại các nơi có nguy cơ cao... Đến ngày 7/3, trên địa bàn Phú Vang không còn trường hợp mắc SXH.

Ở huyện Phú Lộc, qua hai tháng đầu năm 2019 có 19 trường hợp mắc SXH. Tuy số người mắc giảm so với cùng kỳ năm 2018 nhưng vẫn tồn tại nhiều nguy cơ bùng phát tại một số địa bàn trước đây đã có dịch SXH xuất hiện. Xã Vinh Hưng có 6 trường hợp bị SXH. "Ðể công tác phòng, chống bệnh SXH đạt hiệu quả cao, cán bộ dự phòng huyện tăng cường tổ chức các buổi tuyên truyền đến các tổ trưởng tổ dân phố, đoàn viên, thanh niên trên địa bàn các phường nhằm kịp thời thông tin đầy đủ về bệnh SXH cũng như cách thức phòng, chống. Từ đó, tăng cường công tác vận động người dân ủng hộ, cùng tham gia vào chiến dịch diệt loăng quăng, bọ gậy, làm sạch môi trường sống, hạn chế muỗi vằn phát triển, chủ động phòng, ngừa nguy cơ dịch SXH lây lan", một cán bộ Đội dự phòng TTYT huyện Phú Lộc nói.

Sau một thời gian khống chế hiệu quả, gần đây trên địa bàn TP. Huế bắt đầu xuất hiện rải rác một số trường hợp mắc SXH và đang có nguy cơ tiềm ẩn ở một số phường. Hiện nay, nhiều phường, như An Đông, An Tây, Hương Long, An Hòa, Hương Sơ... các hộ dân hưởng ứng nhiệt tình, ra quân ngày chủ nhật xanh - sạch - đẹp nhằm bảo vệ môi trường sống, hạn chế muỗi sinh sôi, phát triển. Bên cạnh đó, chính quyền phường đã vận động lực lượng đoàn viên, thanh niên tiến hành dọn dẹp, phát quang cỏ, bụi rậm tại các khu vực đất trống, các lô đất chưa xây dựng, cũng như dọn sạch rác đọng, làm sạch môi trường khu vực dân cư, khu chợ, sông suối...

Đại diện lãnh đạo CDC tỉnh (trái) kiểm tra và đề nghị Trạm Y tế xã  Phú Mậu quan tâm về phòng chống SXH

Thạc sĩ, bác sĩ Phan Đăng Tâm, Phó Giám đốc CDC tỉnh cho biết, dù SXH chỉ xuất hiện rải rác trên địa bàn nhưng các khoa phòng, đơn vị phụ trách phòng dịch liên quan của Sở Y tế đã trực tiếp kiểm tra các địa bàn nơi có SXH xuất hiện nhằm nắm rõ tình hình thực tế để kịp thời đề xuất các hướng xử lý, phòng ngừa dịch SXH tại các địa phương. Mặc dù SXH hiện đã khống chế nhưng trước diễn biến thời tiết nóng ẩm và tình hình dịch SXH gia tăng ở nhiều tỉnh, thành khác, ngành y tế tỉnh nhà không chủ quan đã khuyến cáo người dân cần tích cực, chủ động phòng, chống bệnh SXH ngay tại gia đình bằng cách đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Khi người dân nhận biết nguy cơ SXH xuất hiện cần phối hợp cán bộ y tế để tổng vệ sinh, thau vét bọ gậy và tổ chức các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch bệnh. Khi phát hiện người bệnh bị sốt, cần đưa ngay đến các cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà...

Bài, ảnh: Minh Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển kinh tế tập thể: Hướng đi hiệu quả

Việc liên kết sản xuất, đổi mới mẫu mã, phương thức bán hàng đã giúp các mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX) phát huy tối đa lợi thế, thúc đẩy sự phát triển, nhất là các sản phẩm công nghiệp nông thôn...

Phát triển kinh tế tập thể Hướng đi hiệu quả
Tăng cường tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số

Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non người dân tộc thiểu số là một nhiệm vụ quan trọng đối với các cơ sở giáo dục mầm non ở vùng khó, nhằm chuẩn bị sẵn sàng về ngôn ngữ, kỹ năng giao tiếp tiếng Việt để trẻ vào lớp 1.

Tăng cường tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số

TIN MỚI

Return to top